Tàu ngầm tự hành lần thứ 2 thất bại khi lặn tìm MH370
VOV.VN - Tàu ngầm Bluefin-21 phải bỏ dở nhiệm vụ trong lần lặn thứ 2 vì gặp “sự cố kỹ thuật”.
Hãng tin AFP ngày 16/4 đưa tin, cuộc tìm kiếm chiếc máy bay Boeing 777-200 mang số hiệu MH370 của Malaysia Airlines tiếp tục lâm vào bế tắc sau khi tàu ngầm mini Bluefin-21 đã lần thứ hai thất bại trong việc lặn tìm MH370 ở Ấn Độ Dương.
Trong một tuyên bố ngắn gọn, Trung tâm điều phối chung của Australia (JACC) cho biết, tàu ngầm tự hành Bluefin-21 đã “gặp vấn đề về kỹ thuật” nên buộc phải hủy bỏ nhiệm vụ.
Tàu ngầm Bluefin-21 phải bỏ dở nhiệm vụ trong lần lặn thứ 2 vì gặp “sự cố kỹ thuật” (Ảnh: AFP) |
Thông báo của JACC có đoạn: “Tàu ngầm tự hành Bluefin-21 đã buộc phải nổi lên để khắc phục một vấn đề kỹ thuật. Sau đó, nó đã tiếp tục lặn xuống và hiện đang tiếp tục tìm kiếm”.
JACC cho biết, trước khi tiếp tục thực hiện nhiệm vụ lần thứ 3, những hình ảnh thu được trong lần thứ 2 lặn xuống Ấn Độ Dương của Bluefin-21 cũng đã được các chuyên gia trên tàu Ocean Shield phân tích.
Theo JACC, phân tích ban đầu về những dữ liệu thu được trong lần thứ 2 lặn xuống Ấn Độ Dương của Bluefin-21 “không cho thấy phát hiện quan trọng nào”.
Trước đó, khi lần đầu tiên thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm MH370 dưới đáy Ấn Độ Dương vào đêm 14/4, Bluefin-21 đã phải bỏ dở nhiệm vụ sau 6 giờ lặn vì vùng biển nơi con tàu thực hiện nhiệm vụ sâu hơn giới hạn hoạt động 4.500m của nó.
Tàu ngầm tự hành Bluefin-21 trang bị thiết bị sonar được hải quân Australia triển khai với mục tiêu vẽ bản đồ 3D của khu vực tìm kiếm để phát hiện ra bất cứ mảnh vỡ máy bay nào trên bề mặt đáy biển.
Theo kế hoạch Bluefin-21 sẽ rà soát đáy biển trong thời gian 16 tiếng để thu thập dữ liệu trước khi nổi lên mặt nước nhưng trong nhiệm vụ đầu tiên, con tàu này đã nổi lên chỉ sau 6 tiếng.
Việc tàu ngầm tự hành liên tiếp thất bại khi lặn tìm MH370 có vẻ như đã được dự báo từ trước khi các chuyên gia cho rằng, sẽ phải mất rất nhiều thời gian mới có thể tìm ra chiếc máy bay bị mất tích vì có quá ít manh mối trong khi điều kiện tại Ấn Độ Dương lại vô cùng khắc nghiệt.
Trung úy Hải quân Daniel S. Marciniak thuộc Hạm đội số 7 của Mỹ nhận định: “Việc sử dụng tàu ngầm tự hành để rà soát một khu vực nào đó sẽ lâu hơn tới sáu lần so với việc sử dùng thiết bị dò tìm hộp đen của máy bay. Dự tính, chiếc tàu ngầm tự hành này sẽ phải mất từ tháng rưỡi đến 2 tháng để có thể rà soát toàn bộ khu vực nói trên”./.