Xã hội Pháp rạn nứt vì Luật hôn nhân đồng tính

(VOV) - “Quyết định lịch sử” hay “cuộc bỏ phiếu lịch sử” là những từ mà báo chí Pháp đã dùng để chỉ cuộc bỏ phiếu tại Quốc hội Pháp.

Với những người ủng hộ, Bộ luật này thể hiện sự tiến bộ của dân chủ và bình đẳng trong xã hội Pháp. Nhưng với những người phản đối, luật này lại là mầm mống đe dọa các giá trị gia đình truyền thống và cả sự ổn định chính trị quốc gia.

Rạn nứt xã hội

Các cuộc biểu tình phản đối việc kết hôn đồng tính đã diễn ra trên khắp nước Pháp từ nhiều tháng trước. Nếu những người ủng hộ hôn nhân đồng tính giương cao khẩu hiệu “Mariage pour tous – Hôn nhân cho tất cả mọi người” thì những người phản đối tập hợp nhau dưới lá cờ “Manif pour tous – Phản kháng cho tất cả mọi người”.

Thường cuối tuần là những ngày xuống đường. Và đám đông ngày một lớn. Cuộc biểu tình lớn nhất tại Paris hồi cuối tháng 3, theo con số của những nhà tổ chức, lên đến 800.000 người. Hàng triệu người Pháp đã diễu hành trên phố để phản đối việc dự luật được thông qua.

Có 2 yếu tố khiến các cuộc biểu tình phản đối này có sức nặng. Về quy mô, đó là những cuộc biểu tình lớn nhất nước Pháp trong vài năm qua, thậm chí còn đông đảo hơn cả những lần tập hợp lực lượng của các đảng phái trong cuộc tranh cử Tổng thống năm 2012. Quan trọng hơn, các cuộc biểu tình này mang một tính chất khác, đó là những người biểu tình không đòi hỏi lợi ích trực tiếp cho cá nhân họ giống như các cuộc biểu tình chống sa thải nhân công hay các chính sách thắt lưng buộc bụng của chính phủ. Họ biểu tình để đòi hỏi phải bảo vệ những giá trị truyền thống của xã hội. Lý luận của những người phản đối: chấp nhận kết hôn đồng tính là phá vỡ cấu trúc gia đình trong xã hội Pháp.

Trên thực tế, sự phản đối này có nhiều nấc thang khác nhau. Ở một quốc gia đa văn hóa và cởi mở như Pháp, số lượng người đồng tính không ít. Vẫn còn những tranh cãi về con số chính thức nhưng theo số liệu của cuộc điều tra giới tính năm 2007, số người đồng tính ở Pháp dao động ở mức 5-7% dân số. Không khó bắt gặp người đồng tính trên các con phố ở thủ đô Paris hay trong các khu trung tâm ở Montpellier, thành phố được coi là “thủ phủ đồng tính” tại miền Nam nước Pháp. Phần lớn người Pháp không xem đồng tính là điều gì quá nghiêm trọng và ngay trong số những người biểu tình phản đối, hầu hết có thể chấp nhận việc kết hôn đồng tính. Họ chỉ phản đối mạnh mẽ nhất ở điều khoản thứ hai của bộ luật, đó là cho phép các cặp đôi đồng tính được nhận con nuôi.

Với những người phản đối, đó là điều không thể chấp nhận bởi một đứa trẻ cần phải được hưởng đầy đủ, cân bằng sự giáo dục và tình thương yêu của cả cha và mẹ. Một đứa trẻ được một cặp đôi đồng tính nhận nuôi sẽ có nguy cơ phát triển lệch lạc và tạo ra một thế hệ lệch lạc. Nền tảng gia đình, vì thế, sẽ bị phá vỡ.

Nhưng, sau những cuộc tranh luận nảy lửa, các nhà lập pháp Pháp đã đứng về phía những người đồng tính, với lập luận vững chắc nhất, đó là tất cả mọi công dân, dù là đồng tính hay dị tính, đều phải được đối xử bình đẳng.

Những người phản đối không chịu thua, họ vẫn kêu gọi nhau tiếp tục xuống đường và tình hình bắt đầu căng thẳng. Từ chỗ ôn hòa, đã có đụng độ với cảnh sát và các vụ tấn công nhằm vào các đôi đồng tính. Thậm chí, những lá thư đe dọa còn được gửi đến cho Chủ tịch Quốc hội, Claude Bartolone. Nguy cơ về sự rạn nứt trong xã hội ngày một rõ hơn và có thể bùng nổ ngoài tầm kiểm soát. 

Theo các nhà xã hội học Pháp, cuộc tuần hành của những người phản đối hôn nhân đồng tính là sự phản ánh rõ nét nhất những bất an về tâm lý của xã hội Pháp trước những thay đổi lớn về văn hóa và lối sống trong những năm qua. Ảnh hưởng của văn hóa nhập cư đã khiến các giá trị truyền thống của Pháp bị lung lay nên giờ đây, không ít người muốn thu mình vào trong các giá trị cổ điển của nước Pháp, dù điều này ngày càng trở nên khó khăn trong thời đại thông tin.

Đấu tranh & chia rẽ

Nhưng lung lay các giá trị chỉ là một nguy cơ. Bất ổn hiện hữu nhất mà Bộ luật này mang lại chính là những đấu đá chính trị trên chính trường Pháp.

Luật hôn nhân đồng tính được chính quyền của ông Francois Hollande ủng hộ và chính các nhóm nghị sĩ của Đảng Xã hội (PS) hậu thuẫn mạnh mẽ nhất cho luật này được thông qua trong Quốc hội. Phản đối mạnh nhất chính là nhóm cánh hữu do đảng Liên minh vì phong trào nhân dân (UMP) của ông Jean Francois Copé cầm đầu.

