Thế giới 24h: Nội bộ Mỹ và vấn đề trừng phạt Nga
VOV.VN - Giới lập pháp Mỹ muốn chính phủ nước này phải rõ ràng về cáo buộc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, tình hình tại Ukraine và Syria.
1. Bất chấp việc Tổng thống đắc cử Donald Trump kêu gọi cải thiện quan hệ với Nga, các nhà lập pháp Mỹ, cả Dân chủ và Cộng hòa, hiện đang muốn Mỹ có câu trả lời về cáo buộc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ và các hoạt động tại Ukraine và Syria.
Thượng nghĩ sỹ Ben Cardin hôm 16/11 cho biết ông đang soạn thảo một dự luật ông cho là “toàn diện” để đối phó với các hoạt động của Nga đi ngược lại lợi ích của Mỹ ở châu Âu và Syria cũng như các cuộc tấn công mạng, được cho là do Nga thực hiện trong quá trình tranh cử tổng thống Mỹ.
Mỹ và châu Âu thảo luận gia tăng trừng phạt Nga
2. Tổng thống đắc cử Mỹ Trump dự định yêu cầu các quan chức không vận động hành lang chính phủ trong vòng 5 năm sau khi rời khỏi chính quyền của ông.
Sean Spicer, người phát ngôn cho đội ngũ chuyển giao quyền lực của ông Trump hôm 16/11 cho biết Tổng thống đắc cử sẽ yêu cầu tất cả các quan chức trong chính quyền mới từ bỏ mọi vai trò dù là người vận động hành lang cho bang hay cho liên bang trước khi đảm nhận vai trò mới trong chính phủ của ông.
Báo Mỹ: Donald Trump cần tránh khiếm khuyết của Tổng thống Obama
Tổng thống Syria sẵn sàng hợp tác với ông Donald Trump
Thủ tướng Nhật Bản đi Mỹ gặp Tổng thống đắc cử Trump
3. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, trong 48 giờ qua có 6 vụ tấn công vào các bệnh viện, trung tâm y tế tại Aleppo và tỉnh Idlib (Syria). Những vụ tấn công này không chỉ gây nhiều thương vong mà còn khiến các bệnh viện này phải đóng cửa, người dân khó tiếp cận được dịch vụ y tế.
Hôm 16/11, một cuộc không kích nhằm vào khu vực xung quanh bệnh viện nhi và ngân hàng máu tại thành phố phía đông Aleppo.
Trước đó, cũng có một số vụ không kích nhằm vào bệnh viện tại phía Tây Aleppo, khiến các bệnh viện này phải dừng hoạt động.
Những đứa trẻ được sinh ra trên vùng đất IS chiếm đóng
4. Chủ tịch nhóm Bộ trưởng Tài chính khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu Jeroen Dijsselbloem hôm 17/11 cho rằng, các cuộc đàm phán về việc Anh ra khỏi Liên minh châu Âu (Brexit) rất phức tạp và có thể kéo dài hơn so với kế hoạch.
(Ảnh: BBC).
Anh cho biết sẽ kích hoạt điều khoản 50 của Hiệp ước Lisbon vào cuối tháng 3 tới, bắt đầu tiến trình đàm phán dự kiến kéo dài 2 năm, đưa Anh ra khỏi Liên minh châu Âu (Brexit). Tuy nhiên, lập trường của chính phủ Anh liên quan đến các cuộc đàm phán này đang có nhiều bất đồng, mặc dù các nước châu Âu đang kêu gọi Anh sớm đẩy nhanh các cuộc đàm phán.
Truyền thông Anh trong tuần này cho biết, chính phủ hiện vẫn chưa có một chiến lược toàn diện về việc rời khỏi Liên minh châu Âu và có sự chia rẽ trong Nội các của Thủ tướng Anh Theresa May.
5. Tổng thống Philippines Duterte hôm 17/11 cho biết, ông có thể xem xét việc rút khỏi Tòa án Hình sự quốc tế (ICC) ngay sau quyết định của Nga hôm 16/11.
Ông Duterte. Ảnh: Reuters.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký sắc lệnh rút khỏi Quy chế Rome về việc thành lập Tòa án Hình sự Quốc tế sau khi tòa án có trụ sở ở La Hay, Hà Lan này tuyên bố việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea là hành động “xung đột vũ trang” với Ukraine.
Phát biểu trước khi lên đường tham dự Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) tại Lima, Peru, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte cho biết, ông cũng có thể theo chân Nga rút khỏi tòa án này vì những chỉ trích của phương Tây đối với các biện pháp truy quét tội phạm ma túy trong nước./.