Tunisia- cái nôi của Mùa xuân Arab lâm vào khủng hoảng
VOV.VN - Đảng cầm quyền tại Tunisia đang đứng trước sức ép phải từ chức. Lãnh đạo đảng này đang cố tránh lặp lại kịch bản Ai Cập.
Đảng Ennahda cầm quyền tại Tunisia hôm 18/8 nhất trí có cuộc gặp với các lực lượng đối lập nhằm tìm kiếm sự đồng thuận để giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị tồi tệ nhất tại nước này trong hơn 2 năm qua.
Được coi là một trong những cái nôi đầu tiên của cuộc nổi dậy "Mùa xuân Arab”, cả Ai Cập và Tunisia đều nằm dưới sự kiểm soát của một chính phủ Hồi giáo sau các cuộc lật đổ chính quyền năm 2011. Tuy nhiên, giới phân tích tại Tunisia bác bỏ khả năng lặp lại "kịch bản Ai Cập" với một chính phủ quân sự tại quốc gia Bắc Phi này.
Chủ tịch Hội đồng Tối cao của đảng Ennahda, ông Fethi Ayadi cho biết, các cuộc đối thoại có thể bắt đầu vào cuối tuần tới và có thể xem xét yêu cầu của lực lượng đối lập về một chính phủ kĩ trị giúp tìm ra giải pháp cho những bế tắc hiện nay. Ông Ayaddi cũng kêu gọi sớm tổ chức các cuộc đối thoại, giúp đoàn kết tất cả các đảng phái đối lập và chính phủ liên minh mà không kèm theo bất cứ điều kiện gì. Lời kêu gọi hòa giải diễn ra một ngày trước khi đảng Ennahda có cuộc gặp với lãnh đạo Tổ chức Công đoàn UGTT.
Tunisia - được coi là cái nôi sinh ra cuộc nổi dậy mùa xuân Arab năm 2011- đang lâm vào một cuộc khủng hoảng chính trị trầm trọng.
Đảng cầm quyền Ennahda đang chịu sức ép từ các đảng đối lập, tổ chức công đoàn UGTT cùng các nhóm chính trị khác, yêu cầu chính phủ từ chức vì cho rằng "sự yếu kém của chính phủ đã làm gia tăng hoạt động của các tổ chức Hồi giáo cực đoan", trong đó có phong trào bảo thủ Salafist bị cáo buộc đã ám sát các chính trị gia thời gian gần đây.
Bên cạnh yêu cầu đảng Ennahda từ chức, một số lực lượng cũng muốn giải tán Chính phủ lập hiến đã không hoàn thành hạn chót soạn thảo Hiến pháp mới.
Chủ tịch tổ chức công đoàn UGTT Houcine Abassi cho biết: “Theo quan điểm của tôi, chính phủ đã thất bại, đặc biệt liên quan đến tình hình an ninh và kinh tế. Chính phủ đã không đưa ra các biện pháp hợp lí để ngăn chặn các cuộc tấn công khủng bố. Do đó chính phủ nên từ chức và thay thế vào đó là một chính phủ lâm thời”.
Mặc dù Ai Cập và Tunisia đều lâm vào bất ổn dưới sự cầm quyền của chính phủ Hồi giáo được bầu chọn sau các cuộc nổi dậy Mùa xuân Arab năm 2011, nhưng các chuyên gia phân tích cho rằng “ kịch bản Ai Cập" sẽ không lặp lại tại Tunisia.
Dây thép gai do quân đội Tunisia giăng trên quảng trường Bardo hôm 29/7 (ảnh: Reuters) |
Trái với Ai Cập, lực lượng quân đội Tunisia không có vai trò lớn và lợi ích trong vấn đề kinh tế. Lực lượng này cũng không có truyền thống can thiệp vào các vấn đề chính trị. Vì vậy, ít người cho rằng, quân đội Tunisia sẽ đưa ra hành động để giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay.
Người đứng đầu đảng Ennahda cầm quyền, ông Rached Ghannouchi cũng có những quan điểm mở hơn và chứng minh là một nhà chính trị linh hoạt hơn Tổng thống bị phế truất Morsi.
Trước làn sóng chỉ trích, ông Ghannouchi thừa nhận, chính phủ đã không thành công trong việc cải thiện kinh tế, an ninh và sẽ chấp nhận thành lập một chính phủ thống nhất quốc gia nếu nhận được sự ủng hộ của tất cả các đảng.
Ông Ghannouchi cũng kêu gọi đối thoại để giải quyết những bế tắc hiện nay: “Tôi muốn nói với tất cả người dân Tunisia rằng, chúng ta cần rút kinh nghiệm từ những người Ai Cập. Chúng ta cần phải đoàn kết và tìm ra sự đồng thuận, tránh một cuộc lật đổ giống như tại Ai Cập lặp lại ở Tunisia”.
Những bất ổn tại Ai Cập đang gióng lên hồi chuông cảnh báo và là bài học kinh nghiệm để Tunisia – nước được coi là có quá trình chuyển tiếp dân chủ thành công nhất tại khu vực Bắc Phi - không lặp lại một kịch bản Ai Cập tiếp theo./.