Thế giới 24h: Thủy triều đỏ xâm lấn Mỹ và Chile, người dân hốt hoảng
VOV.VN - Hiện tượng này làm cho tình hình môi trường trở nên tồi tệ, các nhà chức trách ban hành lệnh cấm người dân không ăn hải sản đã bị chết.
1. Reuters đưa tin, từ ngày 7/4, những bãi biển của bang Florida của Mỹ đã bị nạn thủy triều đỏ xâm lấn gây tình trạng cá chết hàng đàn tại Vịnh Mexico.
Trước thực trạng này, giới chuyên gia đã cảnh báo người dân và du khách cần hiểu rõ thông tin về thủy triều đỏ gây nguy hiểm nghiêm trọng cho sức khỏe nếu nó theo sóng vào bờ.
Hiện tượng thủy triều đỏ xảy ra tại Chile năm 2009 (Ảnh: Huffington Post). |
Tại Chile, ngày 27/4, hàng nghìn động vật thân mềm bao gồm các loài sò và trai vừa được phát hiện bị mắc kẹt bên bờ biển thuộc quần đảo Chiloé, miền Nam Chile, do ảnh hưởng của hiện tượng thủy triều đỏ.
Lực lượng hải quân Chile thông báo phát hiện các động vật thân mềm này ở các đảo Playa Grande de Cucao, Huentemo và Chanquin- tất cả đều thuộc quần đảo Chiloé. Ngoài ra, họ còn phát hiện thêm số lượng nhỏ các con cua chết tại một khu vực rộng khoảng 5 km.
Chính quyền cảng Chonchi đã nhanh chóng tiến hành kiểm tra các khu vực ven biển ngay sau khi nhận được thông tin này. Sau khi tiến hành phân tích, cơ quan y tế Chile kết luận các động vật thân mềm này bị ô nhiễm, đồng thời cảnh báo người dân tránh ăn chúng.
Thủy triều đỏ lan từ Mỹ đến Chile: Chính phủ cấm ăn cá
2. Hàn Quốc và Trung Quốc ngày 28/4 lên tiếng cảnh báo Triều Tiên trong bối cảnh nước này nhiều khả năng tiến hành vụ thử hạt nhân thứ 5 nhân dịp đại hội lần thứ 7 của đảng Lao động Triều Tiên vào tháng sau. Tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye nhấn mạnh, Hàn Quốc sẽ không bao giờ dung thứ cho bất kỳ hành động khiêu khích nào gây bất ổn an ninh khu vực. Bà cũng đã ra lệnh cho chính phủ duy trì tình trạng sẵn sàng đảm bảo an ninh quốc gia.
Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye (Ảnh: Reuters). |
Bà Park Geun Hye cảnh báo, nếu Triều Tiên vẫn tiến hành vụ thử hạt nhân thì đây sẽ là động thái khiêu khích rất nghiêm trọng làm lay chuyển trật tự an ninh tại khu vực Đông Bắc Á và Hàn Quốc không bao giờ có thể dung thứ cho việc này. Phủ Tổng thống Hàn Quốc dự kiến sẽ triệu tập một cuộc họp của Hội đồng An ninh quốc gia để kiểm tra tình trạng sẵn sàng của quân đội.
Trong khi đó, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố nước này sẽ không để cho tình hình an ninh trên bán đảo Triều Tiên xấu đi.
“Là một thành viên của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, Trung Quốc thực hiện một cách đầy đủ và toàn diện các nghị quyết của Hội đồng bảo an. Và với tư cách là một nước láng giềng, Trung Quốc sẽ không cho phép để xảy ra chiến tranh hay bất ổn trên bán đảo Triều Tiên. Nếu điều đó xảy ra, thì sẽ chẳng ai là người hưởng lợi. Trung Quốc hy vọng các bên kiềm chế, không kích động lẫn nhau, mà thay vào đó, chúng ta cần đưa vấn đề hạt nhân trở lại bàn đàm phán càng sớm càng tốt để thúc đẩy hòa bình và ổn định tại Đông Bắc Á”, Chủ tịch Trung Quốc cho biết. Triều Tiên lại thử tên lửa đạn đạo tầm trung bất thành
3. Sputnik News đưa tin, ngày 28/4, Cơ quan Vũ trụ Liên bang Nga (Roscosmos) đã phóng thành công tên lửa Soyuz-2.1a mang theo ba vệ tinh từ sân bay vũ trụ Vostochny vào lúc 5h01 (giờ Moscow, tức khoảng 9h01 sáng nay theo giờ Việt Nam).
Tên lửa Soyuz-2.1a tại sân bay vũ trụ Vostochny. (Ảnh: Sputnik). |
Phóng viên hãng tin RIA cho biết, các vệ tinh được gắn trên tên lửa đẩy Soyuz-2.1a đã phân tách thành công theo đúng thời gian dự kiến.
Ban đầu, theo kế hoạch, vụ phóng tên lửa Soyuz-2.1a được tiến hành vào ngày 27/4 nhưng đã phải hoãn lại do yếu tố kỹ thuật không được đảm bảo.
