Xung đột Nga – Ukraine ảnh hưởng đến châu Á trong năm 2022
VOV.VN - Sau hơn 10 tháng giao tranh, kết cục chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine vẫn chưa rõ ràng nhưng có một điều chắc chắn là cuộc xung đột này đang tác động mạnh tới nhiều khu vực trên thế giới, trong đó có châu Á.
Ngày 24/2/2022, Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở nước láng giềng Ukraine. Cuộc xung đột này đã khiến cục diện địa chính trị, địa kinh tế thế giới thay đổi sâu sắc.
Dù Ukraine cách xa châu Á, nhưng cuộc xung đột đã tác động đến khu vực này theo nhiều cách, từ việc lạm phát tăng và thiếu lương thực, đến việc thay đổi các mối quan hệ và thúc đẩy điều chỉnh chính sách về năng lượng và quốc phòng. Tuy nhiên, Nikkei Asia nhận định rằng cuộc xung đột Nga – Ukraine dường như không thể thay đổi cách châu Á vận hành.
Nga chuyển hướng bán năng lượng cho châu Á
Phương Tây đã áp đặt các biện pháp trừng phạt Nga liên quan đến chiến dịch quân sự của nước này, dẫn đến sự đổ vỡ trong các mối quan hệ cung cấp dầu khí đã tồn tại trong nhiều thập kỷ, tạo áp lực đè nặng với nguồn cung dầu khí toàn cầu.
Vào năm 2023, EU sẽ có một sự thay đổi mang tính lịch sử khi đã đề ra các kế hoạch khẩn cấp cho các nước thành viên để đến tháng 3 mỗi nước sẽ cắt giảm 15% lượng khí đốt tiêu thụ.
Trong khi đó, Nga đang tìm cách chuyển hướng xuất khẩu năng lượng từ châu Âu sang châu Á, chủ yếu là Trung Quốc và Ấn Độ. Trung Quốc và Ấn Độ hiện mua 2/3 tổng lượng dầu thô xuất khẩu bằng đường biển từ Nga. Trung Quốc cũng nhập khẩu khoảng 1/2 trữ lượng dầu thô xuất khẩu bằng đường ống từ Nga.
Gần đây nhất, vào ngày 15/12, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố nước này sẽ mở rộng hợp tác thương mại với các đối tác mới, trong đó có dịch chuyển dòng chảy khí đốt sang các nước phía Đông nhằm đối phó với các lệnh trừng phạt của phương Tây.
Pakistan được cho là sẽ mua tới 4,3 triệu tấn dầu giảm giá của Nga bắt đầu từ năm 2023. Trong trường hợp không có đường ống dẫn dầu, chiết khấu sẽ giúp bù đắp chi phí vận chuyển đáng kể. Tuy nhiên, Nga từ chối giảm giá bán dầu thô cho Pakistan, cho biết không thể đưa ra bất cứ điều gì trong thời điểm này vì tất cả các khối lượng dầu mỏ đã được cam kết với các đối tác khác. Nga cam kết sẽ xem xét yêu cầu của Pakistan và trao đổi vấn đề này thông qua các kênh ngoại giao.
Bên cạnh đó, Sri Lanka cũng nhập khẩu một lượng lớn dầu từ Nga. Theo dữ liệu từ các nhà phân tích Refinitiv và OilX, Sri Lanka đã cạn kiệt nhiên liệu vào đầu năm nay do khủng hoảng tài chính. Tuy nhiên, kể từ tháng 5, hơn một nửa lượng dầu thô nhập khẩu từ quốc gia Nam Á này đến từ Nga. Dữ liệu từ công ty nghiên cứu Kpler chỉ ra rằng đây là lần đầu tiên Sri Lanka nhập khẩu dầu của Nga kể từ năm 2013.
Lạm phát và mất an ninh lương thực
Các quốc gia Nam Á là khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi lạm phát và mất an ninh lương thực do cuộc xung đột ở Ukraine gây ra.
Trước khi xung đột nổ ra, Nga là nước xuất khẩu phân bón lớn nhất thế giới, chiếm 12,7% tổng lượng phân bón được xuất khẩu trên toàn cầu, trong khi Ukraine là một hành lang xuất khẩu quan trọng.
Tuy nhiên, do cuộc xung đột Nga – Ukraine, chỉ số giá phân bón của Ngân hàng Thế giới đã tăng vọt lên mức kỷ lục trong tháng 4/2022. Kể từ đó tới nay, chỉ số giá đã giảm xuống, nhưng vẫn là tín hiệu không mấy khả quan đối với các quốc gia đang gặp khó khăn như Sri Lanka. Giá phân bón đã tăng cao hơn kể từ tháng 9/2019. Vào năm 2021, Trung Quốc đã hạn chế xuất khẩu phân bón để bảo vệ an ninh lương thực của chính mình.
