Vụ phóng tên lửa Triều Tiên: Lời cảnh báo gửi đến Mỹ và Hàn Quốc?
VOV.VN - Một số nhà quan sát nhận định vụ phóng của Triều Tiên sáng 4/5 là nhằm gia tăng sức ép với Mỹ và hối thúc Hàn Quốc có chính kiến riêng.
Sáng nay (4/5), Triều Tiên đã phóng "một số vật thể bay tầm ngắn không xác định", với tầm bắn từ 70-200 km. Mặc dù chưa thể xác định đây loại vũ khí gì nhưng vụ phóng sáng nay vẫn được coi là thông điệp cứng rắn mà nhà lãnh đạo Triều Tiên gửi tới Tổng thống Mỹ trong bối cảnh các cuộc đàm phán hạt nhân đang bế tắc. Ngay sau vụ phóng của Triều Tiên, Mỹ và Hàn Quốc cũng đã có những phản ứng.
Một số nhà quan sát nhận định vụ phóng của Triều Tiên sáng 4/5 là nhằm gia tăng sức ép với Mỹ và hối thúc Hàn Quốc có chính kiến riêng. Ảnh minh họa: Reuters |
Ngay sau khi có thông tin về vụ phóng, Hàn Quốc kêu gọi Triều Tiên "ngừng hành động làm gia tăng căng thẳng quân sự trên bán đảo Triều Tiên". Chính phủ Hàn Quốc bày tỏ quan ngại về hành động mới nhất của Triều Tiên và cho rằng, điều này đi ngược lại thỏa thuận quân sự liên Triều.
Bà Ko Min-jung, người phát ngôn của Tổng thống Hàn Quốc kêu gọi, Triều Tiên tích cực tham gia các nỗ lực hướng tới việc nối lại các cuộc đàm phán về phi hạt nhân hóa"
Phủ Tổng thống Hàn Quốc đã triệu tập cuộc họp khẩn với sự tham gia của các quan chức an ninh hàng đầu nước này để đánh giá về vụ phóng mới nhất của Triều Tiên. Giám đốc Văn phòng An ninh quốc gia Hàn Quốc Chung Eui-yong chủ trì cuộc họp khẩn này. Ngoài ra, Bộ trưởng Quốc phòng Jeong Kyeong-doo, Giám đốc Cơ quan Tình báo quốc gia Seo Hoon và Phó Chánh Văn phòng an ninh quốc gia Kim Yoo-geun cũng tham gia cuộc họp.
Theo người phát ngôn của Phủ Tổng thống Ko Min-jung, các thành viên tham dự cuộc họp "đang giám sát tình hình hiện tại và trao đổi thông tin chặt chẽ với phía Mỹ".
Cũng trong sáng nay, Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-wha và người đồng cấp Mỹ Mike Pompeo đã có cuộc điện đàm trao đổi ý kiến về vụ phóng của Triều Tiên.
Tại cuộc điện đàm, hai ngoại trưởng cho rằng cần khẩn trương phân tích thêm về vụ phóng này, đồng thời đối phó thận trọng, duy trì trao đổi thông tin để đưa ra quyết định tiếp theo. Theo Bộ Ngoại giao Hàn Quốc, đại diện đặc biệt của Hàn Quốc về các vấn đề hòa bình và an ninh trên bán đảo Triều Tiên, ông Lee Do-hoon cũng đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp Mỹ Stephen Biegun, trong đó hai quan chức cùng nhất trí Hàn Quốc và Mỹ sẽ duy trì trao đổi với nhau thông qua nhiều cấp về vấn đề này.
Về phía Mỹ, người phát ngôn Nhà Trắng Sarah Sanders cho biết, Mỹ đã được thông báo về "hành động của Triều Tiên" và sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ các diễn biến xung quanh vụ phóng mới nhất của Triều Tiên. Theo truyền thông Mỹ, Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ John Bolton cũng đã thông báo với Tổng thống Trump về các diễn biến mới nhất trên bán đảo Triều Tiên.
Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Nhật Bản khẳng định vụ phóng của Triều Tiên không phải mối đe dọa tức thì đối với an ninh quốc gia của nước này. Người phát ngôn Chính phủ Nhật Bản cũng bác bỏ thông tin Triều Tiên phóng thử tên lửa đạn đạo.
Trước đó cùng ngày, Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc (JCS) cho biết, Triều Tiên đã bắn một số tên lửa tầm ngắn, với tầm bắn từ 70-200 km. Tuy nhiên, sau đó đã đính chính lại thông tin rằng đây chỉ là "những vật thể bay tầm ngắn chưa xác định".
Vụ phóng sáng nay là động thái mới nhất trong những hoạt động quân sự công khai gần đây của Triều Tiên. Trước đó, ngày 16/4, nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã giám sát cuộc diễn tập của lực lượng không quân Triều Tiên và một ngày sau đó ông có mặt tại hiện trường để theo dõi cuộc thử nghiệm "vũ khí định hướng chiến lược" mới của nước này, sự kiện mà ông đánh giá “có tầm quan trọng vô cùng to lớn” trong quá trình thúc đẩy sức mạnh quân sự của Quân đội Nhân dân Triều Tiên.
Giới phân tích cho rằng với những hành động trên, Triều Tiên dường như có ý định gia tăng sức ép với Mỹ, buộc Mỹ phải thể hiện sự linh hoạt trong đàm phán hạt nhân cũng như hối thúc Hàn Quốc có chính kiến riêng, đồng thời chứng tỏ Triều Tiên sẽ không rút lui về mặt quân sự. Tuy nhiên, động thái của Triều Tiên dường như được cân nhắc kỹ lưỡng và được điều chỉnh để không khiêu khích Mỹ tới mức làm chệch hướng ngoại giao, bởi điều này sẽ là đòn giáng cho mục tiêu của Triều Tiên trong việc thúc đẩy nới lỏng trừng phạt quốc tế cũng như đẩy mạnh chương trình nghị sự kinh tế./.
Hàn Quốc kêu gọi Triều Tiên tránh làm gia tăng căng thẳng khu vực