Thế giới 24h: Ông Putin được chấp thuận triển khai quân đội ở Syria
VOV.VN- Thượng viện Nga ngày 30/9 đã chấp thuận việc đưa các lực lượng vũ trang ra nước ngoài, trong đó có Syria.
1. Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Nga Sergey Ivanov cho biết, chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al- Assad đã yêu cầu Nga viện trợ quân sự cho lực lượng quân đội nước này.
Thượng viện Nga thông qua việc đưa quân ra nước ngoài hoạt động. Ảnh Sputnik News |
Trước đó cùng ngày, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã yêu cầu Thượng viện chấp thuận việc đưa quân ra nước ngoài.
Cơ quan báo chí Điện Kremlin cho biết: “Chiểu theo Điểm G, Khoản 1, Điều 102 của Hiến pháp Liên bang Nga, Tổng thống Nga Putin đã đệ trình lên Quốc hội Nga yêu cầu chấp thuận việc sử dụng quân đội ở ngoài biên giới đất nước dựa trên các quy định và chuẩn mực của luật pháp quốc tế”.
Dự kiến, Điện Kremlin sẽ công bố thông tin này đến các đối tác và đồng minh của Nga trong ngày 30/9.
2. Truyền thông phương Tây đã so sánh bài phát biểu của hai nhà lãnh đạo trên với nhau và đưa ra kết luận rằng, ưu thế hoàn toàn giành cho Tổng thống Nga Putin với những đánh giá rất tích cực.
Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Mỹ Barack Obama phát biểu tại Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc. Ảnh AP |
Trang CNN nhận định: “Tổng thống Putin đã quay trở lại và giành lấy mọi lời vỗ tay tán thưởng trên diễn đàn quốc tế đáng nhẽ ra phải dành cho Tổng thống Obama”.
Tờ New York Post cũng ca ngợi nhà lãnh đạo Nga là “nguyên thủ quyền lực nhất thế giới” và lấy làm tiếc rằng, ông Putin đã giành lấy vị thế này từ chính ông Obama.
“Cây gậy quyền lực đã được chuyển sang siêu cường mới duy nhất trên thế giới và Tổng thống Nga Putin đã đón nhận”, bài viết trên tờ New York Post nêu rõ.
“Về lâu dài, một nhà lãnh đạo toàn cầu có tính quyết đoán sẽ thể hiện được sự lãnh đạo của mình trong vấn đề Trung Đông nói chung và Syria nói riêng. Thật không may là nhà lãnh đạo đó là Tổng thống Nga Putin chứ không phải Tổng thống Obama”, một bài viết khác cũng trên tờ báo này viết.
Phương Tây đang “xuôi theo ông Putin” trong vấn đề Syria, Ukraine?
3. Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố, để có thể đánh bại được IS, chính quyền của ông Bashar al-Assad phải ra đi.
Tuyên bố trên được ông Obama đưa ra ngày 29/9 trong cuộc họp với lãnh đạo các nước trên thế giới bên lề Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc, để kêu gọi tái lập một liên minh chống khủng bố.
“Để đánh bại IS tại Syria, tôi tin rằng, đất nước này cần một nhà lãnh đạo mới”, ông Obama tuyên bố trước các nhà lãnh đạo tham gia cuộc gặp.
Tổng thống Syria Bashar al- Assad là cái gai trong mắt giới chức Mỹ. Ảnh Reuters |
Cuộc gặp do Mỹ đề xuất đã vấp phải sự phản đối của Nga. Trong khi lãnh đạo 100 quốc gia đích thân tham dự cuộc họp thì Nga chỉ cử đại diện ngoại giao cấp thấp đến.
Tại cuộc họp, ông Obama tuyên bố, Mỹ sẵn sàng hợp tác với Nga và Iran đề “tìm ra một cơ chế chính trị mở ra khả năng chuyển giao quyền lực tại Syria”.
4. Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko ngày 29/9 kêu gọi Liên Hợp Quốc không nên tin tưởng vào thiện chí hòa giải của Nga.
Trước đó một ngày, Tổng thống Nga Putin đã kêu gọi thành lập một liên minh toàn cầu do Liên Hợp Quốc khởi xướng chống lại IS. Cả ông Putin và người đồng cấp Mỹ Barack Obama đều nhất trí hợp tác chống IS, tuy nhiên, hai nhà lãnh đạo vẫn bất đồng sâu sắc về vai trò của Tổng thống Bashar al- Assad.
Tổng thống Ukraine Poroshenko nghi ngờ về thiện chí hòa giải của Tổng thống Nga Putin. Ảnh AFP |
Tổng thống Ukraine Poroshenko đã chỉ trích tuyên bố trên của ông Putin và nêu rõ: “Chúng ta đã được nghe đề xuất hòa giải từ phía Nga, theo đó cần phải thành lập một liên minh chống khủng bố và cảnh báo [về nguy cơ] hỗ trợ cho khủng bố.
Đề xuất này rất hay nhưng lại không đáng tin cậy một chút nào!
“Làm thế nào mà Nga lại có thể lên tiếng kêu gọi thành lập một liên minh chống khủng bố khi mà chính Nga lại đang khuyến khích chủ nghĩa khủng bố ngay trước ngưỡng cửa của nước này?
Làm sao Nga có thể nói về hòa bình và tính hợp pháp khi mà chính sách của Nga biến chính quyền các nước khác thành con rối của mình?
Làm sao Nga có thể nói về quyền tự do cho mỗi quốc gia khi mà Nga trừng phạt nước láng giềng vì lựa chọn của nước đó. Làm sao Nga có thể đòi hỏi sự tôn trọng của các nước khác nếu không tôn trọng chính nước đó”.
5. Con số 2.000 người chết trong vụ giẫm đạp ở Saudi Arabia đang bị hoài nghi khi Pakistan nói rằng Saudi Arabia công bố tới 1.100 bức ảnh người thiệt mạng.
Nhà chức trách Pakistan ngày 29/9 cho biết Đại sứ quán nước này tại Jeddad ở Saudi Arabia vừa được nhà chức trách Saudi Arabia cung cấp 1.100 bức ảnh của những người thiệt mạng trong thảm họa giẫm đạp Hajj ngày 24/9.
Hiện trường vụ dẫm đạp kinh hoàng tại Mecca ngày 24/9. Ảnh Reuters |
Đây là con số về người thiệt mạng cao hơn nhiều báo cáo thương vong do nhà chức trách Saudi Arabia công bố trước đó.
Phát biểu tại một cuộc họp báo ở thủ đô Islamabad, ông Phazal Chaudry, người phụ trách về tìm kiếm công dân hành hương gặp nạn nói rằng, Đại sứ quán Pakistan tại Saudi Arabia đang lưu giữ hơn 1.000 bức ảnh người hành hương thiệt mạng và sẵn sàng cung cấp cho bất cứ ai muốn tìm kiếm người thân hoặc xác định danh tính nạn nhân…/.