Tất cả các khu vực của Nga đã triển khai tiêm vaccine ngừa Covid-19
VOV.VN - Từ đầu tháng 12, Nga đã bắt đầu đợt tiêm chủng đại trà đầu tiên của nước này để phòng ngừa đại dịch Covid-19 và hiện, tất cả các khu vực của nước này đã tiến hành tiêm vaccine ngừa Covid-19.
Giai đoạn đầu tiên của quá trình tiêm chủng quy mô lớn chống lại dịch Covid-19 ở Nga đã bắt đầu ở thủ đô Moscow vào ngày 5/12. “Sputink-V”, loại vaccine ngừa Covid-19 đầu tiên trên thế giới do Trung tâm Nghiên cứu quốc gia về Dịch tễ học và vi sinh vật học N.F.Gamalei thuộc Bộ Y tế Nga phát triển, đã được tiêm cho các bác sĩ, giáo viên và nhân viên xã hội ở Moscow.
Trong vòng chưa đầy một tuần, 20.000 người đã đăng ký tại thủ đô và hơn 6.000 người đã được tiêm. Những con số ban đầu phần nào cho thấy sự hưởng ứng của người dân đối với việc tiêm chủng. Theo Phó giám đốc cơ quan y tế Moscow, Andrei Starshinin, theo quy luật, kháng thể ở bệnh nhân được phát triển vào tuần thứ hai hoặc thứ ba sau mũi tiêm đầu tiên. Hầu hết mọi người dung nạp thuốc một cách bình thường. Theo kết quả của các cuộc kiểm tra trước đó, cứ 10 người thì có 1 người bị mệt, đôi khi nhiệt độ tăng lên. Tuy nhiên, đây là phản ứng bình thường của cơ thể đối với việc sử dụng thuốc và không cần quá lo lắng,chỉ cần nghỉ ngơi.
Khi thuốc được cung cấp nhiều hơn, thành phố đang dần mở rộng các đối tượng có thể đăng ký tiêm, như nhân viên các Trung tâm đa chức năng, trung tâm thương mại, nhân viên trong ngành văn hóa, công nhân trong lĩnh vực vận tải, năng lượng, công nghiệp cũng như những người làm trong lĩnh vực truyền thông…Thị trưởng Moscow Sergei Sobyanin cho biết, khoảng một triệu người sẽ có thể tiêm vaccine ngừa Covid-19 từ ngày 21/12.
Ngày 14/12, Bộ trưởng Bộ Y tế Nga Mikhail Murashko cho biết, thực hiện chỉ thị của Tổng thống V.Putin, vaccine ngừa Covid-19 đã được chuyển đến tất cả các vùng của Nga để tiêm chủng quy mô lớn. Hiện tại các khu vực của Nga đều đang tiến hành chủng ngừa cho người dân.
Khó khăn trong quá trình triển khai tiêm chủng
Trước khi triển khai chương trình tiêm chủng đại trà, ngành y tế Nga cũng như các địa phương đều đã có sự chuẩn bị về trang thiết bị để bảo quản vaccine cũng như các khâu vận chuyển, cơ sở y tế, nhân lực... Vì không thể có đủ vaccine ngay lập tức cho tất cả người dân, nên các nhóm có nguy cơ cao như các bác sỹ, giáo viên được ưu tiên tiêm phòng trong giai đoạn đầu. Mọi việc được tiến hành từng bước.
Về vaccine, hồi đầu tháng 11, Phó thủ tướng Nga Tachiana Golikova cho biết, tại Nga sản xuất 500.000 liều, từ tháng 12, công suất sẽ đạt đến hàng triệu liều, còn từ tháng 4/2021 sẽ đạt đến 6 triệu liều/tháng. Tại thủ đô Moscow, vào cuối tháng 12 sẽ đưa vào hoạt động một nhà máy mà khi đạt 100% công suất, sẽ cung cấp 20 triệu liều vaccine mỗi tháng, không chỉ cho thủ đô mà các khu vực khác của Nga.
Bên cạnh đó, ngoài vaccine Sputnik-V, loại thứ hai là EpiCovacCorona của Trung tâm Vector thuộc Cơ quan kiểm soát và bảo vệ tiêu dùng Nga đã được đưa vào lưu hành dân sự và thử nghiệm giai đoạn 3 sau đăng ký một cách rộng rãi. Nếu như Sputnik-V, ban đầu chỉ thử nghiệm cho những người ở độ tuổi từ 18 đến dưới 60, thì EpiVacCorona được thử nghiệm đồng thời ở nhóm trên 60 tuổi, có bệnh mãn tính và thuốc cho thấy hiệu quả, an toàn. Loại vaccine này có thể bảo quản ở nhiệt độ từ +2 đến +8 độ C, có nghĩa là khá dễ dàng.
Loại vaccine thứ 3 do Trung tâm Chumakov phát triển cũng đang đươc thử nghiệm lâm sàng và sẽ đăng ký trong thời gian tới. Ngoài ra, Nga còn đang nghiên cứu và phát triển hàng chục loại vaccine tiềm năng. Như vậy, người dân Nga sẽ có đa dạng lựa chọn và cơ hội tiếp cận rộng rãi với vaccine.
Đầu tuần này, Giám đốc Trung tâm Gamalei Alexander Gintsburg dự tính, khoảng 70% dân số Nga có thể nhận được vaccine ngừa Covid-19 vào tháng 11/2021. Điều này sẽ cho phép phát triển khả năng miễn dịch cộng đồng và kiểm soát được dịch bệnh./.