Thế giới 24h: Tổng thống Putin ca ngợi nhưng quyết không phụ thuộc Mỹ
VOV.VN - Tổng thống Nga Putin ngày 17/6 thừa nhận Mỹ có lẽ là siêu cường duy nhất trên thế giới nhưng không muốn Mỹ “chỉ bảo cho ông phải sống như thế nào”.
1. Tuyên bố của ông Putin được đưa ra trong bối cảnh quan hệ Nga-Mỹ đã phải trải qua những giai đoạn sóng gió do những bất đồng liên quan đến cuộc khủng hoảng ở Syria và Ukraine.
Tổng thống Nga Putin tại Diễn đàn Kinh tế St. Petersburg. Ảnh TASS
Tổng thống Putin cũng lên tiếng chỉ trích “vai trò định hướng một cách sai lầm của Mỹ trong vấn đề Ukraine” và phản đối “nỗ lực của Mỹ nhằm ngăn chặn Nga cải thiện quan hệ với Liên minh châu Âu”.
Mặc dù vậy, ông cũng không quên dành “những lời có cánh” cho Mỹ: “Mỹ là một cường quốc lớn và có lẽ là siêu cường duy nhất hiện nay. Chúng tôi chấp nhận thực tế đó”, ông Putin tuyên bố: “Chúng tôi muốn và luôn sẵn sàng hợp tác với Mỹ”.
Nga - Italy tăng cường hợp tác bất chấp lệnh trừng phạt của EU
2. 51 nhà ngoại giao của Mỹ vừa ký vào một lá thư gửi Tổng thống Barack Obama, kêu gọi ông thay đổi chính sách hiện nay đối với vấn đề Syria. Theo đề xuất của 51 nhà ngoại giao nói trên, Tổng thống Obama nên xem xét không kích vào lực lượng trung thành với Tổng thống Syria al-Assad.
Tổng thống Obama vẫn kiên định với chính sách của ông về Syria. Ảnh AP |
Phản ứng trước thông tin trên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby cho biết, các nhà ngoại giao có quyền thể hiện những ý kiến trái chiều và chính quyền của Tổng thống Obama luôn sẵn sàng lắng nghe những điều đó. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa Mỹ sẽ làm theo lời kêu gọi của nhóm các nhà ngoại giao này.
Phát biểu trong cuộc họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao Mỹ, ông Kirby tái khẳng định: “Chúng tôi đã và vẫn tiếp tục tìm kiếm những phương án trong khuôn khổ chính sách mà chúng ta đang theo đuổi cũng như những phương án nằm ngoài chính sách hiện nay.
Nhưng khi xem xét những phương án khác thì không có giải pháp nào là hoàn hảo. Phương án tốt nhất cho Syria là một tiến trình chính trị dẫn đến chuyển giao Chính phủ từ ông Assad. Chúng tôi tin rằng giải pháp chính trị là giải pháp tốt nhất cho Syria và cho cả khu vực”.
Nga nhất trí với đề xuất của Mỹ về phe đối lập Syria
3. Ngày 17/6, Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi tuyên bố đã giải phóng Fallujah khỏi sự chiếm đóng của nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, sau gần 4 tuần tiến hành chiến dịch tấn công nhằm vào thành phố này.
Lực lượng an ninh Iraq ăn mừng sau khi tiến vào trung tâm thành phố Fallujah. Ảnh Reuters
Theo nguồn tin từ chính quyền Iraq, lực lượng quân đội nước này, được hỗ trợ bởi các máy bay ném bom của liên quân do Mỹ dẫn đầu, đã bất ngờ tấn công tổng lực vào trung tâm của Fallujah, đồng thời nhanh chóng kiểm soát hầu hết các tòa nhà của Chính phủ và các vị trí trọng yếu khác ở bên trong thành phố.
Fallujah được xem là thành trì quan trọng nhất của IS ở Iraq. Do đó, Giải phóng Fallujah sẽ tạo bước ngoặt lớn cho chính quyền Iraq trong cuộc chiến chống khủng bố, tiến tới ổn định tình hình an ninh, góp phần giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị tại quốc gia này.
IS bất ngờ đổi chiến thuật, đẩy mạnh tấn công tỉnh Salahuddin ở Iraq
4. Lực lượng an ninh đặc biệt của Bỉ vừa bắt giữ 12 đối tượng tình nghi đang lên kế hoạch thực hiện hàng loạt vụ tấn công khủng bố mới.
Theo nguồn tin của Văn phòng Công tố Liên bang Bỉ, những nghi phạm bị bắt giữ tại 16 địa điểm ở thủ đô Brussels, Flanders và Wallonia trong hai ngày 17-18/6 trong chiến dịch truy quét khủng bố mang tên “Hành động can thiệp ngay lập tức”.
Truyền thông Bỉ đưa tin, những kẻ bị bắt giữ đang lên kế hoạch tiến hành một vụ tấn công ở Brussels vào cuối tuần này trong thời gian diễn ra trận đấu của đội tuyển Bỉ tại vòng chung kết giải Vô địch bóng đá châu Âu Euro 2016.
Bỉ bắt giữ thêm nghi can liên quan đến loạt khủng bố hồi tháng 3
5. Cuộc họp các Bộ trưởng Tài chính các nước Liên minh châu Âu (EU) đã diễn ra ngày 17/6 trong nỗi lo về khả năng Anh rời khỏi EU.
Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schaeuble cho rằng, sự không chắc chắn của cuộc trưng cầu ý dân tại Anh đang gây gánh nặng cho các ngành tài chính và ngân hàng của khối: “Hội đồng châu Âu, đặc biệt là nước chủ tịch Hà Lan, đang tích cực làm việc để tìm ra biện pháp giúp tăng cường Liên minh Ngân hàng.
Ảnh minh họa AP |
Chúng tôi đã thảo ra các kế hoạch và sớm hoàn chỉnh dự thảo này. Chúng ta đang trong ở trong tình trạng mà ngành ngân hàng và tài chính đang bị ảnh hưởng đặc biệt bởi kết quả cuộc trưng cầu ý dân tại Anh”.
Cao ủy châu Âu về Dịch vụ Tài chính Jonathan Hill cũng hối thúc người dân Anh cần cân nhắc lá phiếu của mình: “Từ quan điểm của tôi- một người chịu trách nhiệm cho các dịch vụ tài chính châu Âu- tôi có thể nhìn thấy rõ ràng những lợi ích mà Anh có được khi là một phần trong thị trường chung với tư cách thành viên EU. Tôi cũng cho rằng sẽ có rất nhiều nguy cơ đối với ngành dịch vụ tài chính Anh nếu nước này rời khỏi EU”.
Quĩ tiền tệ quốc tế ( IMF) hôm qua cũng đưa ra bản báo cáo về triển vọng nền kinh tế Anh cho biết, nếu rời khỏi EU sẽ ảnh hưởng đến mức sống, lạm phát tăng cao tại Anh. Quốc gia này cũng có thể rơi vào suy thoái vào năm tới.
Các cuộc khảo sát mới đây của Hãng NBC News/SurveyMonkey tại Anh cho thấy, 48% những người được hỏi sẽ chọn rời khỏi EU và 48% những người lựa chọn ở lại khối. Có khoảng 4% chưa quyết định khi còn không đầy 1 tuần nữa là diễn ra cuộc bỏ phiếu.
Anh buộc tội đối tượng tình nghi sát hại nữ Nghị sỹ Jo Cox