Thế giới 24h: Trung Quốc ngăn LHQ ra tuyên bố lên án Triều Tiên
VOV.VN - Mỹ muốn Liên Hợp Quốc ra tuyên bố lên án Triều Tiên sau vụ phóng 2 tên lửa tầm trung Rodong nhưng Trung Quốc đã ngăn cản.
1. Sáng 4/8, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã tiến hành họp khẩn về vụ phóng tên lửa đạn đạo mới nhất của Triều Tiên theo đề nghị của Mỹ, Nhật Bản.
Tại cuộc họp kín này, Mỹ kỳ vọng có thể ra tuyên bố lên án Triều Tiên nhưng Trung Quốc không đồng ý. "Không nên có hành động khiến căng thẳng gia tăng trên Bán đảo Triều Tiên… Nguy cơ này đang thực sự hiện hữu. Tôi nghĩ chúng ta phải có trách nhiệm về việc này", Press TV dẫn lời ông Liu Jieyi, Đại sứ Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc, nói.
Ông Liu Jieyi, đại sứ Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc. (ảnh: Tân Hoa xã). |
Đồng quan điểm với Mỹ, Anh và Pháp cho biết, 2 nước này muốn thúc đẩy việc ra một tuyên bố của Hội đồng Bảo an lên án mạnh mẽ các vụ phóng tên lửa mới nhất của Triều Tiên, kể cả áp đặt thêm lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe gọi vụ phóng tên lửa là sự “đe dọa nghiêm trọng”. Nhật Bản thông báo lực lượng phòng vệ vẫn đặt ở tình trạng báo động, đề phòng các vụ phóng tiếp theo của Triều Tiên.
Ngày 3/8, Triều Tiên đã phóng đi 2 tên lửa tầm trung Rodong hướng về phía vùng biển của Nhật. Một tên lửa phát nổ ngay sau khi phóng. Tên lửa còn lại bay khoảng 1.000 km rồi rơi xuống vùng đặc quyền kinh tế Nhật Bản. Nhật Bản: Vụ phóng tên lửa của Triều Tiên là sự “đe dọa nghiêm trọng”
Phóng tên lửa, Triều Tiên muốn phô diễn “sức mạnh cơ bắp”?
2. Ngày 3/8, Kênh truyền hình Quốc gia CCTV của Trung Quốc đã phản ứng tiêu cực trước việc Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe chọn bà Tomomi Inada làm Bộ trưởng Quốc phòng mới. Bản tin của CCTV nói rằng việc bổ nhiệm trên cho thấy “chính sách an ninh của Nhật Bản đang thiên lệch hơn về phía cánh hữu như thế nào”, đồng thời kêu gọi cảnh giác cao độ trước xu hướng này. CCTV đã gọi bà Inada là “chính trị gia cánh hữu điển hình".
Tân Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Tomomi Inada. (ảnh: Getty). |
Bà Tomomi Inada là người có quan điểm cứng rắn trong các vấn đề lịch sử gây tranh cãi, tân Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản được giới quan sát cho rằng có thể khiến các nước láng giềng lo ngại.
Bà là một trong những quan chức cấp cao của Nhật Bản thường xuyên đến viếng đền chiến tranh Yasukuni ở Tokyo, điều này khiến cho Hàn Quốc và Trung Quốc thấy khó chịu. Trả lời câu hỏi của phóng viên sau lễ nhậm chức hôm qua, bà Inada cho biết, với tư cách là một thành viên của Nội các, bà sẽ đưa ra một quyết định thích hợp về việc có tiếp tục thăm ngôi đền Yasukuni trước lễ kỉ niệm ngày Nhật Bản đầu hàng đồng minh 15/8 tới hay không. Tại sao Trung Quốc lo ngại nữ Bộ trưởng Quốc phòng mới của Nhật?
Chân dung tân Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản thanh lịch
4. Những ngày gần đây, Trung Quốc tiếp tục có các hành động nhằm hiện thực hóa yêu sách chủ quyền phi lý của nước này ở Biển Đông, bất chấp phán quyết của Tòa trọng tài được thành lập theo phụ lục VII Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 bác bỏ cái mà Bắc Kinh gọi là “quyền lịch sử” với các nguồn tài nguyên trong vùng biển nằm trong “đường 9 đoạn”.
Bất chấp sự phản đối của cộng đồng quốc tế, Trung Quốc vẫn tiếp tục bồi lấp đảo nhân tạo trái phép ở Biển Đông. (Ảnh: CSIS). |
Mới đây nhất, hôm 2/8, Tòa án Tối cao Trung Quốc tuyên bố rằng “Bắc Kinh có cơ sở pháp lý rõ ràng để giữ gìn trật tự hàng hải, an ninh và lợi ích hàng hải cũng như thực hiện quản lý vùng biển theo quy định pháp luật” của nước này.
