Thế giới 24h: IS âm mưu sử dụng vũ khí hóa học tấn công Mỹ
VOV.VN - Giám đốc Tình báo quốc gia Mỹ cũng cho biết, Washington có bằng chứng về việc IS sử dụng vũ khí hóa học nhiều lần trong cuộc chiến ở Iraq, Syria.
1. Phát biểu tại Hội nghị an ninh Munich, Đức lần thứ 52, Giám đốc Tình báo quốc gia Mỹ James Clapper cho rằng, nguy cơ lớn nhất từ phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng là việc tổ chức này có thể sử dụng vũ khí hóa học để phát động một cuộc tấn công sử dụng vũ khí hóa học nhằm vào nước Mỹ.
Nước Mỹ có thể là mục tiêu của một cuộc tấn công sử dụng vũ khí hóa học do IS tiến hành. (Ảnh: National Interest) |
“Rõ ràng là IS đã sử dụng vũ khí hóa học nhiều lần và chúng đang muốn làm nhiều hơn thế. Chúng tôi có những bằng chứng cho thấy IS muốn sử dụng vũ khí hóa học để chống lại chúng tôi”, ông Clapper nói.
Theo ông Clapper, điều đáng lo ngại chính là việc IS muốn thông qua việc sử dụng vũ khí hóa học để “thay đổi cục diện cuộc chơi” và đây không chỉ là thách thức an ninh với riêng nước Mỹ mà là vấn đề mang tính toàn cầu.
Trong khi đó, Giám đốc Cơ quan tình báo quân đội Mỹ (DIA) Vincent Stewart phát biểu tại Hội nghị an ninh Munich cũng cho rằng, IS nhiều khả năng tìm cách thực hiện tiếp các vụ khủng bố ở châu Âu và Mỹ trong năm 2016.
Mỹ và đồng minh bất đồng về tiến độ chiến dịch chống IS ở Iraq, Syria
2. Cũng liên quan đến cuộc chiến chống IS, phát biểu nhân dịp tham dự Hội nghị an ninh Munich, Đức hôm qua (12/2), Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi nhấn mạnh rằng, Iraq đặt mục tiêu trong năm nay sẽ "quét sạch" phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng khỏi lãnh thổ quốc gia này.
Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi. (Ảnh: AFP) |
Trong tuyên bố của mình, ông Abadi cũng nhấn mạnh, chống khủng bố không chỉ là vấn đề của Iraq mà của cả cộng đồng quốc tế. Các cuộc xung đột tại Syria có thể khiến cho các phần tử khủng bố chạy sang Iraq.
Thủ tướng Iraq đồng thời cảnh báo sự hiện diện của các binh sĩ quân đội Thổ Nhĩ Kỳ bên trong lãnh thổ Iraq mà không có sự cho phép của nước này là "không thể chấp nhận được" và là động thái "cực kỳ nguy hiểm".
Nô lệ tình dục IS lập đội quân trả thù khủng bố
3. Tổng thống Syria Bashar Al-Assad hôm qua tuyên bố chính quyền của ông sẽ tiếp tục cuộc chiến "chống khủng bố", trong khi vẫn tham gia vào các cuộc đàm phán hòa bình.
Tổng thống Syria Bashar Al-Assad trong một chuyến thăm lực lượng quân đội Chính phủ Syria. (Ảnh: insidetheeyelive) |
Tổng thống Assad bày tỏ lạc quan khi cho biết, việc chiếm lại toàn bộ đất nước từ tay "khủng bố" là nằm trong tầm tay. Tuy nhiên, sẽ cần phải một thời gian dài do có sự can dự của một số cường quốc trong khu vực.
Lâu nay, Mỹ và châu Âu cho rằng, khái niệm "khủng bố" của ông Assad không chỉ là các nhóm như Tổ chức nhà nước Hồi giáo IS tự xưng, Al-Qaeda mà còn bao gồm cả các lực lượng nổi dậy do phương Tây và một số nước trong khu vực hậu thuẫn.
Phát biểu của ông Assad đưa ra chỉ vài giờ sau khi tại Munich (Đức), Mỹ, Nga và hơn 10 quốc gia khác đã đạt được một thỏa thuận nhất trí chấm dứt “tình trạng thù địch” trong vòng một tuần để chuyển hàng cứu trợ nhân đạo cho người dân Syria tại các khu vực bị chiến sự bao vây.
