Siêu bão Shanshan tiếp tục gây thiệt hại nghiêm trọng tại Nhật Bản
VOV.VN - Theo Cơ quan khí tượng Nhật Bản, cơn bão số 10 có tên gọi Shanshan sau khi đổ bộ vào đảo chính Kyushu - phía Tây Nam Nhật Bản, đang tiếp tục di chuyển lên phía bắc, dự báo sẽ đi qua hầu hết các địa phương của Nhật Bản trong những ngày tới.
Do tốc độ di chuyển của cơn bão chậm nên sức tàn phá rất khốc liệt, đã và đang gây những thiệt hại nghiêm trọng về người và của cho cư dân các vùng bão đi qua.
Theo báo cáo nhanh của các địa phương nơi bão đi qua gửi về Ủy ban phòng chống thiên tai của Chính phủ Nhật Bản, chỉ tính đến cuối giờ sáng nay, đã có 4 người chết, 2 người mất tích với hy vọng sống còn hầu như bằng không, 104 người bị thương, số lượng các ngôi nhà bị sập, hư hại một phần hoặc toàn phần cùng diện tích lúa và hoa màu bị ngập nước chưa thống kê kịp. Hiện nay, hàng triệu người dân thuộc các địa phương nơi bão đi qua đang phải lánh nạn trong các cơ sở phòng chống thiên tai do Chính phủ và chính quyền các địa phương của Nhật Bản xây dựng.
Trong bối cảnh đó, bão vẫn đang duy trì sức tàn phá và tiếp tục đổ bộ vào khu vực Shikoku bao gồm 4 tỉnh Tokushima, Kagawa, Aichi và Kochi. Đới ảnh hưởng của bão còn bao gồm toàn bộ khu vực Kanto và Tokai, trong đó có cả Thủ đô Tokyo với mưa dữ dội kỷ lục, kéo dài và chưa có dấu hiệu ngừng lại, khiến nhiều con sông trong các khu vực này đã bắt đầu tràn bờ, gây ngập lụt nghiêm trọng.
Ông Sugimoto Satoshi – Trưởng phòng dự báo Cơ quan Khí tượng Thủy văn Nhật Bản nhấn mạnh: “Cuồng phong, sóng lớn, triều cường mạnh ở mức chưa từng có từ trước đến nay. Tất cả mọi người cần đề cao cảnh giác ở mức cao nhất. Bên cạnh đó, lượng mưa ở mức kỷ lục sẽ gây nhiều vấn đề như nước sông tràn bờ, vỡ đê, sạt lở đất, lũ lụt... Cư dân các vùng bão đi qua cần đề phòng triệt để và có biện pháp bảo vệ an toàn ở mức cao nhất”.
Cơ quan Khí tượng Thủy văn Nhật Bản cũng cho biết, trong 24 giờ tới, bão Shanshan sẽ tiếp tục di chuyển lên phía Bắc, tới các địa phương phía Tây và phía Đông Nhật Bản, theo đó thiệt hại từ sạt lở đất, vỡ đê, ngập lụt sâu tại các vùng trũng sẽ tiếp tục gia tăng nghiêm trọng hơn.