Thế giới 24h: Thỏa thuận EU-Ukraine bị từ chối, châu Âu sẽ tan rã?
VOV.VN - Việc thỏa thuận EU-Ukraine bị cử tri Hà Lan bị từ chối khiến châu Âu đang phải “nín thở” lo ngại xu hướng ly khai có thể khiến cho khối tan rã.
1. Giới chức Hà Lan đã chính thức xác nhận tính hợp pháp của cuộc trưng cầu ý dân ở nước này về Thỏa thuận Liên kết giữa Liên minh châu Âu (EU) với Ukraine ngày 6/4, trong đó đa số cử tri Hà Lan đã nói "không" với thỏa thuận này.
Thất bại trong cuộc trưng cầu dân ý tại Hà Lan về thỏa thuận EU-Ukraine khiến EU ngày càng lo ngại về khả năng xảy ra ly khai trong khối. Ảnh minh họa AP
Kết quả cuộc trưng cầu ý dân này không đơn thuần là lời nói không của người dân Hà Lan dành cho Ukraine trên con đường hội nhập vào EU mà thực sự là đòn đánh mạnh vào uy tín chính trị của EU vì nó cho thấy sự không hài lòng của người dân Hà Lan với các chính sách của EU.
Thỏa thuận về sự liên kết với EU của Ukraine là hậu quả chán ghét hội nhập của cử tri châu Âu, chứ thất bại này không chỉ là do tình hình chính trị rối ren tại Ukraine. Kết quả này cũng phản ánh bản chất cuộc trưng cầu ý dân mà Anh đang chuẩn bị tiến hành nhằm xem xét tư cách thành viên trong EU.
Vấn đề Ukraine là một trong những thách thức mà EU đang phải đối mặt, bên cạnh khủng hoảng di dân, kinh tế phát triển chậm chạp, nước Anh bỏ phiếu lấy ý kiến về việc tiếp tục làm thành viên EU hay không và quan hệ không tốt với Nga.
Kết quả cuộc trưng cầu ý dân ở Hà Lan là một đòn nặng nề bởi vấn đề xích lại với EU là điều không cần phải tranh cãi đối với tất cả các lực lượng chính trị hiện nay của Ukraine, còn đối với Tổng thống Petro Poroshenko thì việc hướng về châu Âu là một dạng “mỏ neo của các cuộc cải cách”.
Chủ tịch Quốc hội Groysman thay ông Yatsenyuk làm Thủ tướng Ukraine
2. Tổng thống Bashar al-Assad khẳng định, việc cuộc bầu cử Quốc hội Syria diễn ra suôn sẻ là một “đòn trực diện” giáng vào lũ khủng bố.
Ủy ban bầu cử tối cao Syria ngày 13/4 thông báo, tiến trình bỏ phiếu trong cuộc bầu cử Quốc hội tại nước này đã kết thúc đúng theo kế hoạch. Đến 19h cùng ngày, toàn bộ các điểm bỏ phiếu trên toàn lãnh thổ đã đóng cửa. Tiến trình bỏ phiếu đã kết thúc và công tác kiểm phiếu đã chính thức bắt đầu.
Tổng thống Bashar al-Assad tham gia bỏ phiếu. Ảnh Reuters |
Trước đó, sáng 13/4, Tổng thống Syria Assad và phu nhân, đã đi bỏ phiếu tại một trung tâm bầu cử bên trong Phủ Tổng thống ở Thủ đô Damascus. Phát biểu với báo giới sau khi thực hiện quyền công dân, Tổng thống Syria cho rằng, đi bỏ phiếu cũng là một cách để những người dân Syria tham gia cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc.
Tổng thống Syria Assad khẳng định: “Những năm qua người dân Syria luôn ý thức cao về sự cần thiết của việc phải tham gia vào các tiến trình hoàn thiện các thể chế hiến pháp, bất kể đó cuộc bầu cử Tổng thống hay bầu cử Quốc hội.
Như chúng ta đang chứng kiến, bất chấp sự đe dọa của chủ nghĩa khủng bố, đông đảo các tầng lớp nhân dân và đảng phái chính trị vẫn đổ về các điểm bỏ phiếu để thực hiện quyền công dân, điều chưa từng diễn ra trong nhiều thập niên qua.
Mục đích của hành động này chính là để bảo vệ Hiến pháp, tương tự như cách mà những chiến sỹ của chúng ta đã hy sinh cuộc đời mình để bảo vệ đất nước".
Mỹ, Pháp: Bầu cử Quốc hội ở Syria là bất hợp pháp
3. Tổng thống Brazil Dilma Rousseff cam kết đấu tranh “tới phút cuối cùng” nhằm chống lại những âm mưu hòng phế truất bà.
Tuyên bố của bà Rousseff được đưa ra trong bối cảnh các chính đảng trong liên minh cầm quyền lần lượt quay lưng lại với Tổng thống khi chỉ còn vài ngày nữa là tới cuộc bỏ phiếu quan trọng tại Hạ viện (17/4).
Phe của Tổng thống Rousseff đã phải hứng chịu cú sốc lớn khi ngày 12/4 vừa qua 2 đảng quy mô vừa trong liên minh cầm quyền thông báo sẽ ủng hộ việc phế truất Tổng thống trong cuộc bỏ phiếu ngày 17/4 tới tại Quốc hội.
