Thế giới 24h: Mang tên lửa ra Biển Đông, Trung Quốc có tính toán gì?

VOV.VN - Một số chuyên gia nhận định rằng Trung Quốc đang tìm cách tăng cường hiện diện quân sự nhằm xác lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) tại Biển Đông.

1. Giới chức Mỹ ngày 17/2 (theo giờ địa phương) đã đồng loạt lên tiếng phản ứng về thông tin Trung Quốc đã đưa 2 khẩu đội tên lửa đất đối không ra đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa. 

Ngoại trưởng John Kerry nêu rõ trong chuyến thăm Mỹ vào cuối năm 2015, Chủ tịch Tập Cận Bình đã khẳng định Trung Quốc sẽ không quân sự hóa Biển Đông, nhưng mỗi ngày qua đi lại có thêm bằng chứng về sự gia tăng quân sự hóa tại khu vực này. 

Đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, đang bị Trung Quốc chiếm đóng phi pháp. Ảnh: BBC.

Ngoại trưởng Kerry bày tỏ quan ngại sâu sắc trước diễn biến trên và cho biết trong vài ngày tới Mỹ sẽ nói chuyện “rất nghiêm túc” với Trung Quốc về vấn đề này

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ, Mark Toner cũng cảnh báo nếu Trung Quốc thực sự triển khai tên lửa tại đảo Phú Lâm thì động thái này sẽ phản tác dụng và khiến tình hình khu vực thêm căng thẳng.

Trong khi đó, người phát ngôn Nhà Trắng Josh Earnest hối thúc các bên liên quan làm rõ các đòi hỏi chủ quyền lãnh thổ tại Biển Đông dựa trên luật pháp quốc tế và cam kết giải quyết tranh chấp một cách hòa bình. Ông Earnest một lần nữa khẳng định máy bay và tàu chiến Mỹ sẽ tiếp tục tuần tra tại Biển Đông.

Một số chuyên gia nhận định rằng Trung Quốc đang tìm cách tăng cường hiện diện quân sự nhằm xác lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) tại Biển Đông trong khi một số khác cho rằng động thái triển khai tên lửa của Trung Quốc là để phản ứng lại hoạt động tuần tra của Mỹ tại đây. 

2. Mỹ và EU ngày 17/2 cảnh báo Trung Quốc cần phải tôn trọng phán quyết của Tòa án Trọng tài Quốc tế về vụ kiện Biển Đông của Philippines. Theo Reuters, phán quyết của Tòa án Trọng tài Quốc tế liên quan đến vụ việc này dự kiến sẽ sớm được công bố trong năm nay. 

Hình ảnh vệ tinh một đảo nhân tạo bị Trung Quốc cải tạo phi pháp ở Biển Đông. Ảnh AP.

Bà Amy Searight, Phó Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách Nam Á và Đông Nam Á, cho biết, Mỹ, EU và các đồng minh như Australia, Nhật Bản và Hàn Quốc cần phải hợp tác chặt chẽ với nhau để đảm bảo rằng Trung Quốc phải trả giá nếu họ thua kiện vụ này.

“Chúng ta cần phải sẵn sàng lên tiếng mạnh mẽ với nhau cũng như luôn đứng đằng sau ủng hộ Philippines và các quốc gia có liên quan đến tranh chấp Biển Đông trong ASEAN để nhấn mạnh rằng, đây là vụ việc liên quan đến luật pháp quốc tế cực kỳ quan trọng và có tính ràng buộc pháp lý với tất cả các bên”, bà Searight nói.

Cũng theo bà Searight, thông điệp mà các nước muốn gửi đến Trung Quốc nếu nước này không tuân thủ phán quyết của Tòa trong trường hợp phán quyết này bất lợi cho họ là: “Chúng tôi tin tưởng vào chữ “tín” của các bạn”.

“Rõ ràng là danh tiếng của Trung Quốc sẽ bị tổn hại. Chúng tôi có thể đề ra nhiều biện pháp để Trung Quốc phải trả giá cho việc này”, bà Searight nói.

3. Thủ tướng Pháp Manuel Valls ngày 17/2 bày tỏ hy vọng có thể đạt được một thỏa thuận để giúp Anh ở lại EU tại hội nghị các nhà lãnh đạo EU ngày 18-19/2. 

Phát biểu trước các nghị sĩ Pháp, ông Thủ tướng Pháp Manuel Valls cảnh báo, việc Anh ra khỏi Liên minh châu Âu là một cú sốc và gây ra hậu quả lớn đối với châu Âu. Việc giữ Anh ở lại EU là lợi ích của châu Âu, của Pháp và của cả nước Anh. 

Nước Anh có rời khỏi EU hay không là vấn đề làm đau đầu nhiều nhà lãnh đạo khối này. (ảnh: Reuters).

Thủ tướng Pháp cho rằng, các đề xuất do Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk soạn thảo nên mở đường cho một giải pháp. 

