Thế giới 24h: Mỹ lại cáo buộc Nga không kích vào dân thường
VOV.VN - Ngày 29/12, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã có cuộc điện đàm về cuộc khủng hoảng Syria.
1, Trong cuộc điện đàm, Ngoại trưởng Mỹ tiếp tục bày tỏ mối lo ngại về các cuộc không kích của Nga tại Syria gây thương vong cho dân thường.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov. (ảnh: Reuters). |
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Mark Toner cũng trích báo cáo gần đây của Tổ chức Ân xá quốc tế cho biết, các cuộc không kích của Nga tại Syria làm hàng trăm dân thường thiệt mạng. Nhiều cơ sở y tế, trường học và khu buôn bán cũng là mục tiêu của các vụ không kích.
Hơn 130.000 người dân Syria buộc phải sơ tán, một phần do Nga tăng cường các vụ không kích vào tháng 10 và nửa đầu tháng 11.
Nga ngay lập tức phủ nhận các cáo buộc cho rằng các cuộc không kích của Nga gây thương vong cho dân thường.
Phía Nga khẳng định, chiến dịch không kích của nước này tại Syria nhằm vào những tổ chức khủng bố, nằm trong nỗ lực của Nga bảo vệ dân thường Syria.
Nga cũng khẳng định đang hợp tác với Mỹ và Liên Hợp Quốc thúc đẩy các cuộc đàm phán nhằm chấm dứt cuộc chiến tại Syria.
Chiến tranh Syria: Chiến binh ngoại, đường lối ngoại, vũ khí ngoại
2, Thủ tướng Ukraine Arseniy Yatsenyuk ngày 29/12 tuyên bố, nước này sẵn sàng từ bỏ các biện pháp trừng phạt thương mại chống Nga, nếu Nga quyết định dỡ bỏ lệnh cấm vận thực phẩm nhằm vào Ukraine cũng như thực hiện thỏa thuận về Khu vực thương mại tự do.
Thủ tướng Ukraine Arseniy Yatsenyuk (Ảnh Itar-Tass). |
Tuyên bố của Ukraine đưa ra khi Tổng thống nước này Petro Poroshenko ngày 29/12 ký dự luật cho phép Chính phủ áp dụng cấm vận thương mại đối với Nga kể từ ngày 1/1/2016.
Cụ thể, từ ngày 1/1/2016, Ukraine sẽ ban hành lệnh cấm vận thương mại và các biện pháp trừng phạt đáp trả Nga đã áp dụng với Ukraine.
Nga trước đó quyết định bãi bỏ tất cả mọi ưu đãi đối với Ukraine trong thương mại, theo đó áp dụng quy chế tối huệ quốc (MFN) thay vì hiệp định khu vực thương mại tự do, cũng như áp dụng các biện pháp đáp trả kinh tế đối với nước láng giềng này từ đầu năm 2016.
3, Ngày 29/12, Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi đã đến thăm thành phố chiến lược Ramadi và tuyên bố sẽ giải phóng toàn bộ đất nước khỏi tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) trong năm 2016.
Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi
|
Thủ tướng al-Abadi khẳng định, năm 2016 sẽ là năm của những thắng lợi vĩ đại khi nhóm Nhà nước Hồi giáo bị xóa sổ tại Iraq, đồng thời cho biết, mục tiêu tiếp theo sẽ là giải phóng Mosul, thành phố lớn nhất bị nhóm Nhà nước Hồi giáo chiếm đóng ở phía Bắc nước này.
Trước đó, cùng ngày, lực lượng quân đội Iraq tuyên bố đã đánh bật các tay súng nhóm Nhà nước Hồi giáo khỏi trung tâm Ramadi, thành phố bị rơi vào tay nhóm Nhà nước Hồi giáo hồi tháng 5/2015 sau một cuộc đụng độ khốc liệt.
Việc giành lại quyền kiểm soát Ramadi là một trong những chiến thắng quan trọng nhất của các lực lượng vũ trang Iraq kể từ khi nhóm Nhà nước Hồi giáo chiếm 1/3 lãnh thổ nước này hồi năm 2014.
4, Ngày 29/12, báo chí Mỹ và châu Âu đồng loạt tiết lộ thông tin về chương trình do thám của Mỹ nhằm vào đồng minh truyền thống Israel.
Tạp chí Phố Wall của Mỹ khẳng định, bất chấp cam kết hạn chế do thám đồng minh sau vụ bê bối của Cơ quan an ninh quốc gia (NSA), Mỹ vẫn tiếp tục theo dõi các cuộc liên lạc của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahou.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahou. (Ảnh: Australian National Review). |
Chính phủ Israel hiện chưa đưa ra bất kỳ bình luận nào, song theo các nhà phân tích, những thông tin này sẽ càng làm cho quan hệ Mỹ và Israel vốn đã gặp nhiều sóng gió thời gian gần đây càng trở nên xa cách hơn.
Trên thực tế, gần một năm qua Mỹ đã ngừng cập nhật tình hình cho đồng minh lâu đời nhất tại Trung Đông của mình về những tiến triển trong các cuộc đàm phán hạt nhân với Iran. Đây thực sự là một cú sốc với Israel, bởi nước này không bao giờ muốn vị trí cường quốc của mình ở Trung Đông bị lung lay.
Một khi Iran hợp tác với Mỹ và phương Tây, vị thế của Israel sẽ bị đe dọa. Và bài phát biểu hồi đầu năm của Thủ tướng Israel trước Quốc hội Mỹ càng kéo dài hơn khoảng cách giữa hai nước.
5, Người Phát ngôn của Văn phòng các vấn đề Đài Loan thuộc Quốc Vụ viện Trung Quốc Mã Hiểu Quang cho biết, hôm nay (30/12), đường dây nóng giữa Trung Quốc đại lục và Đài Loan (Trung Quốc) đã chính thức đi vào hoạt động.
Cuộc gặp lịch sử giữa Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Người đứng đầu chính quyền Đài Loan Mã Anh Cửu diễn ra tại Singapore vào ngày 7/11 (Ảnh AFP). |
Đây được cho là nỗ lực của hai bên sau cuộc gặp lịch sử giữa Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Người đứng đầu chính quyền Đài Loan Mã Anh Cửu diễn ra tại Singapore vào ngày 7/11 vừa qua.
Ông Mã Hiểu Quang cho biết thêm, trước khi cuộc họp báo diễn ra, người phụ trách những vấn đề hai bờ eo biển của hai bên đã liên lạc với nhau qua đường dây nóng.
Ông nói: "Hai bên nhất trí sẽ duy trì liên lạc, thúc đẩy quan hệ hai bờ phát triển hoà bình và thu được những thành tựu mới trên cơ sở những nhận thức chung đã đạt được, làm những việc có lợi, những điều tốt lành cho nhân dân hai bờ"./.