Thế giới 24h: Mỹ - Philippines và nỗ lực “cứu” quan hệ đồng minh
VOV.VN - Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Daniel Russel tới Philippines làm rõ tuyên bố "cắt quan hệ" và thảo luận về hướng đi tương lai của hai nước đồng minh.
1. Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về Các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương Daniel Russel ngày 24/10 đã tới Manila trong bối cảnh có nhiều vấn đề “khó hiểu” đang bủa vây mối quan hệ Mỹ-Philippines, nhất là sau những chỉ trích nặng nề của Tổng thống Philippines nhằm vào cá nhân Tổng thống Mỹ và quan hệ hai nước.
Ông Daniel Russel, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách khu vực Đông Á và Thái Bình Dương trả lời phỏng vấn sau cuộc gặp Ngoại trưởng Philippines. (Ảnh: Reuters)
Ngay khi đặt chân đến Manila, ông Daniel Russel đã có cuộc gặp Ngoại trưởng Philippines Perfecto Yasay. Mặc dù nội dung chi tiết của cuộc gặp không được công bố, song hai bên đều nhấn mạnh đến mối quan hệ đồng minh giữa hai nước, bất chấp những sóng gió gần đây.
Phát biểu với báo giới sau cuộc gặp này, ông Russel khẳng định, Philippines vẫn là đồng minh quan trọng của Mỹ tại khu vực Châu Á Thái Bình Dương, đồng thời nhắc lại cam kết của Mỹ trong việc ủng hộ mạnh mẽ đối với Philippines.
Về phần mình, Ngoại trưởng Philippines Perfecto Yasay khẳng định: “Có một điều chắc chắn rằng chúng ta vẫn có thể nói chuyện với nhau, cố gắng giải quyết bất cứ điều gì khác biệt và làm rõ những vấn đề sẽ phải làm. Bản thân tôi cam kết sẽ làm hết sức mình để chúng ta có thể tiếp tục đối thoại với nhau, để chắc chắn rằng sẽ không có những hiểu lầm trong mối quan hệ bạn bè của chúng ta. Mối quan hệ mạnh mẽ của chúng ta sẽ vẫn được tiếp tục”. Quan chức Mỹ tới Philippines sau tuyên bố “chia tay” của ông Duterte
2. Tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye ngày 24/10 đã đề nghị sửa đổi Hiến pháp. Đây là động thái trái ngược với lập trường trước đây của bà đối với một trong những vấn đề chính trị đang gây tranh cãi tại Hàn Quốc.
Tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye. (Ảnh: Getty) |
Trước đây Tổng thống Park Geun Hye phản đổi việc thảo luận chính thức về vấn đề này và cho rằng, Chính phủ Hàn Quốc nên tập trung giải quyết các vấn đề cấp bách hơn về kinh tế và an ninh, trong đó có các mối đe dọa hạt nhân và tên lửa xuất phát từ phía Triều Tiên.
Tuy nhiên, lần này bà Park Geun Hye nhấn mạnh rằng, khi xét tới lịch trình chính trị, trong đó có cuộc bầu cử Tổng thống dự kiến diễn ra vào năm tới, thì bây giờ là thời điểm thích hợp để thúc đẩy việc sửa đổi Hiến pháp. Hiến pháp hiện hành được sửa đổi lần gần đây nhất là vào năm 1987. Tổng thống Hàn Quốc bất ngờ đề xuất sửa đổi Hiến pháp
3. Thổ Nhĩ Kỳ ngày 23/10 thông báo nước này đang tham gia chiến dịch quân sự nhằm chiếm lại thành phố Mosul ở Iraq từ tay tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, bất chấp sự phản đối của chính quyền Thủ tướng Iraq Haider Al-Abadi.
Chiến sự ở Mosul vẫn đang "nóng" lên từng ngày. (Ảnh: Reuters) |
Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yindirim thông báo quân đội nước này cùng các phương tiện quân sự đã tham gia các cuộc tấn công quân sự theo yêu cầu của lực lượng người Kurd tại Iraq (Peshmerga Kurd) nhằm đẩy lui IS khỏi thị trấn Bashiqua, phía Đông thành phố Mosul.
Trước đó 1 ngày, sau cuộc hội đàm với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter tại Baghadad, Thủ tướng Iraq Abadi một lần nữa nhắc lại lập trường rằng liên minh chống IS hiện thời của Iraq đủ khả năng đảm đương được cuộc chiến mà không cần đến sự tham gia của Thổ Nhĩ Kỳ. IS đốt nhà máy sản xuất lưu huỳnh, khói độc bao trùm Mosul (Iraq)
4. Ngày 24/10, Pháp bắt đầu thực hiện chiến dịch giải tỏa và sơ tán hàng nghìn người di cư khỏi khu lán trại trái phép ở thành phố cảng Calais, phía Bắc nước Pháp.
Những người tị nạn ở Calais sẽ được đưa tới 300 trung tâm tiếp nhận trên toàn nước Pháp. (Ảnh: AP) |
Khoảng 1.250 cảnh sát được huy động để đảm bảo an ninh trong suốt quá trình giải tỏa khu lán trại và áp giải người di cư đến các trung tâm tị nạn.
Người di cư sẽ được tách thành 4 nhóm, phân chia theo gia đình, nam giới độc thân, trẻ em và những người dễ bị tổn thương. Những người này sẽ được đưa tới 300 trung tâm tiếp nhận trên toàn nước Pháp.
Nhà chức trách Pháp cho biết sẽ đảm bảo khoảng 7.500 nơi tạm trú mới cho số người di cư tại Calais, ước tính số người di cư tại Calais có khoảng 6.000-8.000 người.
Trước đó, ngày 18/10, một tòa án ở Pháp đã cho phép nhà chức trách nước này tiến hành giải tỏa nhanh các khu lán trại tạm bợ hiện có người tị nạn tạm trú bất hợp pháp ở Calais. Pháp bắt đầu dỡ bỏ trại tị nạn ở “Rừng Calais”
5. Các nguồn tin sân bay và nhân chứng cho biết một máy bay hạng nhẹ được cho là chở các quan chức thuộc Cơ quan bảo vệ biên giới của Liên minh châu Âu (Frontex) đã gặp nạn ngay sau khi cất cánh ở Malta sáng 24/10, làm ít nhất 5 người thiệt mạng.
Hiện trường vụ tai nạn. (Ảnh: euractiv) |
Vụ tai nạn xảy ra lúc 5h30 (giờ GMT) khi đang trong hành trình tới Misrata ở Libya.
Lực lượng cứu hộ đang tìm kiếm những người còn sống sót. Hiện chưa rõ có bao nhiêu người trên máy bay, nhưng chiếc máy bay này có thể chở khoảng 10 người.
Theo Thời báo Malta, chiếc máy bay gặp nạn được thuê từ Luxembourg để phục vụ các quan chức Cơ quan bảo vệ biên giới của Liên minh châu Âu. Hiện chưa có thông tin về quốc tịch các nạn nhân./.