Giá lúa mì toàn cầu cũng tăng do hệ quả của cuộc xung đột, khi Nga và Ukraine cùng chiếm khoảng 30% xuất khẩu loại lương thực này.
Ấn Độ, nhà sản xuất lúa mì lớn thứ hai thế giới sau Trung Quốc, đã cấm xuất khẩu ngũ cốc vào tháng 5 để kiểm soát giá cả tăng vọt và củng cố nguồn cung trong nước. Ấn Độ sản xuất khoảng 107,59 triệu tấn lúa mì hàng năm, trong đó một phần lớn được tiêu thụ trong nước. Hồi tháng 9, Ấn Độ, nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, cũng hạn chế xuất khẩu một số loại gạo.
Lạm phát đã ở mức kỷ lục trên toàn cầu và được Quỹ Tiền tệ Quốc tế dự đoán sẽ đạt 8,8% trong tháng 12/2022. Trong 10 tháng liên tiếp của năm nay, lạm phát giá bán lẻ của Ấn Độ vẫn duy trì ở trên mức cho phép cao hơn trong mục tiêu của Ngân hàng Trung ương từ 2-6%. Vào tháng 11, con số này giảm xuống còn 5,88% trên cơ sở hàng năm, chủ yếu là do giá lương thực giảm.
Khoét sâu sự phụ thuộc của châu Á
Cuộc xung đột Nga – Ukraine đã làm sâu sắc thêm sự phụ thuộc và dễ bị tổn thương ở châu Á.
Lệnh cấm xuất khẩu các sản phẩm dầu cọ của Indonesia vào đầu năm nay nhằm mục đích bình ổn giá dầu ăn trong nước vốn ở mức cao, đã gây ra sự lo lắng cho Ấn Độ, nơi nhập khẩu khoảng 50% dầu cọ từ quốc gia Đông Nam Á này.
Động thái của Jakarta diễn ra vào thời điểm dầu hướng dương, mặt hàng mà Ấn Độ và nhiều quốc gia khác chủ yếu nhập khẩu từ Ukraine, đang thiếu hụt nguồn cung. Trong khi đó, Indonesia là nhà nhập khẩu lúa mì lớn thứ hai thế giới của Ukraine, đã phải tìm kiếm các sản phẩm thay thế đắt hơn để sản xuất mì, bánh mì và bột mì.
Nhật Bản là quốc gia phụ thuộc vào nhiên liệu nhập khẩu cho gần 90% nhu cầu. Cuộc xung đột ở Ukraine đã làm tăng rủi ro năng lượng đối với Nhật Bản và khiến nước này đối mặt với một số khó khăn.
Một tình huống khó khăn của Nhật Bản liên quan đến Sakhalin-2, dự án dầu mỏ và khí đốt ở vùng Viễn Đông của Nga, thu hút sự tham gia của nhiều tập đoàn dầu khí quốc tế và Nhật Bản. Trong khi nhiều công ty quốc tế đã chùn bước trong việc kinh doanh ở Nga, bao gồm đối tác Shell của Sakhalin-2, các công ty thương mại Nhật Bản Mitsui & Co. và Mitsubishi Corp. vào tháng 8 đã báo hiệu rằng họ có ý định tiếp tục tham gia dự án dưới sự điều hành của một công ty mới, Sakhalin Energy. Cổ phần của họ đã được Nga chấp thuận vào ngày 31/8.
Bộ trưởng Kinh tế Nhật Bản Yasutoshi Nishimura cho biết dự án này có ý nghĩa to lớn đối với an ninh năng lượng quốc gia. Nhật Bản nhận được khoảng 60% sản lượng dầu mỏ và khí đốt của Sakhalin-2, chiếm khoảng 10% tổng lượng khí thiên nhiên hóa lỏng nhập khẩu của nước này.
Vào tháng 11, Nhật Bản quyết định giữ lại cổ phần trong công ty mới của Nga điều hành dự án dầu khí Sakhalin-1 đồng thời yêu cầu những doanh nghiệp Nhật Bản ở lại dự án dầu khí khổng lồ này để đảm bảo an ninh năng lượng của đất nước.
Mặc dù vậy, những lo ngại về độ tin cậy của nguồn cung, chi phí nhập khẩu cao và các ưu tiên khử cacbon đã khiến Nhật Bản phải thúc đẩy việc tiếp nhận năng lượng hạt nhân.
Vào năm 2010, hơn 1/4 sản lượng điện của Nhật Bản là điện hạt nhân, nhưng tỷ lệ này đã giảm xuống còn 13,4% vào năm 2020 sau Thảm họa hạt nhân Fukushima năm 2011.
Ngày 22/12, chính phủ Nhật Bản đã quyết định cho phép kéo dài thời gian hoạt động của các nhà máy điện hạt nhân lên 60 năm, so với giới hạn hiện hành là 40 năm. Tuy nhiên, trong số 33 nhà máy điện hạt nhân hiện có, chỉ có 10 nhà máy tại Nhật Bản được phép hoạt động./.