Thế giới 24h: Syria oanh kích lực lượng người Kurd, Mỹ ra sức bảo vệ
VOV.VN - Trong khi quân đội Syria đang tăng cường các cuộc tấn công nhằm vào người Kurd thì Mỹ lại ra sức bảo vệ lực lượng được coi là đồng minh này.
1. Các máy bay của quân đội Syria ngày 20/8 tiếp tục oanh kích các mục tiêu là lực lượng người Kurd được Mỹ bảo trợ tại Đông Bắc Syria.
Một nhóm các binh sĩ quân đội Syria. Ảnh: Reuters |
Cuộc không kích của quân đội Syria diễn ra trong bối cảnh liên quân do Mỹ đứng đầu đang triển khai máy bay để bảo vệ các cố vấn quân sự Mỹ trên mặt đất. Điều này đang tạo nguy cơ bùng nổ một cuộc chiến tranh đa chiều giữa các bên tại Syria.
Quân đội Syria cho biết, cuộc giao tranh tại thành phố Hasaka, Đông Bắc Syria giữa quân đội với lực lượng dân quân người Kurd bắt nguồn từ việc lực lượng này tìm cách chiếm đóng thành phố.
Các lực lượng người Kurd đã bao vây Hasaka và gây thương vong cho dân thường cũng như quân đội bằng pháo kích. Tuyên bố nêu rõ động thái giáng trả của quân đội Syria là "thích đáng", đồng thời cảnh báo bất cứ cuộc tấn công mới nào cũng sẽ bị đáp trả bằng vũ lực.
Trong khi đó, các máy bay chiến đấu của quân đội liên minh do Mỹ dẫn đầu liên tục tuần tra bảo vệ các khu vực xung quanh Hasaka, để ngăn chặn máy bay Syria tấn công lực lượng đặc biệt của Mỹ đang phối hợp hoạt động với đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG)-một đồng minh chủ chốt của Mỹ trong cuộc chiến chống IS tại Syria.
Theo Người phát ngôn Lầu Năm Góc Jeff Davis, việc này "nhằm bảo vệ lực lượng liên minh". Ông Davis cho biết, lực lượng liên quân của Mỹ trên mặt đất đã cố liên lạc với máy bay Syria trong vụ việc trên, song không nhận được phản hồi.
Thổ Nhĩ Kỳ sẽ đóng vai trò tích cực hơn trong giải quyết vấn đề Syria
2. Tối 20/8, một cuộc tấn công khủng bố nhằm vào một đám cưới tại Thổ Nhĩ Kỳ khiến ít nhất 30 người thiệt mạng và gần 100 người khác bị thương.
Các nhà chức trách Thổ Nhĩ Kỳ nghi ngờ vụ đánh bom này do tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) thực hiện.
Khung cảnh tan hoang sau vụ đánh bom ở Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: AP |
Phát biểu trên truyền hình NTV, Tỉnh trưởng Gaziantep, ông Ali Yerlikaya cho rằng, vụ tấn công xảy ra vào lúc 22h40 (theo giờ địa phương), ở một hội trường đám cưới tại Quận Sanhibey ở trung tâm thành phố là "một vụ tấn công khủng bố”.
Ông Yerlikaya cũng bày tỏ lời chia buồn đến gia đình các nạn nhân có người thiệt mạng: “Chúng tôi bày tỏ lòng thương xót đối với những người thiệt mạng trong cuộc tấn công tàn nhần này và cầu mong những người bị thương hồi phục nhanh chóng. Chúng tôi cũng lên án những kẻ thực hiện vụ tấn công tàn bạo này”.
Cũng phát biểu trên Kênh Truyền hình NTV, Phó Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Mehmet Simsek cho rằng, vụ đánh bom nhằm vào đám cưới là cực kỳ dã man và nhiều khả năng đây là một vụ đánh bom liều chết.
Để trấn an người dân, hiện các nhà chức trách Thổ Nhĩ Kỳ tạm dừng đưa tin về cuộc tấn công “man rợ” ở Gaziantep gần biên giới với Syria.
Cơ quan quản lý truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ (RTUK) cho rằng, biện pháp này nhằm tránh việc lan truyền "sự lo sợ trong cộng đồng có thể dẫn đến sự hoang mang và hỗn loạn".
Đánh bom đám cưới ở Thổ Nhĩ Kỳ: 22 người chết, 100 người bị thương
3. Hãng Thông tấn KCNA của Triều Tiên ngày 20/8 tuyên bố lên án cuộc tập trận pháo binh có quy mô lớn nhất từ trước tới nay của quân đội Hàn Quốc, coi đây là hành động khiêu khích nguy hiểm đe dọa nền hòa bình trong khu vực.
Một cuộc tập trận pháo binh của Hàn Quốc. Ảnh Yonhap
Theo KCNA, cuộc tập trận được tiến hành dọc theo khu phi quân sự chia cắt hai miền Triều Tiên từ ngày 18/8 với sự tham gia của 300 khẩu pháo thuộc 49 tiểu đoàn pháo binh Hàn Quốc là một thách thức không thể chấp nhận được đối với Triều Tiên.
