Thái Lan hoãn đối thoại vì lý do an ninh
VOV.VN - Khác biệt giữa Chính phủ Thái Lan và phe đối lập vẫn còn quá lớn.
Thủ tướng tạm quyền Thái Lan Niwatthamrong Boonsongphaisan thông báo cuộc gặp giữa Chính phủ với Ủy ban bầu cử dự kiến diễn ra ngày 14/5 bị hoãn sang ngày 15/5 vì lý do an ninh. Chủ tịch Ủy ban bầu cử Thái Lan Somchai Srisutthiyakorn cũng đã khẳng định thông tin này và cho biết cuộc gặp sẽ được diễn ra tại địa điểm khác để đảm bảo an toàn.
Nhiều người dân Thái Lan cũng như lãnh đạo Chính phủ hy vọng rằng tất cả các bên có thể đàm phán để tìm một giải pháp trung gian giữa việc chọn 1 Thủ tướng trung lập và tổ chức 1 cuộc tổng tuyển cử.
Các cuộc biểu tình đang khiến Thái LAn bất ổn nghiêm trọng (Ảnh AP) |
Tuy nhiên, ngoài việc hoãn đàm phán vì lý do an ninh, dư luận Thái Lan cho rằng khác biệt giữa Chính phủ và phe đối lập còn quá lớn. Người biểu tình chống Chính phủ muốn Thượng viện Thái Lan viện dẫn điều 7 của Hiến pháp để kêu gọi Nhà Vua chỉ định Thủ tướng trung lập thay thế ông Boonsongphaisan, cựu Phó Thủ tướng của bà Yingluck Shinawatra.
Tuy nhiên, Chính phủ tạm quyền Thái Lan muốn thúc đẩy tổ chức tổng tuyển cử vào ngày 20 tháng 7 tới bởi Đảng Vì nước Thái của bà Yingluck có nhiều khả năng sẽ giành chiến thắng.
Trong giai đoạn hiện nay, Thủ tướng tạm quyền Boonsongphaisan nhấn mạnh, luật pháp cần phải được tôn trọng trước khi Thái Lan chọn được Thủ tướng trung lập.
Ông Boonsongphaisan cho biết: “Nội các hiện nay gồm 25 thành viên sẽ tại nhiệm theo phán quyết của Tòa án Hiến pháp. Chúng ta cần phải nghiên cứu kỹ xem phần nào trong luật pháp được ứng dụng để chọn 1 Thủ tướng trung lập. Chúng tôi cần phải tìm hiểu xem chúng tôi có thể làm điều này hay không”.
Tuy nhiên, lãnh đạo của Mặt trận dân chủ chống độc tài (UDD), tức phe Áo đỏ ủng hộ Chính phủ thì bày tỏ nghi ngờ tính hiệu quả của việc đàm phán với phe đối lập nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay.
Lãnh đạo phe Áo đỏ Jatuporn Prompan cho rằng: “Lãnh đạo phe biểu tình phản đối Chính phủ Suthep Thaugsuban đã đi quá xa và không thể ngồi lại đàm phán với ông ấy. Ông Suthep cho rằng một Thủ tướng có thể không do người dân bầu ra nhưng các nguyên tắc dân chủ của chúng tôi trái ngược với điều đó”.
Mặc dù vậy, Chủ tịch Thượng viện Thái Lan Surachai Liangboonlertchai cho rằng, bất ổn chính trị hiện nay là do những mâu thuẫn chồng chất theo thời gian, không thể được giải quyết trong thời gian ngắn và điều quan trọng hiện nay là phải tạo nền tảng cho tất cả các bên đàm phán.
“Chúng tôi sẽ tạo 1 kênh để thu thập ý kiến của tất cả các bên về việc giải quyết khủng hoảng hiện nay. Lý do để thiết lập kênh này là nhằm tập hợp quan điểm của tất cả các nhóm trong xã hội. Có một điều kiện tiên quyết quan trọng trước khi bất cứ một giải pháp nào được đưa ra vào phút chót. Đó là giải pháp này phải được tất cả các bên chấp thuận”, ông Surachai nói.
Phe ủng hộ và phản đối Chính phủ đang trông chờ vào Thượng viện Thái Lan để giải quyết bế tắc chính trị hiện nay. Nhưng thậm chí tính hợp pháp của chính Thượng viện Thái Lan, cơ quan lập pháp duy nhất còn hoạt động vào thời điểm này sau khi Hạ viện bị giải tán hồi tháng 12/2013, cũng đang bị đưa ra chất vấn.
Giới phân tích cho rằng Thái Lan đang đứng trước 2 phương án nhưng không phương án nào có thể chấm dứt bất ổn hiện nay. Bởi theo phương án thứ nhất, nếu một chính phủ trung lập được thành lập theo đề xuất của lãnh đạo phe biểu tình Suthep thì hàng nghìn người phản đối kế hoạch này sẽ biểu tình.
Tương tự như vậy, nếu theo phương án thứ hai, một cuộc tổng tuyển cử diễn ra theo đề xuất của phe Áo đỏ và Chính phủ tạm quyền thì hàng nghìn người phản đối Chính phủ cũng sẽ biểu tình./.