Xung đột Israel-Hezbollah leo thang, Lebanon lo sợ bị “vạ lây”
VOV.VN - Căng thẳng ngày càng leo thang giữa Tel Aviv và Hezbollah tại biên giới phía Bắc Israel giáp Lebanon, đặc biệt sau lời đe dọa tấn công đảo Cyprus của Hezbollah, khiến nước này lo ngại sẽ bị cuốn vào cuộc giao tranh giữa hai bên tham chiến.
Giao tranh ác liệt nhưng chưa bên nào vượt lằn ranh đỏ
Sau khi Israel ám sát một chỉ huy cấp cấp cao của Hezbollah vào tuần trước, lực lượng này đã đáp trả bằng cách bắn hơn 200 quả tên lửa vào lãnh thổ Israel. Đây là số lượng tên lửa lớn nhất từng được khai hỏa trong một ngày từ khi bắt đầu cuộc xung đột giữa hai bên, kéo theo các đợt không kích sau đó cảu quân đội Israel vào miền nam Lebanon, bao gồm thành phố Tyr.
Israel hôm 18/6 tuyên bố rằng các kế hoạch quân sự tại nước láng giềng phía bắc đã được “phê duyệt và xác nhận”. Chỉ một ngày sau đó, Lãnh đạo Hamas cho biết Hezbollah sẵn sàng "cho những tình huống khó khăn nhất nếu "đối đầu và căng thẳng tiếp tục gia tăng" với Israel, dù không muốn một cuộc chiến tranh mở rộng.
Đồng thời, Hezbollah cũng công bố đoạn phim được quay bởi một máy bay không người lái (UAV) của lực lượng này tại thành phố Haifa của Israel. Đây được xem là một cảnh báo “không lời” mà Hezbollah dành cho quân đội Tel Aviv, sau khi cho thấy khả năng lực lượng này sẽ đưa quân vào lãnh thổ Israel nếu buộc phải làm vậy.
Lực lượng này cũng không loại trừ khả năng tấn công đảo Cyprus nếu quốc đảo này cho phép Israel sử dụng sân bay và căn cứ quân sự làm bàn đạp cho các cuộc tấn công trong tương lai. Trước đó, Israel từng tiến hành các cuộc tập trận trong không phận của đảo Cyprus.
Trái ngược với tình cảnh khói lửa dữ dội trên chiến trường, các nhà quan sát vẫn tin rằng hai bên đang tuân thủ phần lớn các quy tắc không can dự.
“Cường độ giao tranh đã gia tăng, nhưng vẫn chưa có lằn ranh đỏ nào bị vượt qua. Hezbollah chỉ gửi máy bay do thám thành phố Haifa của Israel, nhưng không tấn công thành phố này bằng tên lửa, bởi họ hiểu hành động này sẽ vượt lằn ranh đỏ”, chuyên gia nghiên cứu quốc tế Eyal Lurie-Pardes thuộc Viện Trung Đông nhận định.
Những nỗ lực ngoại giao vẫn tiếp tục. Đặc phái viên Mỹ Amos Hochstein, người từng làm trung gian hòa giải cho việc ký kết một thỏa thuận hàng hải giữa Lebanon và Israel, gần đây đã có mặt tại Beirut nhằm làm giảm bớt căng thẳng biên giới. Tuy nhiên, khả năng thành công của ông Hochstein bị hạn chế bởi nhu cầu đạt được một thỏa thuận hòa bình có sự tham gia của Hamas và Hezbollah, ông Imad Salamey, giảng viên chính trị tại Đại học Lebanese American cho biết.
Phía Hamas mong muốn Israel rút quân hoàn toàn khỏi Dải Gaza và trao trả các tù nhân chính trị Palestine đang bị giam giữ, trong khi mục tiêu của Hamas là “xóa sổ sự hiện diện của Hamas” tại vùng đất này. Hezbollah tuyên bố đang hậu thuẫn cho lực lượng Hamas bằng cách tiến hành cuộc giao tranh với Tel Aviv ở khu vực biên giới phía Bắc giáp Lebanon; và ít có khả năng Hezbolla sẽ ngừng bắn nếu cuộc chiến ở Gaza chưa tìm thấy lối thoát.