Trong một dấu hiệu tích cực về khả năng có thể đạt được thỏa thuận với Anh, Thủ tướng Đức Angela Merkel ngày 17/2 lên tiếng ủng hộ một số yêu cầu cải cách Liên minh châu Âu của Thủ tướng Anh David Cameron, đồng thời nhấn mạnh, bất cứ thỏa thuận nào với Anh cũng không nên ngăn cản sự hội nhập gần gũi hơn của các nước thành viên Eurozone.

Bà Merkel cho biết: “Một số yêu cầu của Thủ tướng Cameron không đơn thuần chỉ là cho lợi ích riêng của nước Anh. Một số yêu cầu rất chính đáng và hợp lý”.

“Mục tiêu của chúng ta là phản đối sự phân biệt đối xử nhưng cũng khuyến khích sự khác biệt. Điều này không đi ngược với thực tế Liên minh kinh tế và tiền tệ châu Âu sẽ tiếp tục đưa ra các quyết định cần thiết của riêng mình”, bà Merkel cho biết thêm. 

4. Tiếp tục những nỗ lực hàn gắn quan hệ sau tuyên bố lịch sử của hai nhà lãnh đạo Cuba và Mỹ cách đây 14 tháng, Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ đến thăm Cuba trong chuyến công du Mỹ Latin được lên kế hoạch trong tháng 3/2016. 

Tổng thống Obama và Chủ tịch Cuba Raul Castro có cuộc gặp lịch sử tại Hội nghị thượng đỉnh châu Mỹ ở Panama hồi tháng 4/2015. (Ảnh: AP).

Một quan chức cấp cao trong chính quyền Mỹ khẳng định với trang tin NPR rằng, chuyến thăm sẽ chính thức được công bố trong ngày hôm nay (18/2, theo giờ Mỹ).

Trong khi đó, ABC News cũng cho biết, Nhà Trắng đang tích cực thu xếp những bước cuối cùng để chuyến thăm diễn ra trong tháng 3/2016. 

Tin tức trên tờ The Hill, tờ báo chính thức của Quốc hội Mỹ, cùng ngày dẫn một nguồn tin thân cận khẳng định, Tổng thống Obama sẽ thăm Cuba vào tháng tới.

Nếu diễn ra, đây sẽ là chuyến thăm lịch sử vì ông Obama sẽ trở thành Tổng thống Mỹ đầu tiên thăm Cuba kể từ năm 1928 tới nay. Trước đó, Tổng thống Obama hồi cuối năm 2015 tuyên bố ông muốn tới thăm Cuba trước khi rời nhiệm sở vào đầu năm 2017 nếu “các điều kiện cho phép”.

5. Một vụ tấn công bằng bom xe đã xảy ra tại thủ đô Ankara của Thổ Nhĩ Kỳ vào giờ cao điểm tối 17/2 (theo giờ địa phương) làm ít nhất 28 người thiệt mạng và hơn 60 người khác bị thương. Ngay sau vụ việc, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã gọi đây là vụ tấn công “đê tiện và hèn nhát”. 

Hiện trường vụ đánh bom ở Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ. (Ảnh: AP).

Mặc dù chưa có bất kỳ tổ chức nào đứng ra nhận trách nhiệm vụ đánh bom nhưng phó Thủ tướng Thổ Nhỹ Kỳ Numan Kurtulmus cam kết sẽ làm hết khả năng để đưa thủ phạm ra trước ánh sáng công lý. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan lên án vụ đánh bom và cho rằng, nó đã vượt quá tất cả “giới hạn của đạo đức và nhân đạo”.

Trong khi đó, người phát ngôn của Liên Hợp Quốc Stephane Dujarric nói: “Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc lên án vụ tấn công và hy vọng thủ phạm của vụ việc sớm phải chịu trách nhiệm vì tội ác gây ra”.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg lên án mạnh mẽ vụ “tấn công khủng bố” và gửi lời chia buồn sâu sắc đến gia đình của các nạn nhân. Ông Stoltenberg cho rằng, “không có gì có thể biện minh cho hành vi khủng khiếp như vậy”, và rằng “NATO luôn kề vai sát cánh với đồng minh trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố”.

Thủ tướng Đức Đức Angela Merkel cho biết: “Trong cuộc chiến chống lại những hành động vô nhân đạo, chúng tôi luôn sát cánh bên Thổ Nhĩ Kỳ”.

Từ Washington, phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Mark Toner cũng lên án cuộc tấn công; đồng thời “khẳng định cam kết mạnh mẽ với đồng minh Thổ Nhĩ Kỳ- một thành viên của NATO. Chúng tôi sẽ cùng nhau chống lại mối đe dọa chung của chủ nghĩa khủng bố”.

6. Thứ trưởng Ngoại giao Nga Gennady Gatilov ngày 17/2 khẳng định sẽ không thể đưa ra quyết định về vùng cấm bay tại Syria nếu không đạt được thỏa thuận với chính phủ nước này cũng như các quyết định liên quan của Liên Hợp Quốc. 

Thứ trưởng Ngoại giao Nga Gennady Gatilov. (Ảnh: sputniknews.com).

