Thế giới 24h: Syria có thể bị trừng phạt vì sử dụng vũ khí hóa học?
VOV.VN - Liên Hợp Quốc và Tổ chức Cấm vũ khí hóa học (OPCW) cáo buộc quân Chính phủ Syria là thủ phạm sử dụng vũ khí hóa học trong các cuộc tấn công.
1. Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc ngày 30/8 bắt đầu thảo luận về việc có thể áp đặt các lệnh trừng phạt đối với cá nhân hoặc thể chế tại Syria vì liên quan đến 2 vụ tấn công bằng khí Clo nhằm vào dân thường thời gian gần đây.
Một vụ tấn công nhằm vào thường dân ở Aleppo (Syria). Ảnh: AP
Liên Hợp Quốc và Tổ chức Cấm vũ khí hóa học (OPCW) cáo buộc quân đội Chính phủ Syria là thủ phạm những vụ tấn công đó. Cuộc điều tra chung của 2 cơ quan này cũng cho thấy tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã sử dụng khí sulfur cay ở Syria.
Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Samantha Power đã kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc hành động nhanh chóng để chứng tỏ rằng, khi đưa ra Cơ chế điều tra chung, các bên rất nghiêm túc trong việc quy trách nhiệm cụ thể.
Trong khi đó, Đại sứ Anh Matthew Rycroft khẳng định, 3 nước Anh, Pháp Mỹ đang tìm kiếm một lệnh trừng phạt Chính phủ Syria theo cơ chế quốc tế.
Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Vitaly Churkin cho biết, ông sẵn sàng thảo luận và hợp tác với các nước trong Hội đồng bảo an về vấn đề này song trước tiên các nước đưa ra cáo buộc nhằm vào chính quyền Syria cần phải chia sẻ những phân tích về báo cáo tình hình sự dụng vũ khí hóa học “khá phức tạp” ở Syria trong thời gian qua.
Nga nghi ngờ báo cáo cáo buộc Chính phủ Syria sử dụng vũ khí hóa học
2. Mỹ và Ấn Độ vừa nhất trí sẽ tăng cường hợp tác chống khủng bố bằng cách mở rộng việc chia sẻ thông tin tình báo về những đối tượng cực đoan.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và người đồng cấp Ấn Độ Sushma Swaraj. Ảnh: AP |
Phát biểu sau cuộc đối thoại Thương mại và Chiến lược hàng năm lần thứ 2 giữa Mỹ và Ấn Độ tại New Delhi ngày 30/8, Ngoại trưởng 2 nước đã nhất trí làm mới những cam kết về truy lùng và xét xử thủ phạm các vụ tấn công khủng bố, bao gồm vụ tấn công ở Mumbai năm 2008 làm 172 người thiệt mạng và vụ tấn công căn cứ không quân Pathankot hồi đầu năm nay mà phía phía Ấn Độ cho rằng có liên hệ với các nhóm phiến quân Pakistan.
Quan chức 2 nước nhấn mạnh tầm quan trọng của việc Pakistan ngăn chặn các nhóm khủng bố biến nước này trở thành “thiên đường an toàn” để tấn công sang các nước láng giềng.
Ngoài ra, Mỹ và Ấn Độ đã ký một thỏa thuận đối phó với các cuộc tấn công mạng cũng như tái khẳng định cam kết thúc đẩy hợp tác phòng chống biến đổi khí hậu và phát triển năng lượng sạch, trong đó có việc thúc đẩy xây dựng 6 lò phản ứng hạt nhân tại Ấn Độ.
JetBlue thực hiện chuyến bay thương mại đầu tiên giữa Mỹ và Cuba
3. Ngày 31/8, Hội nghị hòa bình các dân tộc tại Myanmar sẽ khai mạc ở Thủ đô Naypyidaw, với sự tham dự của 1.800 đại biểu của các cơ quan chính phủ, phe phái chính trị, nhóm vũ trang địa phương, cùng các nhà quan sát của Liên Hợp Quốc, các tổ chức quốc tế và đại diện ngoại giao các nước.
Cố vấn Nhà nước Myanmar Aung San Suu Kyi (áo vàng) tại Đại hội. Ảnh: AP |
Hội nghị hòa bình lần này với tên gọi Hội nghị Panglong thế kỷ 21 sẽ kéo dài 5 ngày và có sự tham gia của nhiều nhóm sắc tộc vũ trang nhằm tìm ra giải pháp để chấm dứt cuộc xung đột kéo dài gần 70 năm qua tại nước này.
