Thấy gì sau các chuyến thăm “con thoi” của lãnh đạo châu Âu tới Ukraine
VOV.VN - Thủ tướng Anh Boris Johnson hôm qua bất ngờ có chuyến thăm Ukraine nhằm thể hiện tình đoàn kết với quốc gia Đông Âu này.
Đây là chuyến thăm mới nhất của lãnh đạo châu Âu tới Ukraine chỉ trong vòng chưa đầy 1 tháng qua. Các chuyến thăm liên tục và dày đặc như vậy của lãnh đạo châu Âu được cho là không có lợi cho cuộc xung đột tại Ukraine trong bối cảnh Nga và Ukraine vẫn đang trong quá trình đàm phán.
Phát biểu với báo giới sau cuộc gặp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, Thủ tướng Anh Boris Johnson ngày 9/4 cam kết sẽ viện trợ 120 xe bọc thép và hệ thống tên lửa chống hạm mới cho Ukraine. Ngoài ra, ông Johnson cũng cam kết viện trợ thêm 500 triệu USD cho Ukraine thông qua Ngân hàng Thế giới. Ngoài sự hỗ trợ về vật chất và quân sự, nhà lãnh đạo Anh còn để ngỏ khả năng sẽ gia tăng áp lực với Nga, xem đây như cử chỉ thể hiện tình đoàn kết với Ukraine.
Thủ tướng Anh – Boris Johnson cho biết: "Cùng với các đối tác, chúng tôi sẽ dành ủng hộ cần thiết cho Ukraine, kể cả sự hỗ trợ về mặt kinh tế, sự hỗ trợ về mặt quân sự. Ngoài ra, chúng tôi cũng đã quyên góp được 1,5 tỷ bảng Anh tại một hội nghị các nhà tài trợ từ bạn bè, đối tác trên khắp thế giới, những quốc gia hiện muốn hỗ trợ Ukraine”.
Chuyến thăm của ông Johnson tới thủ đô Ukraine diễn ra chỉ 2 ngày sau chuyến thăm Kiev của Chủ tịch Ủy ban châu Âu - Ursula von der Leyen và quan chức phụ trách chính sách đối ngoại và an ninh của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell vào ngày 8/4 và chuyến thăm của Thủ tướng Áo Karl Nehammer tới Kiev cũng vào ngày 9/4. Trước đó, hồi giữa tháng 3 vừa qua, lãnh đạo 3 quốc gia châu Âu là Cộng hoà Séc, Slovakia và Ba Lan cũng đã tới thăm Ukraine để thể hiện sự đoàn kết và ủng hộ nước này.
Các chuyến thăm liên tục và dày đặc như vậy của lãnh đạo châu Âu được cho là không có lợi cho cuộc xung đột tại Ukraine trong bối cảnh Nga và Ukraine vẫn đang trong quá trình đàm phán.
Giới chức Nga trước đó đã lên tiếng cảnh báo việc phương Tây cung cấp vũ khí cho Ukraine chỉ làm cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine leo thang. Bản thân giới lãnh đạo châu Âu cũng đã từng thừa nhận thực tế này.
Dù không trực tiếp tham gia cuộc xung đột tại Ukraine nhưng NATO hiện cũng đã nhanh chóng điều hàng nghìn quân bổ sung tới các nước thành viên ở sườn phía Đông của tổ chức này và cũng đang cân nhắc tiếp tục đưa thêm lực lượng tới khu vực./.