‘Sẽ truyền hình trực tiếp phiên tòa xử ông Bạc Hy Lai’
VOV.VN - Con trai ông Bạc hối thúc giới chức cho phép ông được tự bào chữa trước tòa.
Một đài truyền hình của Hong Kong đưa tin, phiên tòa xét xử ông Bạc Hy Lai sẽ được truyền hình trực tiếp cho các phóng viên ở miền đông Trung Quốc, một động thái mang tính bước ngoặt của cơ quan chức năng Trung Quốc nhằm thể hiện tính minh bạch trong việc xét xử vụ bê bối chính trị lớn nhất nước này trong nhiều thập kỷ qua.
Các phóng viên bên ngoài Tòa án Nhân dân Trung cấp ở Tế Nam (Ảnh: Reuters) |
Theo kế hoạch, ông Bạc, 64 tuổi sẽ lần đầu tiên xuất hiện trước công chúng trong vòng 17 tháng qua tại một phiên tòa xét xử ông ở thành phố Tế Nam, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc.
Vào năm 1980, truyền hình Nhà nước Trung Quốc từng phát các đoạn trích từ vụ xét xử “Bè lũ 4 tên” khét tiếng.
Kênh truyền hình Phượng Hoàng ngày 20/8 dẫn lời một quan chức giấu tên đưa tin, phiên tòa sẽ được truyền hình trực tiếp cho các phóng viên theo dõi trong một khách sạn ở Tế Nam, nơi sẽ có một phòng truyền thông đặc biệt dành cho các phóng viên.
Một phát ngôn viên của tòa án ở Tế Nam nói với hãng tin Reuters rằng, thông tin về thủ tục tố tụng sẽ được cung cấp cho các nhà báo trong thời gian diễn ra phiên tòa nhưng không xác nhận phiên tòa có được truyền hình trực tiếp hay không.
Phiên tòa xét xử ông Bạc dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 22/5 nhưng có một số nguồn tin của Reuters cho rằng phiên xét xử có thể sẽ được bí mật tiến hành sớm hơn 1 ngày. Tuy nhiên, vẫn chưa có dấu hiệu cho thấy phiên tòa diễn ra sớm hơn dự kiến.
Trong một diễn biến khác, Bạc Qua Qua, con trai của cựu Bí thư Trùng Khánh Bạc Hy Lai đã thúc giục nhà chức trách Trung Quốc cho cha mình có cơ hội tự biện hộ trước tòa.
Trước đó, ông Bạc Hy Lai đã bị khởi tố về các tội nhận hối lộ, tham nhũng và lạm quyền, còn vợ ông, bà Cốc Khai Lai đã bị tống giam do liên quan đến cái chết của doanh nhân Anh Neil Heywood.
Theo nhà chức trách Trung Quốc, việc xét xử 1 quan chức cấp cao diễn ra tại các thành phố cách xa nơi họ từng sinh sống là để ngăn ngừa khả năng quan chức đó được nương tay trong quá trình xét xử./.