Thế giới 24h: Sau vụ đảo chính, quan hệ Mỹ- Thổ Nhĩ Kỳ rạn nứt?
VOV.VN - Mỹ lên tiếng cảnh báo, những phát biểu ám chỉ Mỹ liên quan đến vụ đảo chính ở Thổ Nhĩ Kỳ là "sai lầm và sẽ gây tổn hại cho mối quan hệ giữa 2 nước".
1. Ngày 16/7, một nguồn tin dẫn lời Bộ trưởng Lao động Thổ Nhĩ Kỳ Suleyman Soylu ám chỉ Mỹ đứng sau vụ đảo chính tại Thổ Nhĩ Kỳ. Đáp lại, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho biết: “Tôi đã nói chuyện trực tiếp Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu vào đêm 16/7, trong thời điểm mà mọi thứ ở Thổ Nhĩ Kỳ vẫn còn chưa chắc chắn. Nhưng chúng tôi đã thể hiện niềm tin của chúng tôi vào chính phủ hợp pháp của Thổ Nhĩ Kỳ và sẵn sàng cung cấp sự hỗ trợ cho chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành cuộc điều tra về vụ âm mưu đảo chính”.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (Ảnh: KT). |
Ông Kerry cũng đồng thời cảnh báo rằng những cáo buộc hoặc những phát biểu ám chỉ Mỹ liên quan đến vụ đảo chính trên là "hoàn toàn sai và sẽ gây tổn hại cho mối quan hệ giữa hai nước".
Trong diễn biến liên quan, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan ngày 16/7 kêu gọi Tổng thống Mỹ Barack Obama trục xuất hay giao nộp cho nước này giáo sĩ Hồi giáo Fethulla Gulen, người được cho là chỉ đạo vụ đảo chính bất thành vừa qua.
Ông Kerry tuyên bố Mỹ sẵn sàng tiếp nhận bất kỳ bằng chứng hợp pháp nào cho thấy Giáo sĩ Gulen, người đang sống lưu vong tại bang Pennsylvania (Mỹ) đứng đằng sau vụ đảo chính đó. Mỹ sẽ ủng hộ các nỗ lực hợp pháp để giúp Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ nếu có yêu cầu.
Các nước Trung-Đông Âu tìm cách bảo vệ công dân tại Thổ Nhĩ Kỳ
Ngoại trưởng Kerry nhấn mạnh rằng, mọi việc cần phải được giải quyết một cách bình tĩnh, thận trọng để đối phó những âm mưu lật đổ chính quyền. Ngoại trưởng Kerry nhắc lại sự ủng hộ của Mỹ đối với chính phủ được bầu của Tổng thống Tayyip Erdogan
Phát biểu trước đám đông người biểu tình phản đối đảo chính ở bên ngoài Dinh thự Tổng thống, ông Erdogan nói: “Tôi đồng thời nhắc lại rằng nếu Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ còn là đối tác thân cận của nhau, thì hãy thực hiện theo yêu cầu của đối tác. Bởi vì chúng tôi đã đang cung cấp cho nước Mỹ bất cứ tên khủng bố nào mà họ muốn".
Được biết, số người chết sau vụ đảo chính gây rúng động ở Thổ Nhĩ Kỳ tối 15/7 đã lên đến 265 người và hơn 1.000 người bị thương.
Thổ Nhĩ Kỳ ngập màu “cờ đỏ” trong cuộc biểu tình sau vụ đảo chính
2. Nỗi lo đảo chính đã lan từ Thổ Nhĩ Kỳ sang Armenia - đất nước láng giềng nằm ở phía đông của Thổ Nhĩ Kỳ khi một nhóm các tay súng lạ mặt đột ngột tấn công trụ sở cảnh sát ở Yerevan, Armenia, đồng thời bắt giữ cảnh sát trưởng làm con tin.
Người dân ở các tòa nhà xung quanh đang được sơ tán nhanh chóng khỏi hiện trường vụ xả súng. (ảnh: RT).
Theo các phương tiện truyền thông địa phương, 1 người đã bị chết và nhiều người khác bị thương khi vụ việc xảy ra. Vụ tấn công bất ngờ này được cho là nhằm yêu cầu chính phủ thả tự do cho một thủ lĩnh phe đối lập Armenia, Jirair Sefilyan- người từng tuyên bố rằng muốn thay đổi mọi thứ ở Armenia bằng một cuộc nổi dậy vũ trang.
Quân đội Armenia đã được cử đến phong tỏa trụ sở cảnh sát, nơi xảy ra vụ xả súng. Người đứng đầu lực lượng an ninh của đất nước, Vladimir Gasparyan, cũng đã có mặt tại hiện trường. Đại diện của các cơ quan chức năng đã tiến hành đàm phán với những kẻ tấn công, theo tuyên bố chính thức từ cơ quan an ninh Armenia.
Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ: Cuộc đảo chính là “vết đen của nền dân chủ“
3. Bộ Quốc phòng Mỹ ngày 16/7 cho biết, lực lượng liên quân quốc tế vừa tạm dừng các cuộc không kích chống IS ở Syria và Iraq, từ căn cứ Incirlik.
