Thế giới 24h: Iraq "ngả" sang Nga trong cuộc chiến chống IS
VOV.VN - Phe cầm quyền tại Iraq đang hối thúc Thủ tướng nước này phải nhờ cậy Nga hỗ trợ đánh IS do họ thấy liên minh do Mỹ dẫn đầu không hiệu quả.
1. Liên minh Dân tộc cầm quyền đang gây sức ép lên Thủ tướng Abadi, thúc giục ông đề nghị Nga can thiệp bằng hình thức ném bom IS.
Một vụ không kích của Mỹ ở Iraq. Ảnh: voicesofliberty. |
Hãng tin Reuters của Anh đưa tin, Liên minh cầm quyền ở Iraq đã thúc giục Thủ tướng Haider an-Abadi đề nghị Nga tiến hành chiến dịch không kích nhằm vào tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) đang kiểm soát một phần lớn lãnh thổ Iraq.
Thủ tướng Abadi và chính phủ của ông đều đã bày tỏ sự thất vọng về sự thiếu hiệu quả của các chiến dịch của Mỹ nhằm chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo tại Iraq, và bày tỏ ý định muốn dựa vào Nga.
Trong lúc đó, Tổng thống Syria al- Assad bất ngờ đến Nga để gặp ông Putin. Tiếp ông Assad, Tổng thống Nga khẳng định sẵn sàng hành động quân sự chống khủng bố và sự ủng hộ về chính trị đối với Syria.
Ông Assad cũng gửi lời cảm ơn Tổng thống Nga Putin về sự hỗ trợ của Nga và nhấn mạnh, Nga đang giúp tạo dựng một Syria đoàn kết và độc lập.
“Nếu không có hành động quyết liệt từ Nga thì chủ nghĩa khủng bố giờ đã lan tràn trong khu vực và có thể chiếm được nhiều lãnh thổ hơn nữa”, ông Assad nói.
Để đáp lại ông Putin bày tỏ cảm ơn người dân Syria vì sự đóng góp của họ cho cuộc chiến chống khủng bố. Ông Putin bày tỏ lo ngại rằng, ít nhất 4.000 tay súng đang chiến đấu cho IS tại Syria là những công dân Liên Xô cũ.
2. Mỹ và Nga hôm 20/10 ký một thỏa thuận nhằm giảm thiểu nguy cơ đụng độ và các mối nguy hiểm khác giữa quân đội 2 bên đang tham gia không kích khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Syria.
Máy bay Nga tham gia không kích IS tại Syria. Ảnh Sputnik |
Người phát ngôn Lầu Năm Góc Peter Cook cho biết, phía Nga kiên quyết yêu cầu giữ bí mật nội dung thỏa thuận này. Tuy nhiên, ông Peter Cook khẳng định, văn bản đã đặt nền móng cho nguyên tắc an toàn, cụ thể như tần số liên lạc của mỗi bên hay việc thiết lập đường dây nóng và nhóm công tác để trao đổi về những vấn đề khác.
3. Trung Quốc bao biện khi cho rằng hải đăng ở Biển Đông “không thay đổi hiện trạng”.
Ngọn hải đăng Huayang mà Trung Quốc xây trái phép ở Biển Đông. Ảnh: Tân Hoa xã. |
Trung Quốc nói "không" nhưng quốc tế xác định việc xây hải đăng là âm mưu của nước này để tăng thêm địa vị pháp lý đối với các đảo họ chiếm trái phép.
Hôm 20/10 Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố nước này không có ý định thay đổi hiện trạng các tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông bằng các ngọn hải đăng mà họ mới xây ở đây.
Đồng thời Bộ Ngoại giao Trung Quốc cố tình tiếp tục lặp lại các ý tưởng sai trái cho rằng Bắc Kinh vốn đã có “chủ quyền không tranh cãi” ở vùng biển này.
Trung Quốc cho biết các ngọn hải đăng của họ trên đá Châu Viên và đá Gạc Ma (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam) sẽ hỗ trợ an ninh hàng hải. Tuy nhiên theo giới chuyên gia và các nhà ngoại giao, đây là một động thái khôn lanh của Trung Quốc hòng tìm cách củng cố các tuyên bố chủ quyền của họ.
4. Cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton đang nới rộng khoảng cách dẫn đầu so với các ứng viên khác của Đảng Dân chủ trong cuộc đua vào Nhà Trắng.
Cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton đang nhận được sự tin tưởng của những người ủng hộ Đảng Dân chủ trong cuộc đua giành chiếc ghế Tổng thống năm 2016. Ảnh CNN |
Các cuộc thăm dò dư luận Mỹ công bố ngày 20/10 cho thấy, bà Clinton gây ấn tượng sâu sắc trong cuộc tranh luận trực tiếp của đảng Dân chủ trên truyền hình tại Las Vegas hồi tuần trước.
Cựu Ngoại trưởng Mỹ giành được đến 49% sự ủng hộ, tăng 7% so với tháng trước. Bà dẫn trước ứng viên Tổng thống thứ hai của đảng Dân chủ là Bernie Sanders đến 20 điểm.
Theo thăm dò dư luận của kênh tin tức NBC và tạp chí Wall Street Journal, nhân vật trung tâm của những kỳ vọng ra tranh cử là Phó Tổng thống Joe Biden giành được sự ủng hộ nhiều thứ ba trong đảng Dân Chủ.
5. Tân Thủ tướng Canada thế hệ 7x Trudeau vừa giành chiến thắng trong cuộc bầu cử nước này có rất nhiều điều đặc biệt.
|
Trên trang nhất của các báo chí lớn ở phương Tây hai hôm nay đều tập trung vào cách chiến thắng lịch sử của ông đã được xác định sau cuộc trưng cầu về Stephen Harper, đương kim Thủ tướng Đảng Bảo thủ mới bị lật đổ; về thực tế ông là con trai của Pierre Trudeau, chính trị gia nổi tiếng nhất, phục vụ nhiều nhiệm kỳ nhất của Canada; và thậm chí về ngoại hình bắt mắt của vị Thủ tướng trẻ trung này.
6. Chỉ 1 ngày sau khi Thủ tướng Đức Angela Merkel có cuộc đàm phán với các nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ về cuộc khủng hoảng nhập cư nghiêm trọng đang diễn ra tại châu Âu; trong tuyên bố mới nhất, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu đã bác bỏ thỏa thuận vừa mới đạt được với đại diện phía Liên minh châu Âu.
Cờ Thổ Nhĩ Kỳ và EU. Ảnh: iuwest. |
Nhiều dấu hiệu cho thấy, Thổ Nhĩ Kỳ đang sử dụng khủng hoảng di cư để mặc cả với châu Âu về chuyện gia nhập EU và một số vấn đề khác nữa./.