Sau Cách mạng Hoa Nhài, Tunisia vẫn phải chờ Hiến pháp mới
VOV.VN - Thực tế chỉ ra, việc “thay tướng” ở Tunisia chưa thể “đổi vận” cho quốc gia này.
Hàng nghìn người dân Tunisia hôm 14/1 tham gia tuần hành đánh dấu 3 năm chính quyền Tổng thống Zine ben Ali bị lật đổ, mở đầu cho những thay đổi lớn tại Trung Đông và Bắc Phi. Ba năm đã trôi qua, nhưng đất nước Tunisia vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức, với 3 lần thay đổi chính phủ, trong khi người dân đang chờ đợi một bản hiến pháp mới.
Người biểu tình Tunisia 2013 (ảnh: Fethi Belaid) |
Các nhà lãnh đạo Tunisia hôm qua tham dự Lễ thượng cờ trên quảng trường Kasbah, ở thủ đô Tunis. Tổng thống Tunisia Marzouki (Moncef Marzouki), Thủ tướng vừa mãn nhiệm Ali Larayedh và người kế nhiệm Mehdi Jomaâ đều có mặt, cùng nhiều quan chức chính trị và quân sự cấp cao khác của Tunisia.
Trong khi đó, tại thủ đô Tunis hôm qua, hàng nghìn người dân đã tập trung trên đại lộ Habid Bourguiba, cách không xa Bộ Nội vụ. Họ giương cao cờ và các khẩu hiệu kêu gọi hành động vì nền dân chủ. Đây cũng là nơi cách đây 3 năm chứng kiến các cuộc biểu tình rầm rộ phản đối chính quyền Tổng thống Ben Ali, khởi đầu cho hàng loạt thay đổi chính trị lớn tại Libya, Ai Cập, Yemen và hiện nay là Syria. Nếu như tại những quốc gia này, sự bất ổn, nội chiến, chưa chấm dứt, thì Tunisia vẫn tiếp tục theo đuổi tiến trình chuyển giao dân chủ dù gặp vô vàn khó khăn.
>> Đọc thêm: Mùa Xuân Arab gần như hoàn toàn phá sản
Cuối tuần qua, tân Thủ tướng Mehdi Jomaâ đã nhậm chức ngay sau khi chính phủ của đảng Hồi giáo Ennahda từ chức để mở đường cho việc cải cách chính trị. Theo một thỏa hiệp đạt được cuối năm ngoái, Chính phủ Tunisia sẽ chuyển giao quyền lực cho các nhân vật kỹ trị chịu trách nhiệm điều hành đất nước trong giai đoạn chuẩn bị tổng tuyển cử. Hơn nữa, việc các phe phái đối địch tại Tunisia tôn trọng thỏa thuận này phần nào cũng tạo hi vọng cho người dân Tunisia về một tương lai dân chủ.
Một số người dân Tunisia cho biết: “Tôi muốn con tôi lớn lên trong tự do và dân chủ. Tất cả những nhượng bộ mà đảng Ennahda đưa ra là đúng đắn, vì lợi ích của đất nước. Những bất đồng về chính kiến cần được giải quyết theo hướng này để đất nước tiếp tục đi đúng hướng.
“Điều quan trọng nhất là chính phủ phải tôn trọng lộ trình chuyển giao dân chủ. Cam kết này sẽ giúp làm dịu căng thẳng, cũng như giúp khắc phục cuộc khủng hoảng hiện nay. Tuy nhiên, tất cả những điều này chưa đủ để hoàn thành các mục tiêu của cuộc cách mạng, Chúng ta vẫn cần những kế hoạch tiếp theo.”
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, con đường đi tới nền dân chủ tại Tunisia vẫn còn xa, với nhiều chông gai và trở ngại. Trong cuộc trả lời phỏng vấn hôm qua với nhật báo Le Monde của Pháp, thủ lĩnh đảng Hồi giáo Ennahda Rached Ghannouchi thừa nhận, tiến trình chuyển giao dân chủ diễn ra quá lâu. Ngay khi bắt đầu, chính phủ Tunisia đã phạm phải sai lần khi cho rằng "có thể làm mọi điều trong 1 năm". Trong khi đó, Tổng thống Marzouki nhận định, các nhà lãnh đạo nước này vẫn chưa thể đạt được các mục tiêu của cuộc cách mạng, song "đất nước vẫn đang đi đúng hướng, dù con đường còn nhiều nguy hiểm và khó khăn".
Rõ ràng, việc “thay tướng” vẫn chưa thể “đổi vận” cho Tunisia. Dù bước vào một thời kỳ chuyển tiếp khá “êm thấm” hướng tới nền “dân chủ”, song con đường đi tới nền dân chủ của quốc gia 10 triệu dân này xem ra vẫn còn xa, mà cản trở lớn nhất vẫn là “sự phân cực giữa các đảng phái chính trị và nhóm lợi ích”. Đây cũng là nguyên nhân khiến bản Hiến pháp mới không thể được thông qua theo đúng kế hoạch vào hôm qua. Vì thế, có thể nói, thách thức lớn nhất hiện nay đối với chính phủ mới của Tunisia chính là "khỏa lấp những khác biệt để tìm được một tiếng nói chung"./.