Trả lời phỏng vấn về vấn đề này, Tổng thống Rousseff cho rằng, đây là một cuộc chiến tâm lý nhằm tạo ra hiệu ứng domino, song nhiều thành viên của các đảng phái từng tham gia liên minh chính phủ vẫn sẽ tiếp tục ủng hộ bà.
Theo Tổng thống Rousseff, bà có đủ mọi điều kiện để vượt qua cuộc bỏ phiếu tại Hạ viện, bởi trên thực tế phe đối lập không có bất kỳ bằng chứng cụ thể nào về việc bà phạm tội.
Bị dồn ép phải từ chức, Tổng thống Brazil quyết chiến đấu đến cùng
4. Đảng Saenuri cầm quyền của Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-Hye đã không giành được đa số ghế trong cuộc tổng tuyển cử tổ chức ngày 13/4.
Theo hãng thông tấn Yonhap, Đảng Saenuri chỉ giành được 132 trên tổng số 300 ghế trong Quốc hội, trong khi đó, Đảng đối lập cánh tả Minjoo giành được 105 ghế và Đảng Kookmin có được 36 ghế.
Kết quả cuộc thăm dò do đài truyền hình KBS công bố cùng thời điểm cũng cho thấy, Đảng Saenuri bị mất đa số ghế trong Quốc hội. Tuy nhiên đây vẫn là Đảng chiến thắng khi giành được số phiếu bầu cao nhất.
Trong trường hợp kết quả bầu cử được xác nhận, Đảng Saenuri của Tổng thống Park Geun-Hye giành chiến thắng, nhưng sẽ phải tìm kiếm sự hợp tác của các nghị sĩ độc lập khác để duy trì quyền lực trong Quốc hội của mình.
Đảng cầm quyền Hàn Quốc mất quyền kiểm soát Quốc hội sau 16 năm
5. Cuộc đua vào chiếc ghế Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc thay ông Ban Ki-moon sẽ mãn nhiệm vào cuối năm nay đã chính thức khởi động với phiên chất vấn các ứng cử viên kéo dài 3 ngày cho đến 15/4 (theo giờ Việt Nam) tại trụ sở Liên Hợp Quốc tại New York.
Lần đầu tiên trong lịch sử hơn 70 năm thành lập của Liên Hợp Quốc, các ứng cử viên cho vị trí Tổng Thư ký phải chứng tỏ năng lực bản thân qua các phiên chất vấn công khai được mô tả là cuộc “phỏng vấn xin việc” trực tiếp trước toàn thế giới, thay vì quy trình lựa chọn kín do Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc thực hiện như trước đây.
Bà Helen Clark- 1 trong 2 ứng viên hàng đầu cho vị trí Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc. Ảnh Reuters |
Theo giới phân tích, 2 ứng cử viên triển vọng nhất hiện nay là Tổng Giám đốc đương nhiệm của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO), cựu quyền Ngoại trưởng Bulgaria Irina Bokova, và người đứng đầu Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP), cựu Thủ tướng New Zealand Helen Clark.
Cả hai ứng cử viên này đều có nhiều kinh nghiệm về chính trị và ngoại giao cũng như tầm ảnh hưởng lớn trong các hoạt động của Liên Hợp Quốc nhưng bà Bokova dường như đang nắm lợi thế nhờ là người Đông Âu và đang được Nga ủng hộ mạnh mẽ.
Ngoài hai ứng cử viên Irina Bokova và Helen Clark, các ứng cử viên còn lại bao gồm Natalia Gherman (cựu Phó Thủ tướng Moldova), Vesna Pusic (cựu Phó Thủ tướng Croatia), Antonio Guterres (cựu Thủ tướng Bồ Đào Nha và cựu cao ủy Liên Hợp Quốc về người tỵ nạn), Srgjan Kerim (cựu Ngoại trưởng Macedonia và cựu Chủ tịch Đại hội đồng Liên Hợp Quốc), Danilo Turk (cựu Tổng thống Slovenia) và Igor Luksic (Ngoại trưởng đương nhiệm Montenegro).
6. Mỹ cho biết, trong 2 ngày qua, chiến đấu cơ và trực thăng của Nga đã nhiều lần áp sát tàu khu trục Mỹ đang tiến hành tập trận ở Biển Baltic.
UPI dẫn tuyên bố của quan chức Hải quân Mỹ cho biết, trong khi tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Donald Cook đang tiến hành tập trận cùng lực lượng của các nước đối tác ở Baltic ngày 11/4 thì 2 chiến đấu cơ Su-24 “tiến hành rất nhiều lượt bay áp sát” tàu USS Donald Cook.
Chiến đấu cơ Nga bay ngay phía trước tàu chiến Mỹ. Ảnh Reuters |
Các tư lệnh Hải quân Mỹ đã quyết định dừng các cuộc tập trận cho đến khi 2 chiến đấu cơ Su-24 chịu rời đi.
Sang ngày hôm sau, một chiếc trực thăng tấn công KA-27 Helix của Nga xuất hiện và bay sát phía trên tàu USS Donald Cook buộc tàu này phải dừng mọi hoạt động tập trận.
Trong khi chiếc KA-27 Helix tiếp tục bay vòng vòng trên đầu tàu USS Donald Cook, 2 chiến đấu cơ Su-24 lại có mặt và thực hiện tiếp 11 lượt bay áp sát chiếc tàu khu trục này./.