Tại Hội nghị lần này, Chính phủ Myanmar và các nhóm sắc tộc vũ trang sẽ thảo luận một phương án cho phép người dân và các dân tộc sống tại các bang Shan, Wa và Kachin có thể có quyền tự quyết. Các nhà phân tích cho rằng việc trao quyền cho các nhóm này sẽ giúp chấm dứt xung đột, gây dựng hòa bình và tạo nền tảng cho sự phát triển kinh tế.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon sẽ tham dự Hội nghị hòa bình Liên bang Myanmar. Đây được xem là động thái hỗ trợ nỗ lực của Cố vấn Nhà nước Myanmar Aung San Suu Kyi nhằm chấm dứt xung đột kéo dài nhiều thập kỷ ở nước này.
Trong một thông điệp gửi trước thềm Hội nghị, Tổng Thư ký Ban Ki-moon cho biết: “Hội nghị Panglong thế kỷ 21 là một bước đầu tiên đầy hứa hẹn. Tôi xin chúc mừng tất cả những người tham gia hội nghị này vì sự kiên nhẫn, lòng quyết tâm và tinh thần của sự thỏa hiệp”.
4. Cơ quan chức năng Singapore và Indonesia vừa ban hành các biện pháp khẩn cấp tăng cường phòng chống virus Zika. Các biện pháp trên được đưa ra sau khi Singapore phát hiện thêm 26 trường hợp lây nhiễm loại virus bị cho là nguyên nhân gây ra các khuyết tật về não cho thai nhi.
Các nhân viên môi trường Singapore phun thuốc phòng ngừa virus Zika lây lan tại một khu dân cư. Ảnh: AFP |
Trung tâm Kiểm soát và phòng chống dịch bệnh Mỹ (CDC) vừa đưa Singapore vào danh sách tạm thời các nước cần hướng dẫn khi đi lại, trong đó lưu ý công dân Mỹ phải tự bảo vệ khỏi nguy cơ bị muỗi đốt hay các con đường khác lây truyền virus Zika.
Quan chức Singapore ngày 30/8 đến thăm những phụ nữ mang thai sống ở khu vực bị ảnh hưởng bởi virus Zika nhằm chia sẻ thông tin và giúp họ phòng ngừa bệnh trong bối cảnh các cơ quan y tế đang dốc toàn lực kiểm soát dịch bệnh.
Nghị sỹ Singapore Tin Pei Ling cho biết: “Tôi nghĩ phụ nữ nói chung và đặc biệt là phụ nữ mang thai mà tôi đã gặp đều lo ngại về tình hình hiện nay. Một mặt họ rất lo lắng cho thai nhi, mặt khác, tôi cho rằng họ khá bình tĩnh và cố gắng thu thập mọi thông tin để phòng tránh. Chúng tôi cũng hy vọng có thể cung cấp cho họ nhiều thông tin hơn nữa”.
Đến nay Singapore đã ghi nhận 82 trường hợp nhiễm virus Zika, trong đó có 5 trường hợp được phát hiện ở ngoài khi vực Aljunied, nơi tập trung tất cả những ca nhiễm virus trước đó.
Mỹ và Hàn Quốc ban hành cảnh báo đi lại tới Singapo do dịch Zika
5. Ngày 30/8, Mỹ đã tiến hành không kích nhằm vào một trong những thủ lĩnh lâu năm nhất của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng Abu Muhammad al-Adnani. Tuyên bố này được đưa ra sau khi IS thông báo Adnani đã thiệt mạng khi khảo sát chiến địa ở Syria.
Tên Abu Muhammad al-Adnani. Ảnh Reuters |
Các quan chức Mỹ cho biết, không quân nước này nhằm vào xe chở Adnani đi qua thị trấn Al Bab ở Aleppo, Syria. Tuy nhiên, phía Mỹ chưa kết luận Adnani đã chết. Cơ quan thông tấn của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng Amaq thì khẳng định, “người phát ngôn” Adnani đã chết tại Aleppo.
Là người đứng đầu các chiến dịch ở bên ngoài, Adnani chịu trách nhiệm về các vụ tấn công của IS nhằm vào Mỹ và phương Tây. Chiến thuật này trở thành một trong những mũi tấn công chủ lực của IS sau khi nhóm này bị không kích của liên quân quốc tế và buộc phải rút khỏi phần lớn diện tích lãnh thổ chiếm được ở Iraq và Syria./.