Quốc tế nỗ lực xây dựng cơ chế giám sát lệnh ngừng bắn tại Gaza
VOV.VN -Những hành động tích cực và quyết liệt của cộng đồng quốc tế là cần thiết nhằm đạt được một lệnh ngừng bắn bền vững và lâu dài tại Dải Gaza
Trong bối cảnh các lệnh ngừng bắn tại Dải Gaza liên tục bị phá vỡ, Anh, Pháp và Đức đang thảo luận những bước đi cần thiết để yêu cầu Liên Hợp Quốc thành lập một cơ chế giám sát lệnh ngừng bắn trong tương lai giữa Israel và phong trào vũ trang Hamas tại Dải Gaza. Đề xuất này sẽ được đưa vào một dự thảo nghị quyết mà những nước này đang cùng làm việc để sớm được Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc thông qua.
Trong một phát biểu với báo chí, Đại diện thường trực Anh tại Liên Hợp Quốc và là chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc tháng 8, ông Mark Lyall Grant cho biết, cùng với Pháp và Đức, Anh hy vọng Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc sẽ tập trung thảo luận về dự thảo nghị quyết duy nhất để văn kiện này sớm được thông qua, hướng tới chấm dứt hoàn toàn tình trạng đổ máu hiện nay tại Dải Gaza.
Một trong những điểm chính của dự thảo là kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc thành lập một phái bộ quốc tế có trọng trách “giám sát và kiểm chứng” lệnh ngừng bắn tại Dải Gaza, trong bối cảnh từ ngày 8/7 vừa qua, quân đội Israel đã phát động chiến dịch “Bảo vệ biên giới” mà nước này cho là nhằm chấm dứt các vụ không kích từ phía Dải Gaza.
Phái bộ này sẽ đặc biệt chịu trách nhiệm điều tra về các vụ vi phạm lệnh ngừng bắn có thể xảy ra và báo cáo lên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, cũng như tạo thuận lợi cho việc ra vào Dải Gaza cả đối với hàng hóa và con người và đóng vai trò trung gian giữa các lực lượng đối lập. Phái bộ có thể do Liên Hợp Quốc và Liên minh châu Âu đứng ra thành lập.
Jordan, hiện là một thành viên của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, trước đó cũng đã trình một dự thảo nghị quyết do nước này soạn thảo nhằm ủng hộ việc các bên đạt được một lệnh ngừng bắn, song không đề cập tới việc thành lập một cơ chế giám sát.
Theo các nhà ngoại giao Liên Hợp Quốc, đây cũng là một trong những điểm thiếu sót lớn trong nghị quyết được Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc thông qua hồi năm 2009 sau chiến dịch “Đổ chì” của Israel tại Dải Gaza.
Đại sứ Anh tại Liên Hợp Quốc Mark Lyall Grant nói: “Chúng tôi cho rằng cần phải có một cơ chế giám sát và kiểm chứng quốc tế đáng tin cậy. Đây cũng là điểm còn thiếu sót của nghị quyết 1860. Rõ ràng, chúng ta cần phải có một sự đảm bảo cho an ninh Israel, nhưng cùng với đó cũng cần phải đảm bảo rằng người dân Gada có thể sống trong hòa bình, an ninh và thực hiện các hoạt động kinh tế phù hợp và đây là những gì mà một cơ chế kiểm tra và giám sát quốc tế có thể làm”.
Chia sẻ quan điểm này, Cao ủy Liên Hợp Quốc về nhân quyền Navi Pillay mới đây cũng chỉ trích Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã không thể đưa ra một hành động hiệu quả và quyết liệt nhằm ngăn ngừa xung đột không chỉ tại Gaza mà còn tại nhiều nước khác. Theo bà, Hội đồng Bảo an đã bị chi phối quá nhiều bởi các lợi ích địa chính trị ngắn hạn.
Bà Navi Pillay nói: “Không cuộc khủng hoảng nào hiện nay xảy ra mà không có sự cảnh báo trước. Bởi nó đã manh nha từ trước đó nhiều năm và thậm chí là cả thế kỉ. Tuy nhiên, những tính toán địa chính trị ngắn hạn và các lợi ích quốc gia đôi khi đã bị đặt lên trên những đau khổ mà con người phải chịu đựng và về dài hạn thì đây là một nguy cơ lớn đối với hòa bình và an ninh quốc tế. Tôi có niềm tin mạnh mẽ rằng, nếu như Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc thể hiện trách nhiệm lớn hơn thì hàng trăm nghìn sinh mạng đã được cứu sống”.
Những hành động tích cực và quyết liệt của cộng đồng quốc tế là cần thiết nhằm đạt được một lệnh ngừng bắn bền vững và lâu dài tại Dải Gaza. Kể từ khi Israel phát động chiến dịch “Bảo vệ biên giới”, 3 lệnh ngừng bắn đã đạt được giữa Quân đội Israel và phong trào vũ trang Hamas nhưng tất cả đều đã bị đổ vỡ, thậm chí có những lệnh ngừng bắn bị vi phạm ngay từ những giờ đầu tiên có hiệu lực.
Ngay ngày 22/8, Thủ tướng Israel đã một lần nữa cam kết có những hành động đáp trả mạnh mẽ nhằm vào Hamas sau khi một bé trai Israel 4 tuổi thiệt mạng trong một vụ tấn công.
Đây là tổn thất đầu tiên về người bên phía Israel kể từ khi các cuộc giao tranh mới giữa Israel và Hamas bắt đầu từ đầu tuần này. Đây cũng là trường hợp đầu tiên một em bé Israel thiệt mạng kể từ khi Israel tiến hành chiến dịch nhằm vào Gaza. Có 68 người bên phía Israel đã thiệt mạng, trong đó có 64 người là binh lính./.