Yêu cầu nhân viên đi làm, các văn phòng ở Indonesia chơi “mèo đuổi chuột” giữa đại dịch
VOV.VN - Trái ngược với sự vắng vẻ của các con phố ở Jakarta, những tòa nhà văn phòng lại không hề vắng bóng người. Một số công ty đã phớt lờ việc thực thi các biện pháp hạn chế hoạt động công cộng cấp độ 4, thậm chí còn “chơi trò mèo đuổi chuột” khi bị kiểm tra đột xuất.
Những con phố thường xuyên tắc nghẽn chạy qua các khu thương mại chính của Jakarta đã trở nên vắng vẻ hơn một tháng qua, không còn sự hối hả và nhộn nhịp thường thấy.
Kể từ ngày 3/7, các lực lượng chức năng đã dựng rào chắn và trạm kiểm soát ở mọi ngóc ngách của các tuyến đường chính, ngăn những người lao động không thiết yếu đến văn phòng, một phần nỗ lực hạn chế sự lây lan của Covid-19 do biến thể Delta.
Tuy nhiên, trái ngược với sự vắng vẻ của các con phố, những tòa nhà cao tầng lại không hề vắng bóng người. Một số công ty đã phớt lờ việc thực thi các biện pháp hạn chế hoạt động công cộng cấp độ 4 (PPKM) hiện đang được áp dụng tại thủ đô Jakarta. Nhiều công ty thậm chí còn “chơi trò mèo đuổi chuột” khi bị kiểm tra đột xuất.
“Ở công ty của tôi, tất cả nhân viên đều được yêu cầu đến văn phòng. Công ty đưa ra lý do rằng họ đã chi rất nhiều tiền để thuê không gian văn phòng và không muốn bị lãng phí. Bộ phận của tôi còn có 2 phụ nữ mang thai, nhưng họ cũng được yêu cầu phải văn phòng làm việc”, Aldi (tên nhân vật đã được thay đổi), trưởng bộ phận tiếp thị của một công ty tại Jakarta nói với CNA.
Theo quy định PPKM, tất cả những người lao động trong lĩnh vực không thiết yếu phải làm việc tại nhà. Đối với các ngành thiết yếu, số lượng nhân viên làm việc tại văn phòng cũng không quá 50%.
Cơ quan Nhân lực Jakarta cho biết đã xử phạt nhiều mức độ với hơn 1.000 công ty vi phạm quy định PPKM kể từ khi chính sách này được ban hành vào tháng trước.
Một số nhân viên tiết lộ với CNA, văn phòng của họ vẫn hoạt động 100% công suất trong suốt thời gian áp dụng PPKM. Việc dựng thêm các trạm kiểm soát và áp đặt thêm các biện pháp hạn chế khác nhau đồng nghĩa với việc họ phải đi qua các lối tắt, hay các ngõ, hẻm nhỏ để đến nơi làm việc.
Các chuyên gia đã bày tỏ lo ngại về tình trạng này và kêu gọi việc thực thi quy định PPKM nghiêm ngặt hơn.
“Đại dịch sẽ không bao giờ kết thúc nếu việc đi lại hay những tương tác của mọi người tại nơi làm việc vẫn ở mức cao”, nhà dịch tễ học Windhu Purnomo nói với CNA.
“Sếp tôi đang coi nhẹ Covid-19”
Aldi làm việc trong một công ty công nghệ, thuộc lĩnh vực thiết yếu. Lúc đầu, lãnh đạo công ty tuân thủ PPKM bằng cách cho phép một nửa số nhân viên làm việc tại nhà.
“Là trưởng bộ phận tiếp thị, tôi không thực sự cần phải đến văn phòng. Tôi cảm thấy năng suất của chúng tôi không thay đổi cho dù làm việc tại văn phòng hay ở nhà. Một lợi thế khi làm việc tại nhà là chúng tôi cảm thấy an toàn hơn rất nhiều và không phải lo lắng về nguy cơ mắc Covid-19 tại nơi làm việc hoặc trên đường đi làm”, Aldi nói.