Ngay sau khi luật được Quốc hội Pháp thông qua hôm 23/4, phe UMP đã đệ đơn lên Hội đồng Hiến pháp của Pháp đề nghị bác bỏ luật này với lập luận rằng nó vi hiến và đi ngược với Hợp đồng hôn nhân dân sự (PACS) trước đây của Pháp. UMP còn đi xa hơn khi kêu gọi một cuộc tổng diễu hành vào ngày 26/5 để bác bỏ luật này.

Lí do được phía UMP đưa ra là họ muốn sát cánh cùng người dân Pháp để bảo vệ các giá trị chung. Nhưng ý đồ thực sự phía sau là việc hạ uy tín của phe PS vốn đang ở mức thấp nhất kể từ khi ông Hollande cầm quyền do điều hành kinh tế yếu kém và dính vào scandal gian dối của cựu Bộ trưởng Jerome Cahuzac. Theo các nhà phân tích chính trị Pháp, phe UMP của Copé đang đi một nước cờ mạo hiểm, đó là cực đoan hóa các tư tưởng, thể hiện ở đây là hô hào phản đối đến cùng, nhằm thu hút sự ủng hộ cũng đang mất dần từ sau thất bại của ông Nicolas Sarkozy và cuộc nội chiến ầm ĩ giữa ông Copé và ông Francois Fillon.

Chính sự cực đoan hóa đó của UMP cũng tạo nên những chia rẽ trong nội bộ cánh hữu. Hình ảnh các thành viên UMP sát cánh cùng thành viên đảng cực hữu Mặt trận quốc gia (FN) trong chiến dịch biểu tình chống hôn nhân đồng tính được xem là một dấu hiệu cho thấy xu hướng cực hữu ngày một rõ nét hơn trong UMP. Một số thành viên cao cấp của UMP như Nghị sĩ Franck Riester, cựu Bộ trưởng Bruno Le Maire… đã phải lên tiếng cảnh báo UMP không được cực đoan hóa các tranh luận về hôn nhân đồng tính.

Sự chia rẽ không có khả năng sớm kết thúc và sức ép lên chính quyền của ông Hollande cũng không phải đã hết. Việc thông qua được bộ luật này có thể coi là thắng lợi về mặt chính trị với chính quyền của ông Hollande nhưng cũng tạo ra phản ứng trái chiều là tăng sự bất mãn của công chúng, đặc biệt những người cho rằng chính quyền của ông nên dành hết tâm sức cho việc đưa nước Pháp ra khỏi khủng hoảng hơn là việc hậu thuẫn cho một bộ luật gây tranh cãi.

Giờ đây, khi sự đấu đá chính trị quanh bộ luật này đã lan sang Hội đồng Hiến pháp, những ngày tháng yên ả trên chính trường Pháp còn lâu mới quay trở lại./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Báo Pháp bác tin đồn giáo hoàng thoái vị vì bê bối đồng tính
Báo Pháp bác tin đồn giáo hoàng thoái vị vì bê bối đồng tính

Tờ báo này cho rằng tin đồn trên chỉ là do phóng viên suy diễn.

Báo Pháp bác tin đồn giáo hoàng thoái vị vì bê bối đồng tính

Báo Pháp bác tin đồn giáo hoàng thoái vị vì bê bối đồng tính

Tờ báo này cho rằng tin đồn trên chỉ là do phóng viên suy diễn.

Thượng viện Pháp đồng ý với kết hôn đồng tính
Thượng viện Pháp đồng ý với kết hôn đồng tính

(VOV) -Thượng viện đã thông qua Điều 1, cho phép các cặp đồng tính kết hôn, với 179 phiếu thuận, 157 phiếu chống

Thượng viện Pháp đồng ý với kết hôn đồng tính

Thượng viện Pháp đồng ý với kết hôn đồng tính

(VOV) -Thượng viện đã thông qua Điều 1, cho phép các cặp đồng tính kết hôn, với 179 phiếu thuận, 157 phiếu chống

Có nên ủng hộ hôn nhân đồng tính?
Có nên ủng hộ hôn nhân đồng tính?

(VOV) - Thừa nhận hôn nhân đồng tính thể hiện sự tôn trọng quyền cơ bản của con người là tự do mưu cầu hạnh phúc.

Có nên ủng hộ hôn nhân đồng tính?

Có nên ủng hộ hôn nhân đồng tính?

(VOV) - Thừa nhận hôn nhân đồng tính thể hiện sự tôn trọng quyền cơ bản của con người là tự do mưu cầu hạnh phúc.

Người dân Pháp biểu tình chống kết hôn đồng tính
Người dân Pháp biểu tình chống kết hôn đồng tính

(VOV) - Người dân Pháp tiến hành biểu tình yêu cầu Chính phủ không thực hiện dự Luật thừa nhận kết hôn đồng tính.

Người dân Pháp biểu tình chống kết hôn đồng tính

Người dân Pháp biểu tình chống kết hôn đồng tính

(VOV) - Người dân Pháp tiến hành biểu tình yêu cầu Chính phủ không thực hiện dự Luật thừa nhận kết hôn đồng tính.

Pháp thông qua Luật kết hôn đồng tính
Pháp thông qua Luật kết hôn đồng tính

(VOV) - Pháp trở thành nước thứ 14 trên thế giới có Luật kết hôn đồng tính.

Pháp thông qua Luật kết hôn đồng tính

Pháp thông qua Luật kết hôn đồng tính

(VOV) - Pháp trở thành nước thứ 14 trên thế giới có Luật kết hôn đồng tính.