Hòa bình Syria: “Cần biến lời nói thành hành động”
4. CHDCND Triều Tiên hôm nay cắt đứt đường dây nóng liên lạc với Hàn Quốc, trong bối cảnh căng thẳng hai miền không ngừng gia tăng, sau vụ phóng vệ tinh, mà Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và một số nước khác cho là vỏ bọc cho một vụ thử tên lửa đạn đạo tầm xa diễn ra vào ngày 7/2 vừa qua.
Truyền hình Hàn Quốc đưa tin về vụ phóng vệ tinh của Triều Tiên. (Ảnh: Reuters) |
Trong khi đó, phía Hàn Quốc cho biết, nước này cũng sẽ bắt đầu thảo luận với phía Mỹ vào đầu tuần tới về việc triển khai hệ thống tên lửa phòng thủ mới. Hiện, tất cả hệ thống đường dây nóng liên lạc giữa hai miền Triều Tiên đã bị cắt đứt, sau quyết định của Hàn Quốc ngừng hoạt động của khu công nghiệp chung Keasong.
Nga và Trung Quốc đã bày tỏ lo ngại về việc Hàn Quốc và Mỹ xem xét triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa mới THAAD. Đại sứ Nga tại Hàn Quốc Alexander Timonin nói rằng, việc triển khai hệ thống này sẽ không giải quyết được vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, thậm chí còn có thể gây tác động tiêu cực cho việc ổn định và hòa bình ở khu vực này.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị trong cuộc gặp với Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tại hội nghị an ninh Munich ở Đức, đã yêu cầu phía Mỹ cần hành động thận trọng, không sử dụng các biện pháp làm tổn hại tới lợi ích an ninh của Trung Quốc và không làm gia tăng căng thẳng ở bán đảo Triều Tiên.
Lãnh đạo Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản có kế hoạch gặp nhau tại Washington, Mỹ trong những tuần tới nhằm thảo luận các biện pháp gia tăng sức ép đối với Triều Tiên sau khi Bình Nhưỡng tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ 4 và vụ phóng vệ tinh vừa qua.
Bán đảo Triều Tiên tiếp tục dậy sóng
5. Cuộc gặp đầu tiên trong lịch sử của Đại Giáo chủ Moscow và toàn Nga với Giáo hoàng La Mã diễn ra hôm qua (12/2) tại thủ đô La Habana của Cuba đã kết thúc với việc ra Tuyên bố chung, đem lại niềm hy vọng về sự hình thành của một giai đoạn mới trong quan hệ giữa các Giáo hội Chính thống Nga và Công giáo La Mã.
Đại giáo chủ Nga có cuộc gặp lịch sử với Giáo hoàng Francis. (Ảnh: Sputnik) |
Tuyên bố chung cũng bày tỏ quan ngại về tình trạng bạo lực khủng bố tại Syria và Iraq "đã cướp đi hàng nghìn sinh mạng, làm hàng triệu người mất nhà cửa và phương tiện sống ". Đại Giáo chủ và Giáo hoàng kêu gọi cộng đồng quốc tế "hãy có hành động không chậm trễ để ngăn chặn cảnh đàn áp xua đuổi các Kitô hữu từ Trung Đông", cũng như đoàn kết lại "để tiêu diệt bạo lực và khủng bố".
Các vị lãnh đạo hai Giáo hội đặc biệt lưu tâm đến tình trạng gia tăng căng thẳng ở Ukraine, nơi cuộc đối đầu là nguyên nhân gây ra “sự đau khổ cho dân thường, đẩy xã hội rơi vào cuộc khủng hoảng kinh tế và nhân đạo sâu sắc".
Một trong những thông điệp then chốt gửi gắm trong bản Tuyên bố đã được thông qua là bảo tồn những giá trị truyền thống ở châu Âu. Như nhận định trong văn kiện này, tiến trình hội nhập liên kết châu Âu, bắt đầu sau nhiều thế kỷ xung đột đẫm máu, đã được nhiều người tiếp nhận với niềm hy vọng như là đảm bảo của hòa bình và an ninh. Đồng thời các vị đứng đầu Giáo hội Chính thống Nga và Giáo hội Công giáo La Mã cũng cảnh báo "chống lại lối hội nhập không tôn trọng bản sắc tín ngưỡng"./.