Thái Lan sắp chính thức dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp về y tế
VOV.VN - Thái Lan sẽ chính thức dỡ bỏ sắc lệnh tình trạng khẩn cấp và giải thể nhiều cơ quan quốc gia phụ trách phòng, chống dịch Covid-19 kể từ 1/10, đưa hàng triệu người dân quay trở lại cuộc sống bình thường như trước thời điểm đại dịch.
Bắt đầu từ tháng 10/2022, Thái Lan sẽ dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp về y tế, vốn được áp đặt trên toàn quốc từ ngày 24/3/2020, bởi tình hình dịch Covid-19 trên toàn cầu và ở Thái Lan đã được cải thiện đáng kể với số ca nhiễm và tử vong giảm mạnh. Trung tâm Quản lý Tình huống Covid-19 (CCSA), được thành lập sau khi đại dịch xuất hiện vào đầu năm 2020, cũng sẽ tự giải tán cùng thời điểm tình trạng khẩn cấp được hủy bỏ.
Trước đó, Bộ Y tế Thái Lan cũng đã công bố kế hoạch sẽ hạ cấp Covid-19 từ mức độ “dịch truyền nhiễm nguy hiểm” xuống thành “bệnh truyền nhiễm cần giám sát” từ tháng 10 và sẽ duy trì mức độ này đến hết tháng 9/2023. Toàn thế giới đã ghi nhận gần 620 triệu người lây nhiễm căn bệnh Covid-19 với 6,54 triệu ca tử vong.
Tình trạng khẩn cấp chấm dứt
Cùng với việc hạ cấp Covid-19 xuống mức độ “bệnh truyền nhiễm cần giám sát” và dỡ bỏ sắc lệnh tình trạng khẩn cấp, chính phủ Thái Lan sẽ nới lỏng hơn nữa các biện pháp hạn chế nhằm phòng ngừa dịch Covid-19. Theo đó, du khách nhập cảnh vào Thái Lan sẽ không cần phải xuất trình hộ chiếu vaccine hay kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2.
Người dân Thái Lan cũng sẽ không cần phải tự cách ly ngay cả khi có kết quả xét nghiệm dương tính với Covid-19 với các triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng bệnh.Các biện pháp kiểm soát áp dụng cho các sự kiện lớn hoặc các cuộc tụ họp đông người cũng sẽ được hủy bỏ và người dân có thể mong đợi được thưởng thức thêm nhiều lễ hội, sự kiện hòa nhạc, vui chơi giải trí kể từ tháng 10/2022.
Ủy ban quốc gia về các bệnh truyền nhiễm nhấn mạnh các quy định như giữ khoảng cách, đeo khẩu trang, rửa tay và xét nghiệm là đủ để kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh Covid-19.
Các văn phòng và trường học vẫn có thể yêu cầu đảm bảo môi trường học tập và làm việc không Covid-19 bằng cách yêu cầu các nhân viên và học sinh có triệu chứng bệnh về đường hô hấp tiến hành xét nghiệm RT-PCR. Trong trường hợp có kết quả dương tính, người bệnh sẽ được yêu cầu tự cách ly nếu có các triệu chứng bệnh nghiêm trọng, hoặc vẫn có thể đeo khẩu trang tới văn phòng hay lớp học như bình thường nếu không có triệu chứng bệnh hay ghi nhận triệu chứng nhẹ.
Giải thể Trung tâm Quản lý tình huống Covid-19 (CCSA)
Trung tâm Quản lý tình huống Covid-19 (CCSA), được thành lập vào tháng 3/2020, sẽ được giải thể vào cuối tháng 9 này. Vào thời kỳ đỉnh điểm của dịch Covid-19, CCSA đóng vai trò là trung tâm hướng dẫn, cung cấp cho người dân những thông tin hữu ích về phòng chống dịch cũng như cập nhật tình hình dịch bệnh cả ở trong nước và trên thế giới thông qua các cuộc họp báo hàng ngày.
CCSA đã có cuộc họp báo cuối cùng về tình hình dịch bệnh vào ngày 23/9 trước khi chính thức giải thể vào cuối tuần này. Dù đôi khi vẫn bị người dân chỉ trích, không thể phủ nhận vai trò quan trọng của CCSA trong nỗ lực kiểm soát tương đối thành công dịch bệnh Covid-19 tại Thái Lan.
Chính phủ Thái Lan khẳng định, việc giải thể CCSA sẽ không làm gián đoạn các hoạt động kiểm soát dịch bệnh Covid-19 trên toàn đất nước. Nội các Thái Lan sẽ tiếp quản công việc từ CCSA trong quá trình chuyển giao để đảm bảo các hoạt động phối hợp giữa các Bộ, ngành liên quan”.
Tiến sĩ Udom Kachinthorn, một cố vấn của CCSA khuyến cáo người dân nên tiếp tục giãn cách xã hội và đeo khẩu trang ở những không gian kín ngay cả khi Covid-19 trở thành bệnh đặc hữu trong ít nhất một năm nữa.
Covid-19 chưa được công nhận là bệnh đặc hữu
Chính phủ Thái Lan đã hy vọng có thể tuyên bố Covid-19 là bệnh đặc hữu trong năm nay. Tuy nhiên, các nhà chức trách tin rằng điều tốt nhất có thể làm vào thời điểm này là dỡ bỏ Sắc lệnh khẩn cấp liên quan đến dịch bệnh.
Tiến sĩ Udom nhấn mạnh, Covid-19 vẫn chưa thể được coi là bệnh đặc hữu. Dù số ca mắc bệnh đã giảm phần nào, con số này vẫn còn quá cao để đưa Covid-19 vào danh sách các bệnh đặc hữu.
Theo ông Udom, Thái Lan hiện ghi nhận mỗi ngày khoảng 14.000 trường hợp có kết quả xét nghiệm nhanh dương tính. Số ca mắc thực tế hàng ngày chắc chắn cao hơn nhiều lần so với con số thống kê, do nhiều người lựa chọn không công bố kết quả xét nghiệm và tự điều trị. Sau khi chống chọi với đại dịch Covid-19 trong hơn hai năm qua, phần lớn những người khỏe mạnh ở Thái Lan nhận ra rằng các triệu chứng bệnh nhẹ do Covid-19 có thể được điều trị bằng các loại thuốc cơ bản.
Tiến sĩ Udom khẳng định, Covid-19 không còn là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm bởi hầu hết bệnh nhân không phát triển các triệu chứng nghiêm trọng. Thế nhưng do tỷ lệ tử vong vẫn là 0,1%, Covid-19 vẫn chưa thể được coi là một căn bệnh đặc hữu giống như bệnh cảm lạnh thông thường./.