Sau đó, công ty đã đảo ngược quyết định và thông báo tất cả nhân viên phải trở lại làm việc tại văn phòng từ ngày 26/7.
“Tôi cảm thấy sếp tôi đang coi nhẹ Covid-19. Một trong số các lãnh đạo công ty từng mắc Covid-19, nhưng phục hồi rất nhanh. Kể từ đó, công ty đã lấy kinh nghiệm của người này làm ví dụ. Họ nói với chúng tôi: ‘Đó, Covid-19 không tệ như mọi người nghĩ đâu. Đừng có lo lắng về việc trở lại văn phòng nữa’”, Aldi cho biết.
Aldi cũng cho biết, công ty anh gần như không áp dụng các giao thức y tế và các biện giãn cách an toàn.
“Khi có một nhân viên nào đó có kết quả xét nghiệm dương tính, tất cả những gì họ làm là xịt khử khuẩn bàn làm việc khoảng vài phút và rồi yêu cầu mọi người quay lại làm việc ngay sau đó. Nếu chúng tôi lo lắng về việc bị nhiễm bệnh, chúng tôi phải tự bỏ tiền túi ra xét nghiệm và công ty sẽ không hoàn lại tiền cho chúng tôi”, Aldi nói.
Budi (tên nhân vật đã được thay đổi) cho biết công ty công nghệ của anh đã hoạt động 100% công suất kể từ ngày 2/8.
“Công ty chúng tôi là đơn vị cung cấp ứng dụng (di động) và tất cả công việc của chúng tôi đều được thực hiện trên máy tính. Chúng tôi không cần phải tương tác trực tiếp để đáp ứng KPI (chỉ số hiệu suất chính). Tôi rất thất vọng vì chúng tôi phải đến văn phòng, chỉ để mở cùng một chiếc máy tính xách tay, làm những việc giống hệt như chúng tôi đã làm ở nhà. Ngoại trừ việc chúng tôi đang mạo hiểm sức khỏe và hạnh phúc của mình”, Budi nói với CNA.
Budi cho biết anh làm việc trong một văn phòng nhỏ cùng 7 người khác. Điều này khiến việc áp dụng các biện pháp giãn cách trở nên khó khăn.
Khi Budi nêu vấn đề với lãnh đạo công ty, họ đã trả lời rằng làm việc trong văn phòng sẽ giúp phối hợp tốt hơn và Budi nên thấy biết ơn vì vẫn có việc làm trong khi nhiều công ty trên khắp Indonesia đã buộc phải cắt giảm nhân viên.
Hơn 1.000 công ty bị yêu cầu đóng cửa tạm thời do vi phạm chống dịch
Giám đốc Cơ quan Nhân lực và Năng lượng Jakarta Andri Yansyah cho biết, văn phòng của ông đã yêu cầu 1.057 công ty tạm thời đóng cửa do các vi phạm PPKM khác nhau, từ việc không đảm bảo các giao thức y tế cho tới việc có quá nhiều nhân viên làm việc trong văn phòng.
“Thậm chí có nhiều trường hợp họ còn bắt những nhân viên mắc Covid-19 đến làm việc”, ông Yansyah nói với CNA.
Ông Yansyah cho biết thành phố đã triển khai hàng trăm nhân viên để tiến hành kiểm tra định kỳ và đảm bảo rằng các văn phòng tuân thủ các quy định.
“Chúng tôi không có đủ nguồn lực để giám sát mọi văn phòng ở Jakarta, đó là lý do tại sao chúng tôi phải dựa vào khiếu nại từ công chúng. 90% các cuộc kiểm tra được thực hiện đến từ các khiếu nại mà ai cũng có thể thực hiện ẩn danh thông qua trang web, ứng dụng di động và WhatsApp của chúng tôi”, ông nói.