Trung Quốc còn cảnh báo những người “xâm nhập trái phép” vào lãnh hải Trung Quốc và từ chối rời đi khi bị đuổi hoặc tiếp tục xâm nhập sau khi bị đuổi ra sẽ được coi là phạm tội hình sự “nghiêm trọng” và có thể chịu án phạt tối đa một năm tù.
Tuyên bố ngang ngược của Tòa án Tối cao Trung Quốc ngay lập tức vấp phải sự phản đối của nhiều chuyên gia và học giả hàng đầu trên thế giới.
“Việc Trung Quốc truy tố những người đi vào vùng biển mà họ đơn phương tuyên bố chủ quyền là một động thái đáng quan ngại”, giáo sư Michael Davis tại Đại học Hong Kong nói với CNN. Gọi Tòa xử vụ Philippines kiện Trung Quốc là PCA là đúng hay là sai?
Trung Quốc bị ràng buộc bởi các phán quyết của Tòa Trọng tài ở La Hay
Chuyên gia Bonnie Glaser tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) thì cho rằng: “Có vẻ như Trung Quốc đang âm mưu thiết lập cơ sở pháp lý bằng luật pháp trong nước để qua đó thực thi các hành vi vi phạm luật pháp quốc tế ở Biển Đông”.
4. Một phụ nữ đã thiệt mạng và hơn 6 người khác bị thương khi một tên khủng bố dùng dao tấn công họ vào giữa đêm 3/8 ở trung tâm thủ đô London.
Daily Mail dẫn lời cảnh sát Anh xác nhận kẻ tình nghi đã bị bắt tại khu vực đối diện Khách sạn 3 sao Imperial chỉ 6 phút sau khi vung dao tấn công nhiều người qua đường tại quảng trường Russell. Cảnh sát cũng đã nhanh chóng phong tỏa hiện trường.
Cảnh sát phong tỏa tại quảng trường Russel sau vụ tấn công bằng dao. (ảnh: BBC). |
Vụ tấn công xảy ra chỉ khoảng vài tuần sau hàng loạt vụ tấn công theo “kiểu sói đơn độc” thực hiện tại Pháp và Đức thời gian qua làm nhiều người thiệt mạng và bị thương. Vụ việc xảy ra chỉ ít giờ sau khi nhà chức trách Anh ngày 4/8 cho biết sẽ triển khai thêm 600 cảnh sát có vũ trang để bảo vệ thủ đô London khỏi các nguy cơ bị tấn công.
Phát biểu trước báo giới, thị trưởng London, ông Sadiq Khan cho biết, cảnh sát vũ trang sẽ được trang bị để có thể phản ứng một cách nhanh nhất với các nguy cơ xảy ra các vụ tấn công. Anh chấn động sau vụ tấn công bằng dao
5. Một máy bay của Hãng hàng không của Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) đã phải hạ cánh khẩn cấp tại sân bay quốc tế Dubai do gặp sự cố.
Máy bay bốc khói trên đường băng. (Ảnh: AlArabiya). |
Hình ảnh truyền hình địa phương ghi lại cho thấy, phần trên của máy bay bị cháy và khói đen bốc lên mù mịt từ khu vực này.
Tuy nhiên, tất cả hành khách và thành viên phi hành đoàn đều đã được sơ tán an toàn. Vào thời điểm xảy ra sự cố khoảng 12h45 trưa 3/8, trên máy bay có 275 người.
Chiếc máy bay này đang trên hành trình từ Thiruvananthapuram (Ấn Độ) tới Dubai. Nguyên nhân của sự cố này đang được điều tra. Hình ảnh máy bay UAE biến thành quả cầu lửa sau khi hạ cánh khẩn cấp
Cháy máy bay UAE: Đòn giáng mạnh vào hãng hàng không hàng đầu thế giới
6. Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon ngày 3/8 cho biết, những tội ác mà tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) đã thực hiện tại Iraq có thể quy thành tội ác chiến tranh, tội ác chống lại loài người và thậm chí là tội diệt chủng.
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon. (ảnh: Reuters). |
Tuyên bố của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc được đưa ra trong bối cảnh, IS đã chiếm được thị trấn Sinjar ở miền Bắc Iraq lần thứ 2, khiến hàng nghìn gia đình chủ yếu là cộng đồng người thiểu số Yazidi phải rời bỏ nhà cửa.
Tổng thư ký Ban Ki-moon nhấn mạnh, chính phủ Iraq cần phải tiếp tục tìm cách đưa những kẻ thực hiện những tội ác nêu trên ra xét xử./. Mỹ trực tiếp tham chiến chống IS tại Libya, gây tổn thất lớn cho IS
Tiết lộ gây sốc về mục tiêu ưu tiên của IS
Máy bay Mỹ dọn đường cho quân Libya công kích IS ở Sirte