Yếu tố đưa Qatar trở thành cầu nối giữa Taliban với thế giới
VOV.VN - Qatar có các nguồn lực, có ảnh hưởng và có ý chí chính trị để đóng vai trò lớn trong quá trình tái thiết Afghanistan.
Khi Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo tổ chức một cuộc họp trực tuyến cấp bộ trưởng vào ngày 30/8 vừa qua với “các đối tác chính về Afghanistan”, có một yếu tố bất ngờ trong danh sách các bên tham dự.
Ngoài các đồng minh của Mỹ trong NATO và EU, còn có một đối tác không phải là quốc gia phương Tây, đó là Qatar. Có nhiều lý do khiến quốc gia bán đảo Arab này được mời tham gia vào “vòng đặc quyền” các đồng minh phương Tây của Mỹ như vậy.
Có thể nhận thấy ngay 2 yếu tố. Thứ nhất, Doha là nơi diễn ra các cuộc đàm phán hòa bình giữa Mỹ và Taliban về Afghanistan. Qatar cũng cũng là nơi 20 lãnh đạo hàng đầu của Taliban cùng gia đình sinh sống trong những năm gần đây. Thứ hai, Bộ Tư lệnh Trung tâm của Mỹ, chịu trách nhiệm về tất cả các chiến dịch liên quan đến Afghanistan trong tương lai, cũng có trụ sở ở Doha.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã bổ sung thêm yếu tố thứ 3 khi ông thông báo hôm 30/8 rằng, Mỹ đã “đình chỉ” các phái bộ ngoại giao tại Kabul, và “chuyển mọi hoạt động sang Doha”.
Như ông Blinken đã nói: “Chúng tôi sẽ sử dụng vị trí ở Doha để tiến hành hoạt động ngoại giao với Afghanistan, trong đó có các vấn đề lãnh sự, điều phối viện trợ nhân đạo, làm việc với các đồng minh, đối tác và các bên quan trọng trong khu vực cũng như quốc tế để gửi thông điệp tới Taliban”.
Rõ ràng, Mỹ đang nhấn mạnh tầm quan trọng của Qatar không chỉ về mặt hậu cần, mà còn ở cả khía cạnh chính trị và ngoại giao để thực hiện các chiến lược trong tương lai đối với một Afghanistan do Taliban điều hành. Điều này sẽ có tác động sâu rộng không chỉ với Qatar, chính quyền Taliban hay các chiến lược khu vực của Mỹ mà cả địa chính trị của Tây Á.
Tham vọng trở thành trung gian hòa giải các vấn đề quốc tế
Qatar từ lâu đã mong muốn trở thành quốc gia hòa giải các vấn đề quốc tế. Việc trở thành cầu nối giữa Taliban với Mỹ và phương Tây cũng không nằm ngoài tham vọng này.
Qatar cũng thường nhắm tới các mục tiêu lớn, đôi khi được đánh giá là “quá sức” trên toàn bộ khu vực Tây Á - từ Gaza đến Syria, Ai Cập đến Libya, và thậm chí cả Yemen. Qatar muốn truyền đi một thông điệp lớn về một trật tự khu vực đa trung tâm ở Tây Á.
Là một quốc gia vô cùng giàu có, Qatar có nhiều nguồn lực để thực hiện các tham vọng của mình. Tuy nhiên, những tính toán của Qatar trong việc trở thành một nước trung gian hòa giải các vấn đề quốc tế lại đặt ra một thách thức đối với 2 cường quốc Arab là Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE). Năm 2017, Saudi Arabia, UAE, Ai Cập và Bahrain đã áp đặt cấm vận với Qatar với cáo buộc Doha ủng hộ các nhóm Hồi giáo và khủng bố, bao gồm al-Qaeda và tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).
Mặt khác, bản chất các chính sách khu vực của Qatar là nhằm mang lại cho nước này sự hiện diện quan trọng và nhiều ý nghĩa trong các tình huống khác nhau như sự cạnh tranh của Saudi Arabia và UAE với Iran và Thổ Nhĩ Kỳ. Vì vậy, mối quan hệ giữa Qatar với Taliban không được coi là thân thiết, dù trên thực tế, đã kéo dài hàng thập kỷ, kể từ khi các đại diện của Taliban bí mật đến Qatar vào khoảng năm 2010 để trao đổi với giới chức phương Tây.
