Thế giới 24h: Nga bắt tay với Saudi Arabia để khống chế IS
VOV.VN - Nga không chỉ tung đòn điểm huyệt vào “cơ thể” của IS mà còn bắt tay với Saudi Arabia của đa số Sunni để tạo thế khống chế quái thú IS.
1. Các dữ liệu liên lạc của IS mà Nga thu được cho thấy các chiến binh thánh chiến IS đang ngày càng hoảng loạn trước các đòn tấn công dồn dập, hiệu quả của Nga.
Thủ lĩnh tối cao của IS al-Baghdadi, không rõ hiện nay còn sống hay đã chết. Ảnh: YouTube. |
Không quân Nga đã mở rộng quy mô các cuộc không kích của mình nhằm vào các công sự kiên cố và các căn cứ hậu cần cũng như hạ tầng cơ sở nói chung của IS.
Các vụ không kích được tiến hành bằng máy bay ném bom Su24M và Su-34 cùng máy bay cường kích Su-25SM. Các tiêm kích cơ Su-30 có nhiệm vụ hộ tống các máy bay tấn công.
Theo Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nga Igor Konashenkov hôm 11/10, các dữ liệu liên lạc vô tuyến điện của IS do Nga thu được cho thấy tâm lý hoảng loạn trong các chiến binh IS ngày càng gia tăng.
Trong lúc đó, cuộc không kích của quân đội Iraq nhằm vào hội nghị cấp cao của IS và đoàn xe IS đã làm 8 thủ lĩnh của tổ chức IS thiệt mạng.
Iraq tuyên bố vào hôm 11/10 rằng không quân nước này đã ném bom trúng cuộc họp của IS ở một thị trấn phía tây Iraq và cả đoàn xe chở thủ lĩnh tối cao của IS là Baghdadi tới dự cuộc họp đó.
Có thông tin cho hay thủ lĩnh tối cao IS Baghdadi đã bị thương.
Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm qua (11/10) đã có cuộc gặp với Bộ trưởng Quốc phòng và là hoàng tử Saudia Arabia Mohammed bin Salman nhằm thảo luận về tiềm năng triển khai giải pháp chính trị tại Syria.
Phát biểu trước báo giới sau cuộc họp, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết: Nga và Saudia Arabia đều sẵn sàng hợp tác trong vấn đề Syria và mong muốn ngăn chặn việc hình thành “một nhà nước Hồi giáo khủng bố” tại Syria.
2. Hôm nay (12/10), tòa Hình sự Thái Lan ra lệnh bắt cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra do không có mặt trong một vụ kiện mà nguyên đơn là đại diện lục quân Thái Lan.
Cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra thời còn cầm quyền. (Nguồn: Xuân Sơn) |
Theo đó lực lượng lục quân Thái Lan kiện lên tòa việc ông Thaksin đã có những phát ngôn xúc phạm tới lực lượng này trong một cuộc trả lời phỏng vấn được phát trên mạng Internet gần đây. Cựu Thủ tướng Thaksin bị kiện do đã tuyên bố lục quân là đối tượng nguy hiểm của đất nước và là lực lượng đã gây ra thiệt hại cho đất nước .
Trát bắt của tòa có hiệu lực sau khi luật sư của ông Thaksin cho biết thân chủ của mình đang sống lưu vong tại nước ngoài nên không thể có mặt để hầu kiện.
3. Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc vừa ra nghị quyết cho phép châu Âu sử dụng vũ lực để ngăn chặn làn sóng tị nạn trái phép trên biển Địa Trung Hải.
Người di cư chạy trốn chiến tranh và đói nghèo từ Trung Đông và Bắc Phi tìm đường vào châu Âu. (Ảnh: AP/BBC) |
Nghị quyết được Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc (HĐBA LHQ) thông qua sau rất nhiều tháng tranh cãi. Nghị quyết này, vốn do 2 nước Pháp và Anh đồng bảo trợ, đã được đưa ra bàn tại HĐBA LHQ từ tháng 6/2015 nhưng nhiều lần bị bãi bỏ do sự phản đối của Nga, thành viên có quyền phủ quyết, cũng như của 3 nước châu Phi là thành viên không thường trực khác của HĐBA khóa này là Cộng hòa Chad, Nigeria và Angola.
