Số ca Covid-19 trên toàn cầu vượt mốc 35 triệu, WHO kêu gọi tăng cường chống dịch
VOV.VN - Hôm nay (4/10), thế giới đã ghi nhận số ca mắc Covid-19 vượt mốc 35 triệu; trong đó có hơn 1 triệu ca tử vong, hơn 66.000 trường hợp bệnh nặng và nguy kịch.
Trong bối cảnh dịch bệnh đang bùng phát mạnh ở nhiều nơi, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tiếp tục kêu gọi các quốc gia áp đặt thêm các biện pháp phòng chống dịch.
Mỹ vẫn là nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do dịch bệnh với hơn 7,6 triệu ca mắc. Tuy nhiên, hiện những thông tin liên quan đến dịch bệnh tại Mỹ đáng chú ý và được quan tâm nhiều nhất vẫn là tình hình sức khỏe của Tổng thống Donald Trump – người đang điều trị Covid-19 tại Trung tâm Y tế Quân đội Walter Reed.
Hôm qua (3/10), từ nơi điều trị, Tổng thống Mỹ cho biết ông đang cảm thấy sức khỏe ổn định hơn, song cũng thừa nhận vài ngày tới mới là "thử thách thật sự".
Nhà lãnh đạo Mỹ cũng khẳng định sẽ đánh bại hoàn toàn đại dịch: “Tôi đang chiến đấu vì mọi người dân trên thế giới. Chúng tôi sẽ đánh bại loại virus này hoặc bất cứ thứ gì bạn muốn gọi tên cho nó. Chúng tôi sẽ đánh bại nó hoàn toàn”.
Covid-19 hiện cũng đã “tấn công” nhiều nghị sĩ Cộng hòa và quan chức trong đội ngũ vận động tranh cử của Tổng thống Donald Trump. Điều này buộc Lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Mỹ, ông Mitch McConnell phải thông báo toàn bộ hoạt động tại Thượng viện sẽ được lùi lại tới sau ngày 19/10, song công việc của các ủy ban, như phiên điều trần phê chuẩn đề cử của Tổng thống Mỹ Donald Trump cho vị trí thẩm phán tại Tòa án Tối cao sẽ vẫn tiếp diễn.
Sau Mỹ là Ấn Độ - với hơn 6.5 triệu ca mắc Covid-19. Theo hãng tin Reuters, số ca mắc trong ngày tại quốc gia này đang là cao nhất thế giới. Hôm qua, số ca tử vong vì Covid-19 của nước này cũng đã vượt mốc 100.000 người. Theo giới chuyên gia y tế, Ấn Độ có thể sớm chứng kiến số ca lây nhiễm tăng mạnh, khi bước vào mùa đông và kỳ nghỉ lễ trong tháng 11 tới.
Tại châu Âu, Bộ Y tế Pháp ngày 3/10 cho biết, số ca nhiễm mới trong ngày tại nước này là gần 17.000, nhiều hơn 5.000 ca so với một ngày trước đó. Hãng tin CNN nhận định, thủ đô Paris đang dần quay trở lại với lệnh phong tỏa, do tình hình dịch tại đây đang diễn biến xấu. Tỷ lệ mắc bệnh là 250 ca trên 100.000 dân. Ít nhất 30% số giường thuộc những khu chăm sóc y tế đặc biệt của thành phố dành cho việc điều trị bệnh nhân Covid-19.
Còn tại thủ đô Tehran của Iran, các trường học, nhà thờ, viện bảo tàng, thư viện cùng nhiều nơi công cộng khác của thành phố đã phải đóng cửa nhằm ngăn số ca nhiễm gia tăng. Theo giới chức Iran, nếu tốc độ lây lan tại Tehran tiếp tục tăng mạnh như hiện nay, thì số ca nhiễm sẽ tăng gấp 3-5 lần, số tử vong tăng ở khoảng 1,5-3%. Tổng thống Iran Hassan Rouhani đã ra thông báo, những người che giấu bệnh tật, cũng như không chịu đeo khẩu trang ở những nơi công cộng sẽ phải chịu hình phạt nghiêm khắc. Tại Israel, cảnh sát nước này tối qua đã bắt giữ hàng chục đối tượng quá khích tham gia biểu tình do không tuân thủ các quy định về phòng dịch.
Indonesia và Philippines vẫn là 2 quốc gia có tình hình dịch bệnh phức tạp nhất khu vực Đông Nam Á. Trong khi đó, tại Malaysia, hội đồng An ninh Quốc gia nước này đã phải tiến hành phiên họp đặc biệt sau khi ghi nhận số ca mắc cao nhất từ trước tới nay. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, Chính phủ Malaysia cũng chưa quyết định về việc cấm đi lại giữa các bang, hay giữa các quận/huyện với nhau.
Nhận định về tình hình Covid-19 hiện nay trên thế giới, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết, thế giới hiện ghi nhận trung bình 2 triệu ca nhiễm Covid-19 mới mỗi tuần, do đó ông kêu gọi lãnh đạo các quốc gia trên toàn thế giới tiếp tục tăng cường biện pháp ứng phó với đại dịch.
“Đây là thời điểm quan trọng trong ứng phó với dịch bùng phát. Chúng tôi kêu gọi mọi nhà lãnh đạo tăng cường sự phản ứng, đưa ra các biện pháp đối phó có mục tiêu; ngăn chặn sự lây lan; … Đối với tất cả chúng ta, cách nhanh nhất để vượt qua đại dịch là cùng nhau hành động.”, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus nói./.