Xung đột Israel-Hamas có thể buộc Mỹ cân nhắc lại sự hiện diện ở Trung Đông
VOV.VN - Cuộc xung đột giữa Israel và Hamas đang buộc chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden phải điều động thêm lực lượng quân sự trở lại khu vực và chính sách của Mỹ một lần nữa tập trung vào Trung Đông ở thời điểm Washington muốn ưu tiên các vấn đề khác.
Lo ngại xung đột Israel-Hamas có thể lan rộng với sự tham gia của lực lượng Hezbollah ở Lebanon, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden tuần trước đã quyết định lập lại một phần sự hiện diện quân sự của Washington trong khu vực.
Mặc dù việc triển khai lực lượng hải quân, phi đội máy bay chiến đấu và có thể cả binh sỹ hỗ trợ chỉ là tạm thời, nhưng cuộc khủng hoảng khiến Mỹ phải làm như vậy dường như sẽ không kết thúc trong thời gian ngắn.
Mặt khác, cuộc xung đột đó có thể buộc Mỹ phải suy tính lại “dấu chân” ở Trung Đông và nó cũng đặt ra thách thức cho Lầu Năm Góc trong việc vừa phải giải quyết những mối đe dọa hàng đầu, vừa hỗ tiếp tục hỗ trợ Ukraine khi các điểm nóng mới nổ ra.
Mỹ đủ sức giải quyết 2 cuộc xung đột?
Tổng thống Biden nhấn mạnh, Mỹ có khả năng tiếp cận trên quy mô toàn cầu và có các nguồn lực quân sự để vừa giải quyết cuộc khủng hoảng Gaza, vừa hỗ trợ Ukraine.
“Chúng tôi có thể giải quyết cả hai vấn đề này mà vẫn duy trì khả năng phòng thủ quốc tế tổng thể của mình”, Tổng thống Biden nhấn mạnh trong chương trình “60 Minutes” của CBS phát sóng ngày 15/10.
Một số cựu chỉ huy quân sự Mỹ cho rằng, với tầm quan trọng chiến lược của khu vực Trung Đông, Washington cần duy trì sự hiện diện thường xuyên hơn, đặc biệt là để mắt đến Iran.
Frank McKenzie, tướng thủy quân lục chiến đã nghỉ hưu, người đứng đầu Bộ Tư lệnh Trung tâm Mỹ từ năm 2019 đến năm 2022, cho biết: “Sức mạnh của chúng ta trong khu vực thực sự tạo ra sự khác biệt. Iran thận trọng theo dõi những gì chúng ta làm. Khi rút bớt lực lượng đồng thời phát đi thông điệp chính sách rằng trọng tâm duy nhất hiện nay là ở Châu Á-Thái Bình Dương, chúng ta không mang lại sự đảm bảo cho bằng hữu của mình trong khu vực [Trung Đông] mà lại tạo niềm tin cho đối thủ”.
Cho đến nay, Mỹ đã cử 2 nhóm tác chiến tàu sân bay bao gồm khoảng 10 tàu và 12.000 nhân viên quân sự, tái triển khai lực lượng ở châu Âu tới Đông Địa Trung Hải. Nhóm tàu Gerald R. Ford đã đến khu vực này vào tuần trước, trong khi tàu USS Dwight D. Eisenhower đang trên đường tới đây.
Tàu USS Dwight D. Eisenhower ban đầu dự kiến sẽ tham gia cuộc tập trận của NATO trong thời gian triển khai kéo dài 6 tháng theo lịch trình, nhưng giờ sẽ tiến thẳng tới Trung Đông và dự kiến đến khu vực sau khoảng 2 tuần.
Một quan chức quốc phòng Mỹ cho biết, tàu tấn công đổ bộ USS Bataan đang hoạt động gần Biển Đỏ, ngày 16/10 đã bắt đầu di chuyển về phía bờ biển Israel và có khả năng giúp sơ tán công dân Mỹ.
Lầu Năm Góc đã giảm bớt lực lượng hải quân trong khu vực trong những năm gần đây và điều chuyển thêm nhiều nguồn lực tới châu Á-Thái Bình Dương để chống lại các mối đe dọa từ Trung Quốc. Lần gần đây nhất Mỹ có hai nhóm tàu sân bay ở Trung Đông là năm 2020.