Việc thông qua nghị quyết vào cuối tuần qua, sau khi phía Nga nhượng bộ, là một sự ủng hộ về chính trị và pháp lý quan trọng để châu Âu gia tăng các biện pháp cứng rắn đối phó với làn sóng tị nạn.
Nghị quyết này cho phép thành viên Liên minh châu Âu (EU) được phép sử dụng vũ lực để phá hủy các tàu thuyền của các nhóm buôn người đang hoạt động tại bờ biển Lybia, phía bờ bên kia của Địa Trung Hải. Trong vòng 1 năm tới, 6 tàu chiến của các nước EU thanh tra, bắt giữ và phá hủy các tàu thuyền của các nhóm buôn người.
4. Các vụ biểu tình tiếp tục lan rộng tại Thổ Nhĩ Kỳ nhằm lên án các vụ tấn công và cáo buộc chính phủ phải chịu trách nhiệm vụ đánh bom hôm 10/10.
Vụ đánh bom hôm 10/10 ở Ankara được cho là vụ tấn công đẫm máu nhất trong lịch sử Thổ Nhĩ Kỳ. (ảnh: Reuters). |
Ngày 11/10, hàng nghìn người biểu tình đã tụ tập tại khu vực xảy ra vụ tấn công ở thủ đô Ankara, lên án vụ tấn công và cáo buộc Tổng thống Recep Tayyip Erdogan về các chiến dịch quân sự chống lại các tay súng người Kurd.
Phe đối lập tại Thổ Nhĩ Kỳ đang đổ lỗi cho Tổng thống Tayip Erdogan về vụ tấn công được cho là đẫm máu nhất trong lịch sử Thổ Nhĩ Kỳ. Đảng đối lập tại Thổ Nhĩ Kỳ cũng lên tiếng kêu gọi các Bộ trưởng trong nội các từ chức.
Hiện giới chức Thổ Nhĩ Kỳ đang thúc đẩy điều tra vụ tấn công đẫm máu ở thủ đô Ankara. Theo các nguồn tin an ninh cấp cao, vụ tấn công này được cho là có nhiều điểm tương đồng với vụ tấn công từng xảy ra tại thành phố Suruc gần biên giới Syria hồi tháng 7 vừa qua. Những điều tra ban đầu cho thấy nhiều khả năng nhóm khủng bố IS đứng đằng sau vụ tấn công này.
Phó Chủ tịch thứ nhất Ủy ban châu Âu, Frans Timmermans và Cao Ủy Liên minh Châu Âu phụ trách mở rộng khối, ông Johannes Hahn ngày 11/10 đã hoãn chuyến thăm Thổ Nhĩ Kỳ, sau khi nước này ban bố quốc tang 3 ngày để tưởng nhớ những nạn nhân xấu số thiệt mạng trong các vụ đánh bom đẫm máu tại thủ đô Ankara
5. Ngày 11/10, Mỹ đã bày tỏ quan ngại về phán quyết của tòa án Iran đối với nhà báo người Mỹ gốc Iran Jason Rezaian, phóng viên Washington Post bị cáo buộc hoạt động gián điệp.
Trong một tuyên bố, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby, Mỹ đang giám sát chặt chẽ vụ việc này và sẽ kêu gọi Iran xóa bỏ cáo buộc tội danh đối với Jason cũng như trả tự do cho nhà báo này.
Tuyên bố của Bộ Ngoại giao này đưa ra chỉ ít giờ sau khi một tòa án Iran đã ra phán quyết cáo buộc hoạt động gián điệp đối với nhà báo người Mỹ gốc Iran Jason. Dù không đề cập cụ thể nội dung phán quyết về tội danh cũng như án phạt./.