Vùng Vịnh lại dậy sóng: Ai Cập muốn loại Qatar khỏi liên minh chống IS
VOV.VN - Ai Cập cho rằng cần loại bỏ tư cách thành viên của Qatar vì sự tham gia của Doha có thể ảnh hưởng đến uy tín của liên quân quốc tế do Mỹ dẫn đầu.
Căng thẳng ngoại giao tại Vùng Vịnh chưa có dấu hiệu hạ nhiệt với việc các bên đều đang xem xét những bước đi trả đũa lẫn nhau. Ai Cập hôm 9/7 kêu gọi loại bỏ Qatar ra khỏi Liên minh toàn cầu chống nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Lời kêu gọi được đưa ra ngay trước thềm Hội nghị liên minh toàn cầu chống IS, dự kiến diễn ra hôm nay (11/7) tại Washington, Mỹ.
Căng thẳng ngoại giao tại Vùng Vịnh chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Ảnh minh họa: Reuters
Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Ai Cập nêu rõ, cần loại bỏ tư cách thành viên của Qatar, vì sự tham gia của nước này có thể ảnh hưởng đến uy tín của liên minh quốc tế do Mỹ dẫn đầu. Bộ Ngoại giao Ai Cập cũng thông báo sẽ sớm đưa ra các bằng chứng về việc Qatar hỗ trợ cho các tổ chức khủng bố.
Hội nghị chống IS tại Washington là cuộc họp đầu tiên của liên minh này, kể từ sau Hội nghị thượng đỉnh Arab Hồi giáo- Mỹ tại Saudi Arabia vào tháng 5 vừa qua.
Tháng trước, 4 nước Arab là Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Bahrain và Ai Cập cắt đứt quan hệ ngoại giao và các tuyến đường giao thông với Qatar, với cáo buộc quốc gia này hỗ trợ cho những tổ chức khủng bố. Tuy nhiên, với những diễn biến vừa qua trong khu vực, lời kêu gọi loại bỏ Qatar ra khỏi Liên minh chống IS của Ai Cập, được giới quan sát dự đoán sẽ không được hưởng ứng tại Hội nghị ngày hôm nay.
Thực tế, 4 nước lên tiếng cáo buộc Qatar hỗ trợ khủng bố, nhưng chưa đưa ra bất cứ bằng chứng cụ thể nào. Qatar hiện cũng nhận được sự ủng hộ của nhiều quốc gia trong liên minh chống IS, trong bối cảnh nước này bị cô lập bởi các quốc gia láng giềng. Điều quan trọng hơn nữa là các nước đều không thể phủ nhận vai trò của Qatar trong cuộc chiến chống IS trong khu vực.
Là địa điểm đặt một trong những căn cứ quân sự lớn nhất của Mỹ trong khu vực, Qatar có ý nghĩa quan trọng trong cuộc chiến chống IS. Căn cứ không quân này cũng thường được sử dụng để thực hiện các cuộc không kích của liên quân chống lại các tay súng IS ở Iraq và Syria. Căng thẳng Vùng Vịnh: 4 nước Arab sẽ có thêm biện pháp chống Qatar
Thổ Nhĩ Kỳ- quốc gia tích cực nhất trong nỗ lực đối phó với IS trong khu vực cũng khẳng định vai trò không thể thiếu của Qatar trong cuộc chiến này.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan nhấn mạnh: “Qatar không phải là một quốc gia hỗ trợ cho chủ nghĩa khủng bố. Trái lạ, Qatar đã thể hiện lập trường rất quyết tâm, luôn sát cánh cùng Thổ Nhĩ Kỳ chống lại IS”.
Là nước đi đầu trong Liên minh chống IS, Mỹ cũng nhiều lần đánh giá cao vai trò của Qatar trong cuộc chiến chống khủng bố cũng như cam kết đối với an ninh khu vực. Các quan chức quốc phòng Mỹ cũng khẳng định, Mỹ không có kế hoạch điều chỉnh sự hiện diện quân sự tại Qatar.
Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ tướng Joseph Dunford nhận định: “Cuộc khủng hoảng này không ảnh hưởng đến hoạt động quân sự của Mỹ. Chúng tôi đang theo dõi tình hình và có sự hợp tác tốt với tất cả các bên. Chúng tôi sẽ tiếp tục ra và vào tự do Qatar. Mỹ có một căn cứ không quân cũng như sở chỉ hủy quan trọng tại Qatar”.
Ngoài ra, với những diễn biến vừa qua trong khu vực cho thấy phần lớn các biện pháp trừng phạt đưa ra vẫn chỉ trong khuôn khổ 4 nước Arab và Qatar. Tuy nhiên, với việc loại bỏ Qatar ra khỏi liên minh trong khu vực sẽ khiến cuộc khủng hoảng ngoại giao này trở nên trầm trọng, kéo theo sự can dự của nhiều quốc gia. Nếu ủng hộ loại Qatar ra khỏi Liên minh chống IS, các nước có thể đang chuyển đi một " thông điệp ngầm", ủng hộ cáo buộc Qatar hỗ trợ khủng bố.
Hiện 4 quốc gia Arab vẫn đang tiếp tục cân nhắc các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Qatar. Tuy nhiên, quốc gia nhỏ bé này dường như vẫn đang dần dần vượt qua sóng gió. Qatar ngày 10/7 tuyên bố với 340 tỉ USD dự trữ quốc gia, nước này có thể tự tin vượt qua cú sốc do bị các nước láng giềng cô lập. Qatar cũng tuyên bố thành lập một ủy ban phụ trách việc đòi bồi thường, có thể lên tới hàng tỷ USD về những thiệt hại xuất phát từ sự phong tỏa của các nước láng giềng vùng Vịnh./. Qatar tự tin có đủ nguồn tài chính dự trữ vượt qua tình trạng cô lập