Thái Lan hỗ trợ tài chính để cắt giảm tàu cá, phòng chống khai thác bất hợp pháp
VOV.VN - Kể từ ngày 8/5 tới, Chính phủ Thái Lan sẽ bắt đầu triển khai chương trình hỗ trợ tài chính cho ngư dân các tỉnh miền Nam Thái Lan có mong muốn từ bỏ nghề đánh bắt cá.
Phó Tổng Thư ký Trung tâm hành chính các tỉnh biên giới phía Nam Chonthun Sangpoon cho biết việc thực hiện chương trình này là bước đi cụ thể trong lộ trình quản lý bền vững nguồn lợi thủy hải sản, góp phần chống khai thác bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU).
Theo đó, Trung tâm hành chính các tỉnh biên giới phía Nam trong thời gian qua đã phối hợp với Bộ Tư lệnh An ninh Vùng 4 thành lập Văn phòng Dịch vụ một cửa tại các tỉnh cực Nam Thái Lan. Trung tâm này sẽ thực hiện việc tiếp nhận hồ sơ và cung cấp các khoản hỗ trợ, bồi thường của Chính phủ cho chủ các tàu đánh cá có đơn cam kết tháo dỡ tàu đánh cá và từ bỏ nghề.
Theo dự kiến, chủ của 96 tàu đánh cá sẽ là những người đầu tiên nhận hỗ trợ, bồi thường từ ngày 8/5 tới. Khoản hỗ trợ, bồi thường sẽ được chia thành 2 đợt, trong đó chủ tàu đánh cá sẽ nhận 80% khoản tiền trong đợt đầu tiên và phần còn lại trong đợt thứ hai.
Hồi tháng 9/2022, Phó Phát ngôn Chính phủ Thái Lan Rachada Dhnadirek cho biết có 9.608 tàu đánh cá đang đăng ký hoạt động, số lượng cao hơn mức phát triển bền vững. Để ngăn chặn tác động tiêu cực đối với nguồn lợi thủy hải sản, Chính phủ Thái Lan có chủ trương trợ cấp cho chủ tàu đánh cá có nguyện vọng cũng như những chủ tàu có hành vi khai thác IUU được chuyển đổi nghề.
Đến ngày 26/2, Chính phủ Thái Lan đã thông qua nghị quyết, thành lập quỹ trị giá 163 triệu baht (khoảng 4,79 triệu USD) để thực hiện chủ trương này./.