Xung đột Nga-Ukraine kéo thế giới tiến gần hơn đến chiến tranh hạt nhân
VOV.VN - Các nhà phân tích hạt nhân cho rằng, cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine càng kéo dài và càng có nhiều hành động khiêu khích xảy ra trên toàn cầu thì thế giới sẽ càng tiến gần hơn tới một thảm họa hạt nhân.
Hồi tháng 1 năm nay, các nhà khoa học nguyên tử tiếp tục đặt “Đồng hồ ngày tận thế” ở mốc trước nửa đêm 90 giây, giữ nguyên so với năm ngoái. Điều này cho thấy các mối đe dọa hạt nhân từ cuộc xung đột Nga-Ukraine không gia tăng so với trước đây. Tuy nhiên, việc đồng hồ không di chuyển thêm không đồng nghĩa với việc các mối đe dọa đã được bình ổn.
Ivana Nikolic Hughes, Chủ tịch Quỹ Hòa bình Thời đại Hạt nhân và giảng viên cao cấp về hóa học tại Đại học Columbia, và Peter Kuznick, giáo sư lịch sử đồng thời là Giám đốc Viện Nghiên cứu Hạt nhân tại Đại học Mỹ ở Washington, cảnh báo rằng, các mối đe dọa quân sự ngày càng gia tăng kết hợp với vũ khí tiên tiến mà các nước sở hữu hiện nay có thể khiến thế giới rơi vào một kịch bản không có ai là người chiến thắng.
“Đã đến lúc thay đổi chính sách đối với Ukraine và ngăn chặn leo thang trước khi quá muộn. Hội nghị hòa bình ở Thụy Sĩ thiếu vắng sự tham gia của Ngađã không thể thúc đẩy mục tiêu đó. Hội nghị thượng đỉnh của G7 gần đây ở Italy, các tuyên bố của NATO hay các cuộc tập trận quy mô lớn đang được các bên tiến hành ở Đại Tây Dương và Thái Bình Dương cũng vậy”, các nhà khoa học Hughes và Kuznick nhận định.
Các nước dần thay đổi học thuyết hạt nhân
“Tiếp tục chơi cò quay hạt nhân không phải là một con đường có thể chấp nhận được”, hai chuyên gia cảnh báo, ám chỉ đến việc tăng chi tiêu quốc phòng hàng năm của các thành viên NATO, bao gồm mức tăng ước tính 13% cho vũ khí hạt nhân toàn cầu lên mức kỷ lục 91,4 tỷ USD trong năm 2023.
Theo Chiến dịch quốc tế xóa bỏ vũ khí hạt nhân, chi tiêu cho vũ khí hạt nhân trên toàn cầu trong năm 2023 đã tăng thêm 10,7 tỷ USD so với năm 2022, dẫn đầu là Mỹ, chiếm tới 80% trong mức tăng đó.
Ngày 17/6, khi gặp Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Washington, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã xác nhận rằng 23 thành viên của liên minh sẽ chi ít nhất 2% GDP cho quân sự. Ông cho biết số thành viên NATO đạt mục tiêu này đã tăng hơn gấp đôi trong 4 năm qua.
Trong khi đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin gần đây cho biết, Nga đang cân nhắc thay đổi học thuyết hạt nhân, vốn được dùng để điều chỉnh và xác định cách nước này sử dụng kho vũ khí hạt nhân khổng lồ. Ông cáo buộc phương Tây đang hạ thấp tiêu chuẩn sử dụng vũ khí hạt nhân, bao gồm cả việc phát triển các thiết bị hạt nhân có năng suất cực thấp. Tuy nhiên, ông không tiết lộ các điều chỉnh cụ thể với học thuyết hạt nhân hiện tại là gì.
Học thuyết hạt nhân hiện tại quy định Nga có thể sử dụng loại vũ khí hủy diệt này để đáp trả một cuộc tấn công hạt nhân, hoặc trong trường hợp xảy ra một cuộc tấn công quy ước nhưng gây ra mối đe dọa cho sự sống còn với nước Nga.
Kể từ khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra, một số nhà phân tích quân sự Nga có quan điểm cứng rắn đã ủng hộ việc Nga hạ thấp tiêu chuẩn khi nào sử dụng vũ khí hạt nhân. Trong một phát biểu ngày 23/6, Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Duma quốc gia Nga Andrei Kartapolov cảnh báo việc sử dụng vũ khí hạt nhân sẽ phụ thuộc vào tình hình thực tế và sự an toàn của nước Nga.
