“Tên lửa Triều Tiên rồi sẽ vươn được tới Mỹ”
(VOV) - Lầu Năm Góc bày tỏ quan ngại về việc Triều Tiên tiến dần tới khả năng phóng tên lửa mang đầu đạn hạt nhân vào đất Mỹ.
Theo 1 báo cáo mà Bộ Quốc phòng Mỹ trình lên Quốc hội nước này hôm 2/5, chương trình phát triển hạt nhân và tên lửa đạn đạo tầm xa của CHDCND Triều Tiên sẽ tiến sát hơn tới mục tiêu có khả năng tiến công đất Mỹ bằng vũ khí nguyên tử.
Bản báo cáo cho hay nếu được điều chỉnh thành tên lửa đạn đạo liên lục địa thì tên lửa Taepodong-2 của Bình Nhưỡng (vẫn đang tiếp tục được phát triển) cuối cùng sẽ có khả năng bay tới các vùng của nước Mỹ, mang theo đầu đạn hạt nhân.
“Thách thức an ninh đối với Mỹ”
Vẫn theo báo cáo này, vào tháng 12/2012, Triều Tiên đã phóng một tên lửa đa tầng nhằm đưa 1 vệ tinh vào quỹ đạo – đây được coi là một bước tiến lớn trong phát triển năng lực tên lửa đạn đạo tầm xa của nước này.
Báo cáo khẳng định quốc gia Đông Bắc Á đang hoàn thiện năng lực vũ khí hạt nhân và hiện có thể thực hiện thêm các cuộc thử hạt nhân bất cứ lúc nào. Tài liệu có đoạn: “Những bước tiến này về hệ thống phóng tên lửa đạn đạo, cùng với những phát triển mới trong công nghệ hạt nhân… phục vụ mục tiêu mà Triều Tiên đã tuyên bố là có khả năng đánh vào lãnh thổ Mỹ”.
Một nhà máy hạt nhân Triều Tiên ở Yongbyon trước khi dỡ bỏ tháp làm lạnh (ảnh: Reuters) |
Báo cáo viết: “Triều Tiên sẽ tiến sát mục tiêu này hơn, cũng như tăng mối đe dọa của mình đối với các lực lượng và đồng minh của Mỹ trong khu vực nếu nước này tiếp tục thử hạt nhân và dành nguồn lực của mình cho các chương trình như thế này”.
Bản báo cáo của Lầu Năm Góc coi Triều Tiên như một trong các thách thức an ninh lớn nhất của Mỹ trong khu vực. Theo báo cáo này, Triều Tiên không chỉ phát triển vũ khí và tên lửa mang đầu đạn hạt nhân mà còn bán công nghệ vũ khí cho các nước khác và sẵn sàng thực hiện các động thái mà theo Mỹ là “khiêu khích và gây bất ổn định”.
Đợt căng thẳng mới?
Bộ Quốc phòng Mỹ đưa ra bản báo cáo này giữa thời điểm nhạy cảm trong khu vực, khi mà căng thẳng giữa Washington và Bình Nhường mới đang dần hạ nhiệt sau 2 tháng công kích nhau dữ dội bằng các tuyên bố kiểu “bên miệng hố chiến tranh”.
Căng thẳng giữa đôi bên tăng đột biến sau khi Triều Tiên phóng vệ tinh hồi tháng 12/2012 và thực hiện vụ thử hạt nhân dưới lòng đất lần thứ 3 vào tháng 2/2013. Vụ thử hạt nhân này đã dẫn tới các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc đối với Bình Nhưỡng. Đáp lại, Bình Nhưỡng đưa ra hàng loạt đe dọa.
Triều Tiên đã đi khá xa khi dọa sẽ tấn công hạt nhân cả Mỹ và Hàn Quốc trong bối cảnh tân lãnh tụ nước này, Kim Jong-un, tròn 1 năm cầm quyền ở Triều Tiên sau khi cha của ông qua đời.
Liên quân Mỹ-Hàn tiếp tục tổ chức tập trận chung đã lên kế hoạch từ lâu, bất chấp các đe dọa từ Triều Tiên. Washington thậm chí còn biểu dương sức mạnh bằng việc cho oanh tạc cơ tàng hình B-2 và “pháo đài bay” B-52 lượn trên bán đảo Triều Tiên.
Triều Tiên từng ký vào thỏa thuận giải trừ chương trình hạt nhân để đổi lấy viện trợ vào năm 2005 nhưng sau đó rút khỏi thỏa thuận này và giờ thì tuyên bố sẽ không từ bỏ chương trình vũ khí nguyên tử nữa.
Hoa Kỳ cho đến nay luôn cứng rắn bác bỏ các đòi hỏi của Triều Tiên muốn được công nhận là quốc gia được vũ trang hạt nhân. Washington đã thúc đẩy phối hợp ngoại giao với Trung Quốc trong vấn đề này, mong Trung Quốc sẽ có “tác động” lên láng giềng của mình./.