Sân bay vũ trụ Vostochny được khởi công xây dựng từ năm 2012 với kỳ vọng sẽ giảm sự phụ thuộc của ngành công nghiệp vũ trụ Nga vào trung tâm vũ trụ Baikonur ở Kazakhstan.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, Tổng thống Nga Vladimir Putin, phó Thủ tướng Dmitry Rogozin – người phụ trách ngành công nghiệp không gian của Nga, lãnh đạo Cơ quan Vũ trụ Liên bang Nga Igor Komarov và chỉ huy Lực lượng Không gian Nga Alexander Golovko đã trực tiếp tham dự sự kiện này. Mỹ thừa nhận sức mạnh phòng thủ vượt bậc của tên lửa Nga
4. Liên Hiệp Quốc vừa kêu gọi Nga và Mỹ can thiệp ở “mức độ cao nhất” để cứu lấy lệnh ngừng bắn vốn rất mong manh tại Syria nhằm tái khởi động tiến trình hòa bình tại quốc gia đầy bất ổn này. Đặc phái viên của Liên Hợp Quốc về Syria Staffan de Mistura vừa đưa ra tuyên bố này vào sáng 28/7 trong buổi họp báo tại Geneva, Thụy Sỹ.
Gần một tuần qua, bạo lực lại bùng phát tại Syria, khiến cuộc sống người dân ở đây lâm vào cảnh khốn cùng. (ảnh: Reuters). |
Vòng đàm phán mới nhất về Syria, bắt đầu từ hôm 13/4 vừa qua đã bị đình trệ khi phe đối lập Syria rút khỏi đàm phán. Ủy ban Tối cao về đàm phán (HNC) của phe đối lập Syria tuần trước đã rời khỏi bàn đàm phán với lý do rằng chính phủ Syria vi phạm thỏa thuận ngừng bắn.
Thỏa thuận ngừng bắn tại Syria do Nga- Mỹ làm trung gian có hiệu lực kể từ ngày 27/2 vừa qua, ban đầu đã góp phần giảm đáng kể tình trạng bạo lực tại đất nước này, tuy nhiên giao tranh lại tiếp diễn, đặc biệt tại tỉnh Aleppo, khiến lệnh ngừng bắn nói trên bị phá vỡ. Hòa đàm Syria: Phe đối lập giở “chiêu trò” để câu giờ?
5. Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida sẽ thăm chính thức Trung Quốc từ ngày 29/4 đến ngày 1/5 tới theo lời mời của Ngoại trưởng Trung Quốc.
Phát biểu trong cuộc họp báo tại Bắc Kinh ngày 27/4, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Doanh cho biết, Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida sẽ có cuộc hội đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị để trao đổi quan điểm về tình hình thế giới, khu vực và các vấn đề hai bên cùng quan tâm; chuyến thăm có ý nghĩa đặc biệt trong việc cải thiện và phát triển quan hệ song phương.
Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida. (ảnh: The Japan Times). |
Cùng với đó, trong chuyến thăm, Ngoại trưởng Nhật Bản sẽ thảo luận với phía Trung Quốc nội dung liên quan Hội nghị thượng đỉnh G20 sẽ diễn ra tại Chiết Giang (Trung Quốc) vào tháng 9 tới, đồng thời đề cập quan điểm của Nhật Bản về vấn đề Biển Đông và Biển Hoa Đông.
Ngay trước thềm chuyến thăm Trung Quốc, Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida khẳng định Trung Quốc “đang có những hành động khiến thế giới lo lắng” ở Biển Đông và Biển Hoa Đông, cho biết trong chuyến thăm sắp tới ông sẽ đề cập thẳng thắn vấn đề Biển Đông và Biển Hoa Đông, bày tỏ hy vọng thông qua đối thoại thẳng thắn với phía Trung Quốc để tạo dựng bước chuyển mới trong quan hệ song phương. Tàu chiến Nhật Bản cập cảng Subic của Philippines ở Biển Đông
6. Mới đây, ứng viên hàng đầu của Đảng Dân chủ Donald Trump cho rằng, muốn đánh bại được IS, Mỹ cần phải tỏ ra “thật khó lường”. Theo Yahoo News, ông Donald Trump cũng vạch ra cái gọi là “những tiếng nói mới và tầm nhìn mới” nếu ông được bầu làm Tổng thống và chỉ trích chính sách ngoại giao của Tổng thống Mỹ Barack Obama là “mạo hiểm, không có phương hướng và vô mục đích”.
Tỷ phú Mỹ Donald Trump. Ảnh AP. |
Tỷ phú Trump cũng cáo buộc ông Obama đã làm “suy yếu đất nước” khi không thể đưa ra một chính sách ngoại giao nhất quán tạo điều kiện cho các đối thủ của Mỹ như Trung Quốc “trục lợi”.
Ông Trump khẳng định, nếu là Tổng thống, ông sẽ ưu tiên “đặt an ninh của Mỹ lên hàng đầu” và lý tưởng của ông khi thực hiện bất kỳ quyết sách quan trọng nào là “đặt người Mỹ lên hàng đầu”.
“Giờ là lúc phải “đánh sạch” mọi “rỉ sét” trong chính sách ngoại giao của Mỹ”, ông Trump nói.
Trong bài phát biểu dài 40 phút của mình ngày 27/4 tại Trung tâm vì Lợi ích Quốc gia do cố Tổng thống Mỹ Richard Nixon sáng lập, ông Trump đã trình bày chi tiết về chính sách đối ngoại của mình kèm theo lời kêu gọi Mỹ không nên quá “thật thà” khi trình bày mọi chi tiết về kế hoạch tiêu diệt kẻ thù, trong đó có IS./. Bầu cử Mỹ: Cử tri ưu ái Clinton hơn Trump trong các vấn đề then chốt