Xác suất xảy ra chiến tranh hạt nhân đang tăng lên
Các chuyên gia Hughes và Kuznick cho biết phần đáng sợ nhất của chiến tranh hạt nhân là “không thể làm lại” và không có cơ hội thứ hai để xem xét lại một thỏa hiệp nhân đạo hơn, phi bạo lực hơn.
Các chuyên gia đưa ra cảnh báo về chiến tranh hạt nhân do những leo thang gần đây và bất ổn địa chính trị, bao gồm không chỉ cuộc xung đột Nga-Ukraine mà còn cả các mối đe dọa trên khắp châu Á và bạo lực tiếp tục ở Gaza.
Bà cho biết xác suất xảy ra chiến tranh hạt nhân chưa bao giờ bằng 0, đặc biệt là sau khi kho dự trữ ở các quốc gia khác nhau được tích lũy qua nhiều năm và vũ khí ngày càng tiên tiến hơn.
Có những lúc xác suất đó tăng lên, chẳng hạn như ở thời điểm hiện tại. Thế giới bây giờ đã khác so với khi Tổng thống Mỹ Ronald Reagan và nhà lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev đoàn kết chống lại chiến tranh hạt nhân. Tuy nhiên một số nguy cơ vẫn còn tồn tại từ thời Tổng thống John F. Kennedy, Cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba và Chiến tranh Lạnh sau đó.
“Ngay cả khi chúng ta ước tính rằng điều tồi tệ gì đó có thể xảy ra với xác xuất thấp trong khoảng thời gian 1 năm, thì trong khoảng 50 năm hay 80 năm, xác xuất đó có thể tăng vọt”, bà Hughes nói.
Bờ vực Thế chiến III
Chuyên gia Kuznick cũng cho rằng rủi ro ngày càng tăng cao trong thời kỳ toàn cầu tương đối bất ổn. Ông đề cập đến việc các quan chức Mỹ - quốc gia đã cung cấp cho Ukraine hơn 100 tỷ USD viện trợ, gần đây cũng bày tỏ lo ngại về việc Ukraine hồi cuối tháng 5 tấn công các hệ thống radar của Nga vốn có nhiệm vụ theo dõi tên lửa hạt nhân.
Khi đó, giới qian sát đã nêu quan điểm cho rằng, đây không phải là một quyết định sáng suốt của Ukraine. Theo đó, việc tấn công một phần hệ thống cảnh báo hạt nhân của Nga “không phải là một ý tưởng hay, đặc biệt là trong thời điểm căng thẳng. Điều tốt nhất cho tất cả mọi người là hệ thống cảnh báo tên lửa hạt nhân của Nga hoạt động tốt”.
“Tôi nghĩ sự thay đổi đáng kể đã xảy ra khi Ukraine thất bại trong cuộc phản công vào mùa xuân và mùa hè, cũng như những thất bại mà họ đã phải gánh chịu trên chiến trường. Ngày càng nhiều người nhận thấy rằng Ukraine yếu thế hơn rõ rệt về quân số và không có đủ trang bị đến mức họ đang ở bên bờ vực thua cuộc hoặc buộc phải chấp nhận các điều kiện của Nga”, ông Kuznick nói.
Ông nói thêm rằng, giải pháp tốt nhất để thoát khỏi cuộc xung đột là Ukraine, NATO và các nước phương Tây đàm phán với Nga. Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận các điều kiện mà Nga đưa ra sẽ khó được Kiev và các nước phương Tây chấp nhận.
“Chúng ta đang trên con đường dẫn đến thảm họa và có khả năng hủy diệt lẫn nhau. Tôi không thấy sẽ đạt được gì khi tiếp tục chiến đấu. Kiev sẽ không đẩy được lực lượng Nga ra khỏi Ukraine và Nga cũng sẽ không để điều đó xảy ra. Chúng ta thực sự đang ở trên bờ dốc trơn trượt nhất hướng tới Thế chiến III và chiến tranh hạt nhân, đó là điều mà tôi chưa từng thấy kể từ cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba”, ông Kuznick nói.