Romania chuẩn bị xây dựng nhà máy điện hạt nhân kiểu mới
VOV.VN - Trong cuộc họp báo chung trong ngày 25/5, đại diện Bộ Năng lượng của Romania và Mỹ công bố kế hoạch xây dựng một nhà máy điện hạt nhân kiểu mới...
Nếu thỏa thuận này thành công, Romania sẽ là quốc gia đầu tiên ở châu Âu có một lò phản ứng modular nhỏ, rẻ hơn và dễ sản xuất hơn so với các lò phản ứng hạt nhân truyền thống. Nhà máy điện hạt nhân kiểu mới sẽ nằm trên địa điểm của một nhà máy nhiệt điện cũ ở Deutschetu, cách Bucharest 90 km về phía Tây Bắc. Dự án thuộc về công ty NuScale Power của Mỹ, chuyên lắp ráp các lò phản ứng tương đối nhỏ trong các nhà máy, sau đó lắp ráp các modular lại với nhau trực tiếp trên công trường.
Dự án này được kỳ vọng sẽ giúp Romania xây dựng lò phản ứng modular nhỏ đầu tiên của châu Âu với mức giá đặc biệt rẻ hơn và nhỏ hơn so với các lò phản ứng hiện nay.
Đại diện của hai bộ năng lượng của Mỹ và Romania cho biết một thỏa thuận chính thức có thể được ký kết. Đây là dự án đặc biệt nhằm giảm chi phí và thời gian thi công cho các nhà máy điện hạt nhân cũng như có vai trò đặc biệt trong việc giúp Romania giảm lượng khí thải carbon dioxide lên tới 4 triệu tấn/năm.
Theo báo cáo, nếu các nhà máy điện hạt nhân thông thường tiêu tốn khoảng 10 tỷ USD, thì nhà máy mới có mức đầu tư giảm tới gần 6 lần so với hiện nay (1,6 tỷ USD). Dự kiến, nhà máy này sẽ sản xuất điện năng vào khoảng 460 megawatt (MW).
Nguyên nhân chính của suy giảm điện hạt nhân là do chi phí xây dựng, khai thác và sử dụng của lò phản ứng hạt nhân ngày càng tăng cũng như có thời gian xây dựng kéo dài. Do đó, nhiều quốc gia đang quan tâm tới các lò phản ứng modular nhỏ song song với việc loại bỏ dần những nhà máy điện hạt nhân lớn vẫn đang hoạt động để hướng tới sản xuất năng lượng hạt nhân tương lai./.