Trưởng bộ phận tiếp thị Aldi cho biết một số đồng nghiệp của anh đã khiếu nại việc công ty vi phạm quy định về hạn chế hoạt động.
“Công ty của tôi đã bị kiểm tra đột xuất 2 lần và cả 2 lần đều bị yêu cầu tạm thời đóng cửa văn phòng” anh nói.
Tuy nhiên, ngay cả sau các cuộc truy quét, công ty vẫn tiếp tục yêu cầu tất cả nhân viên đến văn phòng.
“Có lẽ hình phạt là quá nhỏ. Ngoài ra, lực lượng kiểm tra không hề nhận thấy chúng tôi có nhiều tầng trong cùng một tòa nhà. Vì vậy, tất cả những gì công ty tôi phải làm là di chuyển mọi người tới tầng khác khi có một tầng bị đóng cửa”, Aldi nói.
Theo luật, những công ty vi phạm có thể bị đóng cửa văn phòng trong 3 ngày cũng như nộp phạt lên tới 50 triệu rupiah (tương đương 3.480 USD).
Những người “khiếu nại” sợ bị lộ danh tính
Phó Thống đốc Jakarta, Ahmad Riza Patria đã cam kết danh tính của những người “khiếu nại” sẽ được bảo vệ. Ông Patria cũng cam kết sẽ thu hồi giấy phép kinh doanh nếu công ty nào có hành động trừng phạt đối với người “khiếu nại”.
Jakarta hiện đang sử dụng một ứng dụng có tên JAKI người dân có thể gửi khiếu nại về việc vi phạm giao thức y tế. Mặc dù cho phép tạo báo cáo ẩn danh, nhưng danh tính của người dùng sẽ vẫn được ghi lại trong hệ thống.
Tháng trước, một bài đăng trên mạng xã hội đã lan truyền mạnh mẽ. Bài đăng nói rằng, mặc dù sử dụng tính năng ẩn danh, nhưng danh tính của người dùng đã nộp đơn khiếu nại vi phạm giao thức ý tế vẫn bị rò rỉ bởi một nhân viên thanh tra tại hiện trường.
Chính quyền Jakarta sau đó nói rằng danh tính của những người khiếu nại sẽ được giữ kín ngay cả với lực lượng tiến hành kiểm tra.
Tuy nhiên, Rini (tên nhân vật đã được thay đổi), một thư ký làm việc cho một công ty quần áo, cho biết cô vẫn hoài nghi về điều này.
“Kể từ khi đại dịch bắt đầu, công ty của tôi chưa từng cho nhân viên làm việc ở nhà. Đã có 5 người mắc Covid-19 nhưng họ vẫn không đóng cửa văn phòng” Rini nói với CNA.
“Tháng trước, tôi đã nghĩ đến việc khiếu nại điều này bằng ứng dụng do thành phố cung cấp nhưng tôi vẫn lo bị lộ danh tính và sẽ bị xử phạt vì chống lại chính công ty của mình”, Rini cho biết.
Trưởng bộ phận tiếp thị Aldi cho biết nhiều đồng nghiệp anh cũng không muốn nộp đơn khiếu nại lên thành phố vì lý do tương tự.
“Chúng tôi sẽ không tự mình khiếu nại. Để thêm một lớp bảo mật khác, chúng tôi nhờ người thân nộp đơn khiếu nại”, Aldi cho biết.
Trong khi đó, ông Trubus Rahardiansyah, một nhà phân tích chính sách công từ Đại học Trisakti của Jakarta cho biết: “Khu vực tư nhân cũng cảm thấy họ chẳng được gì nếu làm theo chính sách. Các công ty phải cân nhắc về dòng tiền của mình, về tiền thuê văn phòng, các loại chi phí, tiền lương và các khoản vay. Chính phủ phải can thiệp và đưa ra các biện pháp khuyến khích như giảm thuế và cho vay ưu đãi. Nếu không, các công ty sẽ còn tiếp tục vi phạm các quy định chống dịch”./.