Trước đó, Thủ tướng Đức Angela Merkel cho rằng, các bên tại Syria nên nhất trí về vùng cấm bay tại một số khu vực ở đây, vì điều này sẽ giúp bảo vệ cho người dân Syria khỏi đạn pháo.

Tuy nhiên, ông Gatilov cho rằng, các bên đang thực hiện thỏa thuận đạt được giữa các nước tại Munich (Đức) tuần trước về một giải pháp hòa bình tại Syria. Các quan chức quân đội Nga và Mỹ sẽ tham gia cuộc họp đầu tiên vào ngày 19/2 tới để thảo luận về việc thực hiện lệnh ngừng bắn tại Syria.

"Nhóm Quốc tế Ủng hộ Syria" trong cuộc họp ở Munich (Đức) tuần trước nhất trí thực thi một lệnh ngừng bắn, tạm dừng các hoạt động thù địch trên toàn lãnh thổ Syria. Ngoài ra, các bên cũng đã đạt được thỏa thuận nhằm tăng cường viện trợ nhân đạo tại nước này, coi đây là ưu tiên hành động hàng đầu trong thời gian tới./. 

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Tư lệnh Mỹ: Triển khai tên lửa ở Biển Đông là “dấu hiệu quân sự hóa“
Tư lệnh Mỹ: Triển khai tên lửa ở Biển Đông là “dấu hiệu quân sự hóa“

Việc Trung Quốc triển khai các tên lửa trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa là "dấu hiệu rõ ràng của việc quân sự hóa".

Tư lệnh Mỹ: Triển khai tên lửa ở Biển Đông là “dấu hiệu quân sự hóa“

Tư lệnh Mỹ: Triển khai tên lửa ở Biển Đông là “dấu hiệu quân sự hóa“

Việc Trung Quốc triển khai các tên lửa trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa là "dấu hiệu rõ ràng của việc quân sự hóa".

Mỹ phản ứng mạnh trước ý đồ quân sự hóa Biển Đông của Trung Quốc
Mỹ phản ứng mạnh trước ý đồ quân sự hóa Biển Đông của Trung Quốc

VOV.VN - Giới chức Mỹ ngày 17/2 (theo giờ địa phương) đã đồng loạt lên tiếng phản ứng về thông tin Trung Quốc triển khai tên lửa đất đối không tại Biển Đông.

Mỹ phản ứng mạnh trước ý đồ quân sự hóa Biển Đông của Trung Quốc

Mỹ phản ứng mạnh trước ý đồ quân sự hóa Biển Đông của Trung Quốc

VOV.VN - Giới chức Mỹ ngày 17/2 (theo giờ địa phương) đã đồng loạt lên tiếng phản ứng về thông tin Trung Quốc triển khai tên lửa đất đối không tại Biển Đông.

Mỹ, EU cảnh báo Trung Quốc tôn trọng phán quyết quốc tế vụ Biển Đông
Mỹ, EU cảnh báo Trung Quốc tôn trọng phán quyết quốc tế vụ Biển Đông

VOV.VN- Mỹ và EU ngày 17/2 cảnh báo Trung Quốc cần phải tôn trọng phán quyết của Tòa án Trọng tài Quốc tế về vụ kiện Biển Đông của Philippines.

Mỹ, EU cảnh báo Trung Quốc tôn trọng phán quyết quốc tế vụ Biển Đông

Mỹ, EU cảnh báo Trung Quốc tôn trọng phán quyết quốc tế vụ Biển Đông

VOV.VN- Mỹ và EU ngày 17/2 cảnh báo Trung Quốc cần phải tôn trọng phán quyết của Tòa án Trọng tài Quốc tế về vụ kiện Biển Đông của Philippines.

Nhật Bản quan ngại việc Trung Quốc triển khai tên lửa tại Biển Đông
Nhật Bản quan ngại việc Trung Quốc triển khai tên lửa tại Biển Đông

VOV.VN - Nhật Bản cho rằng, hành động của Trung Quốc là không thể chấp nhận được.

Nhật Bản quan ngại việc Trung Quốc triển khai tên lửa tại Biển Đông

Nhật Bản quan ngại việc Trung Quốc triển khai tên lửa tại Biển Đông

VOV.VN - Nhật Bản cho rằng, hành động của Trung Quốc là không thể chấp nhận được.

Thế giới 24h: Biển Đông “dậy sóng” vì ý đồ quân sự hóa của Trung Quốc
Thế giới 24h: Biển Đông “dậy sóng” vì ý đồ quân sự hóa của Trung Quốc

VOV.VN - Hành động triển khai hệ thống tên lửa phòng không tới một trong các đảo mà Trung Quốc chiếm giữ trái phép ở Biển Đông đã gây quan ngại sâu sắc.

Thế giới 24h: Biển Đông “dậy sóng” vì ý đồ quân sự hóa của Trung Quốc

Thế giới 24h: Biển Đông “dậy sóng” vì ý đồ quân sự hóa của Trung Quốc

VOV.VN - Hành động triển khai hệ thống tên lửa phòng không tới một trong các đảo mà Trung Quốc chiếm giữ trái phép ở Biển Đông đã gây quan ngại sâu sắc.