Sau vụ James Foley, IS đòi tiền chuộc 6,6 triệu USD cho con tin Mỹ
VOV.VN - Theo ABC News người phụ nữ trẻ là công dân Mỹ thứ 3 bị Tổ chức Nhà nước Hồi giáo bắt cóc ở Syria.
ABC News đưa tin, cách đây 1 năm về trước, Tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) đã bắt giữ một người phụ nữ trẻ 26 tuổi đến từ Mỹ khi người phụ nữ này đang làm công tác nhân đạo ở Syria. Hiện Tổ chức Nhà nước Hồi giáo yêu cầu 6,6 triệu USD để thả tự do cho người phụ nữ.
Theo ABC News người phụ nữ trẻ là công dân Mỹ thứ 3 bị Tổ chức Nhà nước Hồi giáo bắt cóc ở Syria. Vào tuần trước, Tổ chức IS đã tung đoạn video lên internet với hình ảnh nhà báo James Foley – 1 công dân Mỹ bị Tổ chức này hành quyết. Một nhà báo Mỹ khác tên là Steven Sotloff được tin rằng vẫn còn sống nhưng có thể sẽ phải chịu số phận tương tự như nhà báo James Foley.
Ngoài số tiền chuộc nói trên, Tổ chức Nhà nước Hồi giáo cũng yêu cầu Mỹ thả Aafia Siddiqui, 1 nhà thần kinh học. Mỹ đã kết án Aafia Siddiqui vào năm 2010 với tội danh âm mưu giết hại các quan chức Mỹ 2 năm về trước, theo như lời của đại diện Tổ chức Nhà nước Hồi giáo này cho biết.
Việc thả Siddiqui là một trong những yêu cầu của Tổ chức Nhà nước Hồi giáo kèm theo việc đòi tiền chuộc. Nhưng gia đình Siddiqui đã tuyên bố rằng họ cảm thấy “quẫn trí” khi biết được điều này.
Trong lá thư được viết bởi gia đình Siddiqui có viết: “Nếu chuyện này là đúng, chúng tôi muốn khẳng định rằng gia đình chúng tôi không có bất kỳ kết nối nào với các nhóm khủng bố hoặc có những hành động khủng bố như vậy”.
“Chúng tôi tin tưởng vào cuộc chiến chống khủng bố cho hòa bình và ổn định. Gắn tên Aafia Siddiqui với hành động bạo lực chính là đi ngược lại với những gì mà chúng tôi đang đấu tranh”, ABC News trích dẫn lá thư từ gia đình Siddiqui cho biết.
Đại diện của Quỹ Hòa bình và Công lý Mauri Saalakhan thay mặt gia đình Siddiqui tuyên bố, gia đình Siddiqui đã bị “tổn thương bởi suy nghĩ rằng một ai đó có thể chịu tổn hại vì cái tên Aafia Siddiqui”.
“Gia đình Siddiqui phản đối điều này. Trong bức thư gửi cho Tổ chức IS, họ đã nói rất rõ ràng, họ không muốn việc thả người thân của họ là một trong những điều kiện do IS đưa ra. Họ cũng không muốn làm hại bất cứ ai khác bởi cái tên Aafia”, Mauri Saalakhan cho biết.
Theo Reuters, mùa xuân năm nay, 4 nhà báo Pháp và 2 nhà báo Tây Ban Nha cũng bị nhóm IS bắt cóc và được thả tự do ngay sau khi chính quyền Pháp và Tây Ban Nha chịu trả số tiền chuộc họ thông quan trung gian.
Trong khi đó, chính quyền Mỹ lại từ chối đàm phán cũng như trả tiền chuộc mạng để giải cứu con tin như trong trường hợp nhà báo James Foley hay trường hợp nhà báo David Rohde của Reuters bị Taliban bắt cóc 5 năm trước đây.
Hiện các quan chức Mỹ tuyên bố, giờ chưa phải là lúc xem xét lại chính sách không trả tiền chuộc cho khủng bố để giải cứu con tin nhưng sau vụ nhà báo James Foley bị hành quyết, cùng với dư luận trong nhiều ngày qua, liệu chính quyền Mỹ có xem xét lại chính sách này./.