Thông báo trên được đưa ra sau khi chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ áp dụng quy chế an ninh đặc biệt tại căn cứ Không quân Incirlik nhằm đảm bảo an ninh sau cuộc đảo chính ngày 15/7 vừa qua. Theo đó, chính quyền địa phương sẽ từ chối các hoạt động cất cánh và hạ cánh tại căn cứ không quân này, cùng với đó nguồn điện cũng bị cắt.
Căn cứ Không quân Incirlik. Ảnh Reuters. |
Theo người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ Peter Cook, mặc dù các hoạt động chống IS từ căn cứ Incirlik không bị ảnh hưởng bởi cuộc đảo chính ở Thổ Nhĩ Kỳ song việc đóng cửa không phận và đình chỉ các hoạt động tại căn cứ này đã làm thay đổi chiến dịch chống IS của Liên quân quốc tế do Mỹ dẫn đầu.
Mặc dù vậy, theo ông Peter Cook, các cuộc không kích IS tại Syria và Iraq vẫn tiếp tục được tiến hành nhưng có thể được khởi động từ các địa điểm khác. Hiện giới chức quân sự Mỹ đang làm việc với đối tác Thổ Nhĩ Kỳ để có thể nối lại càng sớm càng tốt các hoạt động không kích IS.
4. Ngày 16/7, tại Trụ sở Bộ Ngoại giao Lào ở thủ đô Vientiane đã diễn ra cuộc họp báo, trong đó ngoài việc công bố về công tác chuẩn bị cho Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN lần thứ 49 và các hội nghị liên quan, phía Lào còn công bố quan điểm của nước này về vấn đề Biển Đông.
Quyền Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Lào Bounnem Chuonghom trong cuộc họp báo. |
Trong cuộc họp báo, quyền Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Lào Bounnem Chuonghom cho biết: “CHDCND Lào theo dõi sát sao tình hình Biển Đông bởi đây là khu vực quan trọng và nhạy cảm. CHDCND Lào hài lòng ghi nhận những tiến triển đạt được trong việc tổ chức thực hiện Tuyên bố ứng xử của các bên tại Biển Đông (DOC), bao gồm cả việc tham vấn về Bộ Nguyên tắc ứng xử (COC) và nhấn mạnh tới tầm quan trọng của việc tiếp tục thúc đẩy tiến trình này. CHDCND Lào kêu gọi các bên liên quan tiếp tục kiềm chế và thảo luận nhằm giải quyết các tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình”. Tướng Lê Văn Cương: ASEAN cần tận dụng sức mạnh từ phán quyết PCA
5. Bộ Thống nhất Hàn Quốc ngày 16/7 yêu cầu Triều Tiên cho hồi hương công dân Hàn Quốc Ko Hyon-chol (53 tuổi), bác bỏ cáo buộc của Bình Nhưỡng khi cho rằng ông Ko Hyon-chol tham gia vào âm mưu bắt cóc trẻ em Triều Tiên theo lệnh của tình báo Hàn Quốc.
(Hình minh họa: ITN). |
Phía Hàn Quốc cho rằng Triều Tiên đang sử dụng ông Ko Hyon-chol cho các mục đích tuyên truyền của mình. Ông Ko Hyon-chol bỏ trốn khỏi Triều Tiên hồi tháng 1/2013, ở Trung Quốc khoảng 1 năm trước khi tới Hàn Quốc năm 2014 qua ngả Lào và Thái Lan.
Theo hãng tin AFP của Pháp, trong cuộc họp báo tổ chức hôm 15/7 vừa qua tại Bình Nhưỡng, ông Ko Hyon-chol thú nhận đã tìm cách bắt cóc hai cô bé Triều Tiên mồ côi 8 và 9 tuổi để đưa sang Hàn Quốc.
6. Ngày 16/7 nước Pháp bắt đầu tổ chức 3 ngày quốc tang tưởng nhớ 84 người thiệt mạng vụ khủng bố kinh hoàng ở thành phố Nice. Toàn bộ các tòa nhà, công sở ở Pháp đồng loạt treo cờ rủ; tất cả các hoạt động vui chơi giải trí ngừng hoạt động. Nhiều điểm du lịch nổi tiếng ở Pháp cũng tạm thời đóng cửa. Trong khi an ninh tiếp tục được tăng cường tại khu vực tập trung đông người.
Người dân Pháp đặt hoa và gấu bông ngày 16/7 để tưởng niệm các nạn nhân vụ khủng bố tại Nice. (ảnh: Reuters). |
Dọc đại lộ ven bờ biển Promenade des Anglais ở thành phố miền nam Nice, mọi người lặng lẽ rải nhiều hoa, đồ chơi, tranh ảnh, thắp nến, dành những phút mặc niệm để tưởng nhớ và cầu nguyện cho các nạn nhân xấu số đã thiệt mạng.
Vụ khủng bố xảy ra ngay trong ngày Quốc khánh 14/7 của nước Pháp tại thành phố Nice khi mọi người đổ ra đường chúc mừng, chờ xem bắn pháo hoa. Một chiếc xe tải tử thần của kẻ khủng bố mang theo vũ khí đã lao thẳng vào đám đông và xả súng điên cuồng. Vụ khủng bố làm 84 người thiệt mạng, trong đó có 10 em nhỏ./. Vì sao nước Pháp là tâm điểm khủng bố?
Pháp: Các nhà lãnh đạo kêu gọi đoàn kết sau vụ khủng bố