Thế giới 24h: Mỹ - Hàn tập trận, Triều Tiên dọa sẽ có chiến tranh?

VOV.VN - Triều Tiên cảnh báo nếu chiến tranh nổ ra, cuộc chiến sẽ không giới hạn trên bán đảo Triều Tiên và cũng không phải là chiến tranh thông thường. 

1. Ngày 7/3, Mỹ và Hàn Quốc đã bắt đầu tiến hành các cuộc tập trận chung thường niên mang tên "Giải pháp then chốt" và "Đại bàng non," với sự tham gia của 300.000 binh sỹ Hàn Quốc và 15.000 binh sỹ Mỹ cùng nhiều tàu hải quân và các phi đội máy bay chiến lược của Mỹ.

Binh sĩ Mỹ tham gia cuộc tập trận chung Mỹ-Hàn. Ảnh Reuters

Phát biểu vài giờ trước khi cuộc tập trận bắt đầu, Ủy ban Quốc phòng - cơ quan quyền lực nhất Triều Tiên cảnh báo sẽ tiến hành một cuộc tấn công toàn diện chống lại liên quân Mỹ - Hàn.  

Tuyên bố của Ủy ban Quốc phòng Triều Tiên có đoạn: “Quân đội và nhân dân Triều Tiên sẽ phản công quân sự đáp trả cuộc tấn công phủ đầu, chúng tôi sẽ thổi bay tất cả kẻ thù”.

Ủy ban này cũng cảnh báo, các mục tiêu của Hàn Quốc đều nằm trong tầm bắn của tên lửa Triều Tiên và khả năng tấn công hạt nhân của Bình Nhưỡng hoàn toàn có thể vươn tới các căn cứ quân sự của Mỹ ở châu Á – Thái Bình Dương, thậm chí là cả lãnh thổ Mỹ. 

Hàn Quốc ngay lập tức đã lên tiếng đáp trả những lời đe dọa từ phía Triều Tiên. 

Trong một thông điệp phát đi từ Seoul, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Hàn Quốc Moon Sang-gyun cho biết: “Triều Tiên nên dừng lại và suy nghĩ về việc họ đang tự hủy hoại chính mình vì những hành động của họ. Nếu họ tiến hành các hành động khiêu khích, thách thức, Hàn Quốc sẽ có câu trả lời kiên quyết, không khoan nhượng”. 

2. Nguồn tin người Kurd ở Syria ngày 6/3 cho biết, quân đội Mỹ sắp hoàn tất việc xây dựng một căn cứ Không quân tại khu vực do người Kurd kiểm soát ở miền Bắc Syria, đồng thời đang thúc đẩy việc thiết lập một căn cứ không quân khác dùng cho cả hai mục đích dân sự và quân sự, cũng tại cùng khu vực.

Binh sĩ Mỹ tại Syria. Ảnh AP

Theo đó, phần lớn công việc xây dựng căn cứ không quân ở thị trấn Rmeilan thuộc tỉnh Hasaka đã hoàn thành, trong khi việc thiết lập căn cứ ở phía Đông Nam thành phố Kobani, giáp biên giới Thổ Nhỹ Kỳ, cũng đang được tích cực tiến hành. 

Trước đó không lâu, các quan chức người Kurd ở Syria cũng đã khẳng định việc căn cứ không quân Rmeilan đang được các máy bay trực thăng quân sự của Mỹ sử dụng cho việc chuyển giao hàng và công tác hậu cần. Tuy nhiên, các nguồn tin không nói rõ quy mô lực lượng Mỹ đang có mặt cũng như sẽ sử dụng các căn cứ này như thế nào. 

3. Những dòng tưởng nhớ cựu Đệ nhất phu nhân Nancy Reagan tràn ngập trên các phương tiện truyền thông Mỹ trước sự ra đi của bà ngày 6/3. 

Theo Yahoo News, Thống đốc bang Massachusetts Mitt Romney là người gửi lời chia buồn đầu tiên: “Việc bà Nancy Reagan qua đời đồng nghĩa với việc chúng ta nói lời vĩnh biệt với những ngày tháng của ông Ronald Reagan. 

