Quốc tế ủng hộ nỗ lực chấm dứt xung đột tại Ukraine
VOV.VN - Các cuộc điện đàm riêng rẽ giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump với Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đang được kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội giúp chấm dứt xung đột giữa Nga và Ukraine.
Quốc tế ngay lập tức đánh giá cao các nỗ lực hướng tới giải quyết cuộc xung đột kéo dài này thông qua hòa đàm.
Tổng thống Donald Trump khẳng định cả Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đều bày tỏ mong muốn hòa bình trong các cuộc điện đàm riêng rẽ với ông.
“Tất nhiên là Ukraine sẽ làm vậy, họ sẽ ngồi vào bàn đàm phán, sẽ có cả Nga và các bên tham gia khác. Xung đột tại Ukraine phải sớm kết thúc”.
“Tôi tin rằng Tổng thống Putin muốn hòa bình, khi tôi trao đổi với ông ấy ngày hôm qua, tôi nghĩ rằng ông ấy thực sự mong muốn hòa bình”.
![quốc tế ủng hộ nỗ lực chấm dứt xung đột tại ukraine hình ảnh 1 quoc te ung ho no luc cham dut xung dot tai ukraine hinh anh 1](https://media.vov.vn/sites/default/files/styles/large/public/2025-02/2025-02-13T181948Z_148871993_RC2YQCA0RLDV_RTRMADP_3_UKRAINE-CRISIS-USA-EMIRATES.JPG.jpg)
Ông Trump cũng đã yêu cầu các quan chức cấp cao của Mỹ khởi động các cuộc đàm phán về việc chấm dứt xung đột ở Ukraine. Bên cạnh đó, nhà lãnh đạo Mỹ còn dự đoán khả năng đạt được lệnh ngừng bắn ở Ukraine trong tương lai không xa. Về phần mình, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đề cập sự cần thiết của việc loại bỏ nguyên nhân gốc rễ của cuộc xung đột và nhất trí với nhà lãnh đạo Mỹ rằng có thể đạt được một giải pháp lâu dài thông qua các cuộc đàm phán hòa bình. Trong khi đó, Tổng thống Ukraine Zelensky khi trao đổi với Tổng thống Mỹ Donald Trump khẳng định, Ukraine mong mỏi hòa bình hơn bao giờ hết và đang cùng Mỹ xác định những bước đi chung nhằm bảo đảm một nền hòa bình lâu dài và vững chắc.
Phản ứng trước các cuộc điện đàm nói trên, người phát ngôn Liên hợp quốc Farhan Haq cho biết, Liên hợp quốc đánh giá cao mọi nỗ lực giải quyết xung đột tại Ukraine thông qua liên lạc thường xuyên và cuộc điện đàm giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump với người đồng cấp Nga là “bước đi tích cực”. Liên hợp quốc sẵn sàng đóng vai trò hiệu quả một khi được các bên đề nghị.
Trong khi đó, ngoại trưởng 7 nước châu Âu đã có cuộc trao đổi tại Paris (Pháp) về bước tiếp theo trong cuộc xung đột tại Ukraine. Tuyên bố chung của 7 nước nêu rõ, mục tiêu chung là Ukraine và châu Âu đều phải tham gia vào mọi cuộc đàm phán.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz trong cuộc họp báo ngày hôm qua tại Berlin cũng khẳng định: “Không nên đưa ra bất kì quyết định nào về Ukraine mà không có sự tham gia của Ukraine và tương tự đối với châu Âu cũng vậy, đó là điều hiển nhiên. Hòa bình phải tồn tại lâu dài. Cần phải bảo đảm chủ quyền của Ukraine. Đó là lý do tại sao chúng tôi sẽ không bao giờ ủng hộ một nền hòa bình bị áp đặt, cũng như chúng tôi sẽ không đồng ý với bất kỳ giải pháp nào dẫn đến sự tách rời an ninh của châu Âu và Mỹ”.
Bộ Ngoại giao Anh cũng đã ra tuyên bố bày tỏ ủng hộ mong muốn của Tổng thống Mỹ trong việc chấm dứt xung đột ở Ukraine. Anh cam kết sẽ cung cấp thêm gói viện trợ quân sự trị giá 150 triệu bảng Anh cho Ukraine, bao gồm thiết bị bay không người lái, xe tăng và hệ thống phòng không.
Theo một số nguồn tin ngoại giao, hơn 10 nước thành viên Liên hợp quốc đang chuẩn bị đệ trình lên Đại hội đồng Liên hợp quốc một nghị quyết kêu gọi ngừng bắn ở Ukraine. Dự kiến, Đại hội đồng Liên hợp quốc có thể bỏ phiếu đối với dự thảo nghị quyết này trong phiên họp toàn thể vào ngày 24/2 tới.