Nỗi lo của Lebanon
Mặc dù có thể tránh được một cuộc xung đột toàn diện giữa Hezbollah và Israel, nhưng nhiều người Lebanon vẫn lo lắng. Ông Salamey cho rằng xung đột gia tăng đang làm suy yếu nền kinh tế của nước này, do “du khách và các nhà đầu tư tiềm năng đang xem xét lại quyết định của họ”.
Nền kinh tế Lebanon đã suy thoái từ trước cuộc khủng hoảng hiện nay, và phần đông người dân không mong muốn tái diễn cuộc chiến với Israel vào năm 2006. Bên cạnh đó, Lebanon đang phải trải qua một trong những cuộc khủng hoảng chính trị lớn nhất lịch sử do không bầu được Tổng thống sau nhiều lần bỏ phiếu suốt gần 2 năm trở lại đây.
“Hiện Lebanon không có khả năng đáp trả một cách hiệu quả trước cuộc tấn công của Israel hoặc một cuộc chiến tranh trên không quy mô lớn hơn nhằm vào cơ sở hạ tầng của nước này. Bất kỳ sự mở rộng đáng kể nào của xung đột đều là thảm họa bởi một khi cơ sở hạ tầng bị phá hủy sẽ khó được sửa chữa hoặc thay thế”, ông Salamey nói.
Tuy nhiên, nếu Tel Aviv quyết định tiếp tục can dự vào Lebanon, cơ sở hạ tầng quân sự và dân sự của Israel cũng có thể bị thiệt hại nghiêm trọng.
Hezbollah được xem là đã mạnh hơn và được trang bị tốt hơn đáng kể so với thời điểm đầu nổ ra xung đột. Tướng Shlomo Brom, một cựu chiến lược gia quân sự của Israel, cho biết số lượng đạn dược khổng lồ trong kho vũ khí của Hezbollah - đặc biệt là kho chứa thiết bị bay không người lái - có thể áp đảo hệ thống phòng không của Israel trong trường hợp xảy ra chiến tranh toàn diện. Quân của Hezbollah cũng là những chiến binh giàu kinh nghiệm; nhiều người trong số họ đã chiến đấu trong cuộc nội chiến ở Syria.
Israel đối mặt với nhiều rủi ro khi tham chiến
Khoảng 90.000 người dân Israel đang phải tạm di tản khỏi quê nhà để tránh các cuộc giao tranh nảy lửa giữa Israel và Hezbollah. Áp lực đè nặng lên các chính trị gia Israel khi năm học đến gần, và người dân phía bắc muốn trở về nhà để con cái họ tiếp tục được theo học. Nhiều lãnh đạo cực hữu như ông Itamar Ben-Gvir và ông Bezalel Smotrich, đang thúc đẩy các giải pháp quân sự thay vì ngoại giao; thậm chí, ông Smotrich còn đưa ra ý tưởng tấn công Lebanon nhằm “bảo vệ an ninh Israel”.
“Israel đang cố gắng đáp ứng yêu cầu được trở về nhà của người dân, và rõ ràng, họ đang cố gắng đáp ứng điều đó bằng vũ lực”, chuyên gia quân sự Lurie-Pardes nói.
Có niềm tin rộng rãi rằng Israel sẽ cần lệnh ngừng bắn ở Gaza để có thể tập trung hoàn toàn vào mặt trận biên giới giáp Lebanon, nhưng ông Lurie-Pardes cho rằng hoạt động trên chiến trường nằm ngoài khả năng của nước này, “do quy mô nhân lực và tài chính sẽ rất lớn”.
Hiện Israel đang nỗ lực thực hiện mục tiêu “xóa sổ Hamas” trong khi mối đe dọa từ biên giới phía Bắc ngày càng lớn mạnh. Mặc dù Israel có thể gây thiệt hại nghiêm trọng cho Lebanon nhưng điều này cũng có thể dẫn đến những hậu quả lâu dài không thể lường trước, như những gì từng xảy ra trong quá khứ.
“Năm 1982, Israel từng đưa quân vào phía Tây Beirut thuộc Lebanon nhằm tiêu diệt Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) của Yasser Arafatmuốn và họ đã thành công, nhưng điều đó lại dẫn đến sự ra đời của Hezbollah - một lực lượng cấp tiến và có tổ chức hơn nhiều. Và kịch bản tương tự có thể xảy ra lần nữa”, ông Karim Emile Bitar, Giáo sư Quan hệ quốc tế tại Đại học Saint Joseph ở Beirut nói.