Thế giới 24h: Ted Cruz rút lui- bước ngoặt trong bầu cử Tổng thống Mỹ
VOV.VN - Cuộc đua vào vị trí ứng cử viên Tổng thống Mỹ của đảng Cộng hòa coi như đã ngã ngũ với tuyên bố rút lui của Thượng nghị sỹ Ted Cruz.
1. Lời tuyên bố rút lui của ông Ted Cruz đưa ra sau thất bại trước tỷ phú Donald Trump trong cuộc bầu cử sơ bộ tại bang Indiana vào sáng 4/5 (theo giờ Việt Nam). Trong khi đó, ứng cử viên đảng Dân chủ Bernie Sanders tiếp tục bám đuổi cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton cũng với chiến thắng tại bang trên.
Lời tuyên bố rút lui của ông Ted Cruz đưa ra sau thất bại trước tỷ phú Donald Trump trong cuộc bầu cử sơ bộ tại bang Indiana. (ảnh: AP). |
Với tuyên bố bỏ cuộc của ứng cử viên số 2 Ted Cruz, tỷ phú Donald Trump về lý thuyết sẽ trở thành ứng cử viên chính thức của đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào mùa thu tới, khi ứng cử viên còn lại John Kasich mới chỉ kiếm được duy nhất 1 chiến thắng với chưa tới 10% phiếu đại biểu cho đến nay.
Còn thua đối thủ Donald Trump tới gần một nửa số phiếu đại biểu cho đến trước ngày bầu cử sơ bộ tại Indiana, một chiến thắng tại bang này là điều tối cần thiết đối với Thượng nghị sỹ Ted Cruz để có thể tiếp tục nuôi hy vọng. Nhưng cuối cùng thì chính Donald Trump mới là người giành được lá phiếu của những nhóm cử tri vốn luôn trung thành với Thượng nghị sỹ đại diện cho bang Texas. Bầu cử Mỹ: Ted Cruz bỏ cuộc, ai sẽ là đối thủ của tỷ phú Donald Trump?
2. Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc tổ chức một phiên họp khẩn cấp trong ngày 4/5 để thảo luận về khủng hoảng tại thành phố Aleppo, Syria. Phiên họp diễn ra trong bối cảnh giao tranh tại khu vực này đang gây cản trở các nỗ lực quốc tế nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng tại Syria.
|
Trước đó, phát biểu sau cuộc gặp với Đặc phái viên Liên Hợp Quốc tại Syria Staffan de Mistura ở thủ đô Moscow, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết, các nỗ lực vẫn đang được thực hiện để thúc đẩy lệnh ngừng bắn tại Aleppo.
Ông Sergei Lavrov cũng bày tỏ hy vọng, lệnh ngừng bắn sẽ được tuyên bố tại Aleppo trong thời gian sớm nhất. Đàm phán hòa bình cho Syria liệu có lại chết yểu?
3. Khoảng 100.000 người dân tại thành phố Fort McMurray, thuộc tỉnh Alberta, miền bắc Canada, đã phải đi sơ tán sau khi 1 đám cháy rừng lan rộng ra.
Cháy rừng tại tỉnh Alberta, Canada khiến 100.000 người dân phải sơ tán. (ảnh: CBCNews/Reuters). |
Cháy rừng đã khiến nhiều trạm xăng dầu phát nổ, thiêu rụi nhiều ngôi nhà và bao phủ thành phố Fort McMurray trong làn khói dày đặc.
Chính quyền tỉnh Alberta đã kêu gọi tăng cường các nỗ lực hỗ trợ, trong đó có việc triển khai thêm 100 lính cứu hỏa và một máy bay trực thăng chở nước đến dập tắt đám cháy.
Đám cháy bùng phát tại khu vực phía nam thành phố Fort McMurray ngày 2/5 vừa qua đã nhanh chóng lan rộng do ảnh hưởng của gió và tình trạng hạn hán xảy ra tại Alberta. Trước tình hình này, Thủ tướng Canada Justin Trudeau tuyên bố sẽ tiến hành hỗ trợ người dân tại khu vực xảy ra cháy rừng.
4. Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ vừa mới thông báo, một vụ đánh bom khủng bố đã xảy ra vào sáng 4/5, nhằm vào một căn cứ quân sự tại miền Đông Nam nước này. Vụ đánh bom khủng bố nói trên đã khiến ít nhất 1 binh sỹ thiệt mạng và 5 người khác bị thương.
Một vụ đánh bom khủng bố ở Thổ Nhĩ Kỳ. (hình minh họa: AFP). |
Vụ đánh bom xảy ra vào sáng 5/4 theo giờ địa phương, nhằm vào một căn cứ quân sự tại khu vực Derek, tỉnh Mardin - khu vực biên giới tiếp giáp với Syria.
Cũng trong ngày 4/5, hãng tin Reuter đưa tin, ít nhất 42 tay súng Đảng Công nhân người Kurd (PKK) đã thiệt mạng trong các đợt không kích của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tại các khu vực Đông Nam nước này và miền Bắc của Iraq trong 2 ngày vừa qua. Sau vụ đánh bom ở Ankara, thách thức nào chờ đợi Thổ Nhĩ Kỳ?
5. Các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) có thể bị phạt nếu từ chối tiếp nhận người nhập cư. Đây là một phần trong kế hoạch của Ủy ban châu Âu (EC) trong việc giải quyết bài toán về người nhập cư.
Người di cư đặt chân đến Hy Lạp sau hành trình bão tố từ Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh AP. |
Theo kế hoạch, Ủy ban châu Âu ngày 4/5 sẽ công bố các đề xuất xử phạt các nước thành viên trong khối từ chối tiếp nhận người nhập cư. Mức phạt sẽ được tính theo mỗi người xin tị nạn tại các nước này.
Hãng tin AP cho biết mức phạt này lên tới 250.000 euro (khoảng 287.300 USD) cho mỗi người nhập cư bị chối.
Các luật hiện nay của EU quy định người nhập cư phải xin tị nạn tại nước đầu tiên mà họ đặt chân tới. Song quy định này sẽ khiến các nước đầu tuyến tiếp nhận người di cư ở châu Âu và Hy Lạp bị quá tải. Trong khi đó, nhiều nước không đồng tình với quy chế phân bổ người nhập cư của EU. Khủng hoảng nhập cư đe dọa Schengen: “Quýt làm cam chịu”?
6. Ngày 3/5, 1 bé gái 6 tháng tuổi đã được cứu sống sau 4 ngày bị mắc kẹt dưới đống đổ nát của tòa nhà bị sập ở thủ đô Nairobi, Kenya.
Lực lượng cứu hộ tìm thấy cô bé Dealeryn Saisi trong chiếc nôi của em. Cô bé chỉ bị phủ kín bụi và không hề bị thương.
Bé gái 6 tháng tuổi đã được cứu sống sau 4 ngày bị mắc kẹt dưới đống đổ nát của tòa nhà bị sập ở thủ đô Nairobi, Kenya. (ảnh: Reuters). |
Dealeryn Saisi đã được trao lại cho cha mình, trong khi đó, mẹ của cô bé nằm trong số 23 người thiệt mạng trong căn nhà 6 tầng bị sập đêm 29/4 vừa qua.
Tòa nhà tại thủ đô Nairobi của Kenya bị sập sau khi mưa lớn kéo dài nhiều ngày và gây lũ lụt nghiêm trọng. Có khoảng 150 hộ gia đình sinh sống trong tòa nhà bị sập này.
Nhà chức trách Kenya cho biết, đến nay đã có ít nhất 23 người thiệt mạng và hơn 90 người khác vẫn đang mất tích./. Sập tòa nhà 6 tầng ở thủ đô Nairobi của Kenya gây thương vong