Bài viết này còn đề cập vụ đấu pháo căng thẳng giữa hai bên hồi năm ngoái, đồng thời cảnh báo cuộc tập trận mới nhất này của Hàn Quốc sẽ dẫn đến những hậu quả trực tiếp.
Về phía Hàn Quốc, nước này và Mỹ cũng lên án gay gắt tuyên bố nối lại hoạt động sản xuất plutoni của Triều Tiên, một chất phóng xạ được sử dụng trong quy trình sản xuất vũ khí hạt nhân. Mỹ và Hàn Quốc cho rằng đây là hành động vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Mark Toner kêu gọi Triều Tiên tránh làm trầm trọng thêm căng thẳng trong khu vực và thực hiện các nghĩa vụ quốc tế về phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên: “Tôi đã nghe các báo cáo về việc này, tuy nhiên, chúng tôi chưa thể xác minh được thông tin.
Nếu đúng, thì rõ ràng Triều Tiên đã vi phạm rõ ràng nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và làm trái với các nghĩa vụ quốc tế. Chúng tôi kêu gọi Triều Tiên kiềm chế hành động làm tăng căng thẳng khu vực và có các bước đi cụ thể để thực hiện hiện các nghĩa vụ quốc tế của mình”.
Trong khi đó, Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Hàn Quốc Moon Sang Gyun cho biết, nước này có kế hoạch tham vấn chặt chẽ với các nước cũng như các tổ chức quốc tế về cách ứng phó với việc Triều Tiên nối lại hoạt động sản xuất plutoni.
4. Ngày 20/8, Bộ Quốc phòng Mỹ đã lên tiếng bác bỏ những lo ngại của Ukraine về một mối đe dọa sắp xảy ra dọc theo biên giới giữa Ukraine với Nga.
Binh sĩ Ukraine tại khu vực biên giới với Nga. Ảnh: AP |
Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Mỹ Jeff Davis cho biết, theo thông tin tình báo của Mỹ thì không có dấu hiệu nào cho thấy Nga đang triển khai một số lượng lớn binh sĩ đến khu vực biên giới với Ukraine. Vì thế, Mỹ loại trừ khả năng về một cuộc tấn công của Nga như những gì chính quyền Kiev lo ngại.
Ông Jeff Davis khẳng định, Mỹ sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình tại những khu vực điểm nóng này. Bộ Quốc phòng Mỹ ngày càng quan ngại về sự leo thang căng thẳng gần đây giữa Ukraine và Nga, liên quan đến vấn đề Crimea.
Trước đó ngày 18/8, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko cảnh báo về “một cuộc tấn công toàn diện của Nga” và rằng trong trường hợp khu vực miền Đông Ukraine tiếp tục trở nên tồi tệ thì Kiev sẽ tính đến khả năng áp đặt thiết quân luật.
Trong khi đó, phát biểu trong chuyến thăm bán đảo Crimea một ngày sau đó, Tổng thống Putin khẳng định rằng Nga không có ý định phá vỡ mối quan hệ với quốc gia láng giềng Ukraine.
Nga sẽ chuyển giao đầy đủ cho Iran “rồng lửa” S-300 trong 1 tháng nữa
5. Chỉ vài giờ sau khi Taliban chiếm được huyện Khan Abat ở phía Bắc tỉnh Kunduz, quân đội Afghanistan đã giành lại được khu vực chiến lược này.
Phát biểu với báo giới sau khi lực lượng an ninh Afghanistan tuyên bố đẩy lui được các tay súng Taliban khỏi huyện Khan Abat - khu vực kết nối giữa tỉnh Kunduz với phía Bắc tỉnh Takhar, Chỉ huy Lực lượng an ninh tác chiến Zemarai Paikan ngày 20/8 cho biết: “Những lực lượng nòng cốt như lính biệt kích, lực lượng phản ứng nhanh cùng sự hỗ trợ của các quân đoàn chủ lực đã đến tỉnh Kunduz và đã giành lại được huyện Khan Abat.
Ngoài ra, chúng tôi còn nhận được sự trợ giúp từ trên không của Lực lượng hỗ trợ an ninh quốc tế của NATO. Họ đảm bảo với chúng tôi sẽ cung cấp hơn nữa cho các lực lượng chúng tôi trong cuộc chiến chống Taliban”.
Trước đó cùng ngày, giới chức tỉnh Khan Abat xác nhận sau nhiều giờ giao tranh trước bình minh, phiến quân Taliban đã giành được quyền kiểm soát huyện chiến lược Kunduz, miền Bắc Afghanistan.
Nguyên nhân được cho là quân chính phủ bị thiếu vũ khí và nguồn lực. Giao tranh sau đó còn nổ ra dữ dội tai nhiều quận, huyện khác ở Kunduz khiến hàng nghìn người dân phải bỏ nhà đi sơ tán.
Pakistan đóng cửa biên giới với Afghanistan