Cựu đệ nhất phu nhân Nancy Reagan. Ảnh New York Times

Với sự quyến rũ, nhẹ nhàng và niềm say mê đối với nước Mỹ, cặp đôi này nhắc nhở chúng ta về những trải nghiệm vĩ đại và sự trường tồn của nước Mỹ. 

Nhiều người đã đánh giá thấp tầm ảnh hưởng của một Đệ nhất phu nhân nhưng từ thời các bà như Martha, Abigail và Nancy đến nay, những người phụ nữ này đã định hình nên những chính sách, củng cố lòng quyết tâm và vẽ lên hình ảnh của những thiên thần tốt đẹp. Chúa và ông Ronald Reagan cuối cùng cũng được đón bà về”. 

4. Bà Clinton và ông Sanders đã khẩu chiến dữ dội tại cuộc tranh luận trong Đảng Dân chủ tối 6/3 về thương mại và ảnh hưởng của Phố Wall.

Theo AP, trong khi bà Clinton cáo buộc ông Sanders đã “quay lưng” với nền công nghiệp xe hơi thì ông Sanders chỉ trích bà Clinton rằng bạn bè của bà ở Phố Wall đã “phá hủy nền kinh tế Mỹ”.

Bà Clinton và ông Sanders "lời qua tiếng lại". Ảnh AP

Đây là lần đầu tiên hai ứng viên Đảng Dân chủ “lời qua tiếng lại” dữ dội như vậy trong một đợt tranh luận. Điều này cũng cho thấy ông Sanders đang rất nỗ lực để thu hẹp khoảng cách ngày một rộng lớn hơn mà bà Clinton đã tạo ra.

Cả hai ứng viên thường xuyên đều thường xuyên ngắt lời đối thủ và cáo buộc đối phương cố tình hiểu sai thông điệp của mình.

“Hãy đưa ra những số liệu cụ thể thay vì đưa ra những lời kêu gọi hùng hồn về sự thay đổi”, bà Clinton tuyên bố.

“Để tôi nói phần của tôi còn bà nói phần của bà”, ông Sanders phản bác: “Bà đang nói về việc ủng hộ bất kỳ một thay đổi nào về thương mại và ủng hộ các tập đoàn lớn của Mỹ”.

Ngoài ra, ông Sanders cũng nhiều lần bực tức vì sự ngắt lời của bà Clinton và tuyên bố: “Xin lỗi nhé, tôi đang nói mà” hoặc “Để tôi nói hết đã nhé”.

5. Hội nghị thượng đỉnh quan trọng giữa các nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ và EU về cuộc khủng hoảng di cư đã khai mạc tại Brussels, Bỉ ngày 7/3. 

Đây là cuộc gặp lần thứ 2 giữa hai bên trong chưa đầy 3 tháng qua nhằm ngăn chặn dòng người di cư đang đổ về châu Âu. 

Người tị nạn Syria đặt chân lên đất Hy Lạp. Ảnh Reuters

Dự kiến, tại hội nghị, hai bên sẽ thảo luận việc Thổ Nhĩ Kỳ nhanh chóng tiếp nhận trở lại người di cư tới châu Âu vì lý do kinh tế, trong khi EU cũng sẽ quyết định về việc hỗ trợ khẩn cấp cho Hy Lạp nhằm giúp nước này giải quyết tình trạng quá tải người tị nạn hiện nay. Ngoài ra, tại hội nghị, EU cũng sẽ thông báo về việc khối này nhất trí đóng cửa tuyến lộ trình Balkan đối với người di cư vào châu Âu. 

Sau cuộc gặp với Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmed Davutoglu, các nhà lãnh đạo 28 nước EU cũng sẽ tiếp tục nhóm họp để thảo luận về cuộc khủng hoảng hiện nay.  