Tương tự, Lầu Năm Góc cũng điều động máy bay tấn công A-10, máy bay chiến đấu F-15 và F-16 quay trở lại Vịnh Ba Tư, tăng cường lực lượng không quân mà Mỹ đã luân chuyển trên khắp khu vực trong những năm gần đây. Bộ Quốc phòng cũng đang tập hợp khoảng 2.000 binh sĩ sẵn sàng hỗ trợ Israel.
Những nguồn lực khác cũng đang được huy động cho cuộc xung đột, bao gồm cả vũ khí. Các quan chức quốc phòng Mỹ cho hay Israel đã nhận được hàng nghìn quả đạn pháo 155mm kể từ sau cuộc tấn công của Hamas.
Trước khi điều 2 nhóm tàu sân bay tới gần Israel, Mỹ đã có 2 đợt điều động khác hồi đầu năm nay. Tháng 4, Mỹ điều một tàu ngầm tên lửa dẫn đường đến Biển Đỏ và vào tháng 7 các tàu chiến đổ bộ và hàng nghìn lính thủy đánh bộ được điều động tới Vịnh Ba Tư để ngăn chặn lực lượng Iran bắt giữ các tàu chở dầu trong khu vực.
Mặc dù Nhà Trắng cho biết họ không có thông tin cho thấy Iran đứng đằng cuộc tấn công của Hamas vào Israel, nhưng Mỹ nhấn mạnh việc điều các tàu sân bay và máy bay chiến đấu tới khu vực là nhằm ngăn cản Tehran và Hezbollah - lực lượng vũ trang ở Lebanon được Iran hậu thuẫn, mở rộng xung đột.
Suy tính lại chính sách Trung Đông
Trong nhiều năm, các đời chính quyền Mỹ, cả đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ, đã tìm cách tập trung vào nỗ lực chống lại ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc, nhưng chỉ khiến những kế hoạch đó trở nên phức tạp, đầu tiên là vụ tấn công khủng bố 11/9, tiếp đó là các cuộc chiến ở Iraq và Afghanistan, và sau đó là sự trỗi dậy của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS).
Dưới thời chính quyền Tổng thống Donald Trump, chiến lược quốc phòng của Lầu Năm Góc coi việc đối phó với Trung Quốc và Nga là ưu tiên hàng đầu của Mỹ. Nhưng trọng tâm chính sách đối ngoại của Nhà Trắng là ngăn chặn chương trình hạt nhân của Iran và sự hỗ trợ của Tehran cho các nhóm vũ trang trong khu vực.
Chính quyền Joe Biden làm mới lại nỗ lực thu nhỏ sự hiện diện quân sự của Mỹ ở Trung Đông và tập trung các nguồn lực vào Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Mỹ đã rút hơn 8 khẩu đội tên lửa Patriot cùng lực lượng đi kèm ra khỏi khu vực trong năm 2022, bao gồm từ Iraq, Kuwait, Jordan và Saudi Arabia, rút Hệ thống phòng thủ khu vực tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) khỏi Saudi Arabia.
Việc triển khai lực lượng hải quân và máy bay trong khu vực nhìn chung tương đối hạn chế, nhưng Lầu Năm Góc khẳng định họ có thể tăng lực lượng trở lại Trung Đông trong một cuộc khủng hoảng.
Lầu Năm Góc hiện đang phải đối mặt với thực tế rằng khu vực cần sự hiện diện quân sự mạnh mẽ của họ ở đó, ít nhất là vào lúc này. Câu hỏi đặt ra là liệu sự hiện diện đó có kéo dài cả sau khi cuộc khủng hoảng hiện nay kết thúc hay không.
Ông Eliot Cohen thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Washington, cho biết: “Trung Đông quan trọng đối với Mỹ vì dầu mỏ, chủ nghĩa khủng bố và Israel. Không phải lúc nào thứ tự cũng như vậy, nhưng ý tưởng cho rằng chúng ta có thể rời khỏi khu vực này luôn là sai lầm”.