Số mới của Charlie Hebdo tiếp tục gây tranh cãi
VOV.VN - Thủ tướng Australia tỏ ra thích thú trước bức biếm họa Mohammed nhưng đại diện thế giới Hồi giáo thì lại phản đối.
Nửa triệu số báo đầu tiên của Charlie Hebdo được phát hành sau các vụ tấn công đẫm máu ở Paris đã được nhanh chóng bán hết trên khắp nước Pháp chỉ vài phút sau khi ra sạp hôm qua.
Hôm qua (14/1), nhiều hàng người xếp hàng chờ mua báo Charlie Hebdo để ủng hộ tuần báo châm biếm này. Liên hiệp In ấn Quốc gia Pháp cho biết, tất cả số báo của Charlie Hebdo được bán hết tại 27.000 đại lý khắp cả nước. Vì thế, lượng phát hành của số báo tới sẽ được nâng lên 5 triệu bản.
Trang bìa của số báo tuần này là bức tranh vẽ nhà tiên tri Mohammed đang khóc, cầm tấm biển “Je suis Charlie” (Tôi là Charlie) bên dưới tựa đề “Tout est pardonné” (Tất cả được tha thứ).
Tuy nhiên, việc đưa hình ảnh nhà tiên tri Mohammed lên trang bìa tạp chí lại đang gây những phản ứng trái chiều.
Một số người cho rằng, điều này có thể kích động làn sóng giận dữ của một bộ phận người Hồi giáo sùng đạo vốn tin rằng việc mô tả hình ảnh Đấng tiên tri Mohammed là điều tối kỵ. Trong khi đó, một số ý kiến khác cho rằng, bức vẽ nhà tiên tri Mohammed trên trang bìa lần này là thông điệp của sự hòa giải, tránh hận thù hay bài ngoại.
Trên bình diện quốc tế, trong cuộc họp báo hôm qua, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Marie Harf cho biết, Mỹ hoàn toàn ủng hộ quyền của Charlie Hebdo đăng những điều như thế này.
Cùng ngày, Thủ tướng Australia Tony Abbott khi trả lời phỏng vấn cho biết, ông “khá thích” tranh vẽ nhà tiên tri Mohammed trên số báo mới nhất của Charlie Hebdo: "Tôi khá thích bức tranh đó. Tôi không chắc là tôi có thể thích mọi thứ mà Charlie Hebdo sản xuất nhưng bức tranh này với một hình ảnh nhà tiên tri với thông điệp “tất cả được tha thứ”. Đây là tinh thần tha thứ mà chúng ta rất cần trong thế giới hiện đại này”.
Tuy nhiên, Đại giáo sĩ Ai Cập hôm qua cảnh báo, việc Charlie Hebdo tiếp tục đăng biếm họa nhà tiên tri Mohammed là hành động phân biệt chủng tộc, sẽ kích động sự thù hận và bực bội trong cộng đồng Hồi giáo khắp thế giới.
Theo Ngoại trưởng Iran Mohammed Javad Zarif, trang bìa lần này của Charlie Hebdo không tôn trọng “các tín đồ Hồi giáo khắp thế giới”. Ông Zarif nói: “Chúng tôi tin rằng, những gì được cho là bất khả xâm phạm thì cần phải được tôn trọng. Nếu chúng ta không học cách tôn trọng người khác thì sẽ rất khó khăn trong một thế giới của những quan điểm khác nhau, các nền văn hóa khác nhau và các nền văn minh khác nhau. Chúng tôi sẽ không thể tham gia vào một cuộc đối thoại nghiêm túc nào nếu chúng ta không bắt đầu không tôn trọng các giá trị và tính bất khả xâm phạm của nhau”.
Tổng thư ký Tổ chức hợp tác Hồi giáo, ông Iyad Amin Madani lên án vụ tấn công khủng bố nhằm vào tòa soạn của Pháp vào tuần trước.
Tuy nhiên, ông cũng cho rằng: “Là một tổ chức, chúng tôi đang thảo luận trên các diễn đàn quốc tế và các tổ chức nhân quyền của Liên hợp quốc để giải thích rằng, tự do ngôn luận không phải là kêu gọi sự hận thù và không được xúc phạm tôn giáo của người khác. Bất cứ ai, không phân biệt giáo phái, tôn giáo hay tín ngưỡng, đều không thể chấp nhận rằng đức tin của nhà tin tri là một đối tượng bị chế giễu."
Trong khi đó, một tòa án ở Thổ Nhĩ Kỳ hôm qua, đã cấm các website tại nước này đăng hình ảnh trang bìa mới nhất của tạp chí Charlie Hebdo. Theo phán quyết của tòa án ở tỉnh Diyarbakir, miền Đông Nam Thổ Nhĩ Kỳ, các hình ảnh, phim hoạt hình, các bài viết, ấn phẩm nhằm châm biến nhà tiên tri Mohammed và đạo Hồi là một sự xúc phạm đối với những người Hồi giáo. Quyết định của tòa án được đưa ra sau khi Phó Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Yalcin Akdogan tuyên bố, việc đăng tải hình ảnh biếm họa nhà tiên tri Mohammed là một hành động khiêu khích.
Trong diễn biến liên quan, trong một đoạn phim được đăng tải trên YouTube, chi nhánh al-Qaeda) tại Yemen (AQAP) hôm qua đã nhận trách nhiệm về vụ tấn công giữa tuần trước nhằm vào tòa soạn báo Charlie Hebdo./.