Điều quan trọng, mối quan hệ này nảy sinh từ sự lạnh nhạt của Taliban với Saudi Arabia và UAE. Khi Taliban nhìn lại sai lầm trong những năm 1990 để thay đổi hình ảnh tích cực, họ nhận ra rằng phần lớn sự ê chề mà họ chuộc lấy khi nắm quyền ở Kabul là do phụ thuộc quá nhiều vào Saudi Arabia và UAE - vốn là 2 quốc gia duy nhất công nhận chính quyền Taliban, ngoài Pakistan.
Sự phụ thuộc quá mức khi đó đã dẫn đến việc Taliban áp dụng một số đường lối của chủ nghĩa Wahhabi, mặc dù những đặc điểm đó trái ngược với Hồi giáo truyền thống (Deobandi) được thực hiện ở Afghanistan. Học thuyết Salafi khắc khổ, không khoan dung đã bao trùm cách thực hành luật Sharia của chế độ Taliban.
Đổi lại, tình báo Saudi Arabia được hoạt động tự do ở Afghanistan dưới chế độ Taliban, sử dụng nước này như một bàn đạp để gây bất ổn cho Iran.
Chính quyền Donald Trump được cho là muốn Saudi Arabia tổ chức các cuộc đàm phán với Taliban, nhưng rạn nứt giữa Taliban - Saudi Arabia lại quá lớn. Trên thực tế, ý tưởng này từng được đưa ra vào năm 2020 theo gợi ý của Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani, nhưng đã bị Taliban bác bỏ - có thể với sự đồng tình của Pakistan do nước này có quan hệ không ổn định với Saudi Arabia thời gian gần đây.
Chắc chắn Qatar sẽ tận dụng lợi thế như vậy để đóng một vai trò quan trọng trong các cuộc trao đổi giữa Mỹ và Taliban. Qatar đã tiếp đón một cách hào phóng các quan chức cấp cao của Taliban và điều này sẽ giúp Doha là lựa chọn thay thế tốt hơn so với Riyadh.
Lợi thế đồng minh của Mỹ và ảnh hưởng với Taliban
Qatar đang tự đặt mình vào vai trò lớn trong công cuộc tái thiết Afghanistan. Thực tế, Qatar có các nguồn lực, có cam kết và ý chí chính trị, và nước này cũng hội nhập khá tốt với thế giới phương Tây. Sự hào phóng của Qatar ở Gaza trong việc hỗ trợ nhân đạo và duy trì nền kinh tế trong điều kiện khó khăn đã chứng tỏ khả năng của nước này.
Trong khi Saudi Arabia và UAE đã bỏ trống các phái bộ tại Kabul, Qatar lại trở thành một trong ba đối tác Hồi giáo chính của Taliban, bên cạnh Pakistan và Iran.
Dù vậy, Qatar cũng sẽ phải “nhạy cảm” về tham vọng của Pakistan trong việc bảo toàn ảnh hưởng đối với một Afghanistan do Taliban cai trị. Pakistan có thể sẽ “khó chịu” khi bị chính quyền Biden “bỏ qua” với tư cách là đối tác chính của Mỹ ở Afghanistan.
Tổng thống Joe Biden đã trao đổi với quốc vương Qatar Tamim bin Hamad Al Thani ngày 20/8 và “cảm ơn quốc vương vì vai trò quan trọng của Qatar trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho các cuộc đàm phán nội bộ Afghanistan”.
“Hai nhà lãnh đạo nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiếp tục phối hợp chặt chẽ về những diễn biến ở Afghanistan và rộng lớn hơn là Trung Đông”, thông báo của Nhà Trắng cho biết.
Tuy nhiên, ông Biden vẫn chưa có cuộc điện đàm với Thủ tướng Pakistan Imran Khan.
Là một đồng minh đáng tin cậy của Mỹ trong nhiều thập kỷ, lại có ảnh hưởng ổn định với giới lãnh đạo Taliban. Đó là lý do Mỹ coi Qatar là đối tác số 1 trong thế giới Hồi giáo để xây dựng cầu nối với chính quyền Taliban./.