Để giải quyết cuộc khủng hoảng, từ tháng 11 năm ngoái, EU đã thực hiện kế hoạch cung cấp 3 tỷ Euro cho Thổ Nhĩ Kỳ để tái định cư người tị nạn, giữ chân họ ở lại Thổ Nhĩ Kỳ thay vì để họ cố di chuyển đến châu Âu trong những hành trình nguy hiểm.  

Về phía Thổ Nhĩ Kỳ, việc tái định cư những người tị nạn về lâu dài là một vấn đề cấp bách và cũng rất khó khăn, bởi sự khác biệt về lối sống, văn hóa, ngôn ngữ giữa người tị nạn, trong đó phần lớn là người Syria với cộng đồng địa phương.  

Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã có những bước đi đầu tiên bằng cách cấp giấy phép lao động cho người tị nạn Syria từ tháng 2 vừa qua. Động thái này được người tị nạn Syria hoan nghênh và các chuyên gia đánh giá là một sự thay đổi lớn và tích cực trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng di cư. 

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

CHDCND Triều Tiên tuyên bố sẵn sàng đánh bại Mỹ - Hàn
CHDCND Triều Tiên tuyên bố sẵn sàng đánh bại Mỹ - Hàn

VOV.VN - CHDCND Triều Tiên cho rằng, Mỹ phải chịu trách nhiệm vì đã gây ra tình trạng bất ổn trên bán đảo Triều Tiên.

CHDCND Triều Tiên tuyên bố sẵn sàng đánh bại Mỹ - Hàn

CHDCND Triều Tiên tuyên bố sẵn sàng đánh bại Mỹ - Hàn

VOV.VN - CHDCND Triều Tiên cho rằng, Mỹ phải chịu trách nhiệm vì đã gây ra tình trạng bất ổn trên bán đảo Triều Tiên.

Philippines kiểm tra tàu của Triều Tiên theo nghị quyết trừng phạt
Philippines kiểm tra tàu của Triều Tiên theo nghị quyết trừng phạt

VOV.VN - Lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines đã cấm một tàu chở hàng của Triều Tiên rời khỏi bến cảng cho đến khi hoàn tất các thủ tục kiểm tra.

Philippines kiểm tra tàu của Triều Tiên theo nghị quyết trừng phạt

Philippines kiểm tra tàu của Triều Tiên theo nghị quyết trừng phạt

VOV.VN - Lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines đã cấm một tàu chở hàng của Triều Tiên rời khỏi bến cảng cho đến khi hoàn tất các thủ tục kiểm tra.

Mỹ - Hàn tập trận: Tình hình bán đảo Triều Tiên căng như dây đàn
Mỹ - Hàn tập trận: Tình hình bán đảo Triều Tiên căng như dây đàn

VOV.VN - Triều Tiên cảnh báo nếu chiến tranh nổ ra, cuộc chiến sẽ không giới hạn trên bán đảo Triều Tiên và cũng không phải là chiến tranh thông thường.

Mỹ - Hàn tập trận: Tình hình bán đảo Triều Tiên căng như dây đàn

Mỹ - Hàn tập trận: Tình hình bán đảo Triều Tiên căng như dây đàn

VOV.VN - Triều Tiên cảnh báo nếu chiến tranh nổ ra, cuộc chiến sẽ không giới hạn trên bán đảo Triều Tiên và cũng không phải là chiến tranh thông thường.

Philippines bắt tàu Triều Tiên theo lệnh trừng phạt của LHQ
Philippines bắt tàu Triều Tiên theo lệnh trừng phạt của LHQ

Ngày 5/3, Philippines thông báo bắt giữ một chiếc tàu của Triều Tiên theo lệnh trừng phạt mới của Liên Hợp Quốc (LHQ). 

Philippines bắt tàu Triều Tiên theo lệnh trừng phạt của LHQ

Philippines bắt tàu Triều Tiên theo lệnh trừng phạt của LHQ

Ngày 5/3, Philippines thông báo bắt giữ một chiếc tàu của Triều Tiên theo lệnh trừng phạt mới của Liên Hợp Quốc (LHQ).