Thấy gì từ những sắc lệnh đầu tiên của ông Trump?
VOV.VN - Theo các chuyên gia, thời gian tới ông Trump sẽ cho công chúng thấy hết sự “khác lạ” của mình từ quan điểm đến chính sách cụ thể.
Chỉ vài giờ sau khi bước chân vào Nhà Trắng, tân Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký các sắc lệnh đầu tiên như, quyết định hủy bỏ một số chính sách của người tiền nhiệm, thay đổi nhân sự cấp cao, chuẩn bị thảo luận những vấn đề quan trọng với một số nguyên thủ nước ngoài.
Sau khi lên nắm quyền, ông Trump ngay lập tức bắt tay vào việc thực hiện lời hứa khi tranh cử và xóa bỏ di sản của người tiền nhiệm. Ảnh: AAP. |
Từ việc xóa bỏ “di sản” của người tiền nhiệm…
Theo AFP, ngày đầu tiên làm việc tại Nhà trắng, ông Trump đã ký sắc lệnh hành chính đầu tiên để ngừng thực thi các quy định của Đạo luật Đạo luật Bảo vệ bệnh nhân và chăm sóc sức khỏe hợp túi tiền (Obamacare) nhằm “giảm thiểu gánh nặng kinh tế” cho ngân sách các bang, các công ty hay cá nhân.
Obamacare là một trong những “di sản” lớn của Tổng thống tiền nhiệm Barack Obama. Theo đạo luật này, mọi công dân Mỹ đều được hưởng bảo hiểm y tế, ngân sách sẽ chi trả cho những ai không đủ khả năng mua bảo hiểm.
Đây cũng là đạo luật vốn gây tranh cãi giữa 2 đảng Cộng hòa và Dân chủ trong suốt thời kỳ ông Obama tại vị, những người phản đối cho rằng đạo luật này mang tính áp đặt và quá tốn kém cho ngân sách. Ông Trump cho biết sẽ sớm thay thế bằng đạo luật khác phù hợp hơn.
Ngày 23/1, ông Trump cũng đã ký sắc lệnh về việc Mỹ rút khỏi Hiệp định Thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP), vốn đã kết thúc đàm phán dưới thời Tổng thống Obama. Ông Trump đã gọi quyết định rút khỏi TPP là “điều tốt đẹp dành cho người lao động Mỹ”.
Mỹ chính thức rút khỏi TPP
Đến bổ nhiệm các quan chức trong chính quyền mới…
Tổng thống Trump cũng đã bổ nhiệm tướng về hưu James Mattis làm Bộ trưởng Quốc phòng và John Kelly làm Bộ trưởng An ninh nội địa, sau khi Thượng viện thông qua.
Hiện vẫn còn nhiều vị trí quan trọng trong nội các chưa có người thay thế hoặc nhân sự được đề cử, nhưng Thượng viện chưa thông qua, nên ông Trump yêu cầu gần 50 quan chức cấp cao của chính quyền cũ vẫn tiếp tục làm việc cho đến khi có người thay thế.
Đội ngũ trong chính quyền của tân Tổng thống Trump cũng đã bắt đầu hoạt động, nhanh chóng cập nhật trang web của Nhà Trắng, gỡ bỏ thông tin về các chính sách biến đổi khí hậu, chăm sóc y tế...
Thế giới 24h: Ông Trump và quyết định bổ nhiệm nhiều tranh cãi
Ban hành những chính sách mới…
Chính quyền mới cũng đã công bố những chính sách về năng lượng, đối ngoại, việc làm, quân sự, thương mại... thể hiện nhất quán quan điểm “nước Mỹ trên hết” được ông Trump bày tỏ trong diễn văn nhậm chức.
Theo giới quan sát, có thể chỉ trong tuần đầu tiên khi nhậm chức Tổng thống, ông Trump sẽ sử dụng quyền hành pháp để thực hiện các chính sách mà ông từng công bố trong quá trình tranh cử để thực hiện lời hứa của mình trước cử tri ủng hộ ông.
Về vấn đề nhập cư, ông Trump dự kiến sẽ cho xây một bức tường dọc biên giới với Mexico và đảo ngược những chính sách của người tiền nhiệm Barack Obama.
Mexico thề không trả tiền xây tường dọc biên giới Mỹ
Các cố vấn của ông Trump cho biết, sẽ có khoảng 200 sắc lệnh có thể được tân Tổng thống ban bố để điều chỉnh, trong đó có y tế, biến đổi khí hậu, nhập cư và năng lượng…
Các trợ lý của ông Trump còn cho biết ông này sẽ sử dụng ngay đặc quyền của Tổng thống để ký ban hành nhiều quyết định hành pháp mà không cần Quốc hội phê chuẩn. Ông “cam kết không chỉ trong ngày 1 mà cả ngày 2 và ngày 3 sẽ áp dụng chương trình thay đổi thực sự, và các bạn sẽ thấy những thay đổi đó ngay trong vài ngày hoặc vài tuần tới”.
Và thảo luận với các nguyên thủ nước ngoài…
Thủ tướng Anh Theresa May sẽ được mời làm vị nguyên thủ đầu tiên phát biểu tại Hội nghị hẹp của các thành viên đảng Cộng hoà tại Quốc hội, về phác thảo tầm nhìn năm 2017.
Trong chuyến thăm này, lãnh đạo hai nước sẽ bàn về quan hệ với Nga và cuộc chiến chống khủng bố trên toàn cầu. Bà May và ông Trump cũng sẽ bàn về các mối quan hệ thương mại tương lai của hai nước, tầm quan trọng của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và cuộc chiến ở Syria.
Bà May cho biết, “Điều quan trọng, khi tôi ngồi xuống, tôi sẽ nói về cách xây dựng mối quan hệ đặc biệt Mỹ - Anh. Ông Trump từng nói với tôi rằng, ông muốn chứng kiến mối quan hệ mạnh mẽ giữa Mỹ và Anh trong tương lai”.
Thủ tướng Anh là một trong số lãnh đạo đầu tiên gặp Tổng thống Trump
Ông Trump còn cho biết, ông “sẽ gặp Thủ tướng Canada và tổng thống Mexico, những người tôi biết, và chúng ta sẽ bắt đầu đàm phán về việc phải làm với NAFTA”. Ông Trump đã từng cho đây là Hiệp định thiếu công bằng gây thiệt hại cho nước Mỹ.
Được biết, NAFTA cho phép một quốc gia thành viên bất kỳ rút khỏi hiệp định chỉ đơn giản bằng cách thông báo cho các thành viên còn lại. Việc thông báo sẽ kích hoạt quá trình 180 ngày tái đàm phán nội dung của thỏa thuận. Nếu hết thời hạn trên và các bên không đạt được một thỏa thuận mới, hiệp định sẽ tự động bị xóa bỏ.
Như vậy, lời hứa của tân Tổng thống Mỹ Donald Trump trong lễ tuyên thệ nhậm chức ngày 20/1 vừa qua đã dần dần được thực thi. Tuy nhiên, theo giới phân tích hiệu quả thực sự của những chính sách mới này vẫn còn đang ở phía trước./.