Thế giới 24h:Ai Cập nỗ lực tìm kiếm nguyên nhân máy bay MS804 rơi
VOV.VN - Truyền thông Ai Cập đưa tin, quân nhân Ai Cập đã xác định sơ bộ được vị trí của hộp đen chiếc máy bay nước này bị rơi ngoài khơi Hy Lạp.
1. Sau khi hộp đen được tìm thấy, các nhà chức trách có thể căn cứ vào dữ liệu ở hộp đen để giải mã nguyên nhân chính xác tại sao chiếc Airbus A320 mang số hiệu MS804 của Hãng hàng không Quốc gia Ai Cập đã biến mất khỏi màn hình radar ở trên biển Địa Trung Hải vào ngày 19/5.
“Vị trí hộp đen nằm cách khu vực xảy ra vụ tai nạn khoảng 3- 4 hải lý… việc tìm kiếm hộp đen được xem là nhiệm vụ chính”, một nguồn tin nói với tờ Ahram.
Chiếc Airbus A320 gặp nạn của Hãng hàng không Ai Cập. (ảnh: Reuters). |
Hiện có nhiều phỏng đoán xung quanh nguyên nhân máy bay Ai Cập bị rơi. Theo Sputnik, Văn phòng Điều tra và Phân tích về An toàn hàng không dân dụng Bureau của Pháp (BEA) cũng đã xác nhận vào ngày 21/5 rằng phát hiện có khói bốc ra từ chiếc máy bay khi gặp nạn. Các chuyên gia tin rằng, khói trên máy bay cũng có thể là một dấu hiệu của việc hỏng động cơ.
Trong khi đó, cả giới chức Ai Cập và Pháp đều khẳng định không loại trừ bất cứ khả năng nào, trong đó có khả năng tấn công khủng bố. Giới phân tích cho rằng, nguyên nhân dẫn đến thảm họa có thể là do lỗ hổng trong khâu kiểm tra an ninh.
Xác định sơ bộ vị trí hộp đen của máy bay Ai Cập mất tích
Chiếc máy bay MS804 cất cánh từ sân bay Charles de Gaulle ở Paris (Pháp), do đó, khả năng có lỗ hổng an ninh tại sân bay này rất cao. Mặc dù việc kiểm tra an ninh tại sân bay Charles de Gaulle được tiến hành hết sức gắt gao, nhưng không thể đảm bảo an ninh tuyệt đối.
Được biết, chỉ vài ngày trước khi chiếc máy bay mang số hiệu MS804 bị mất tích trên biển Địa Trung Hải, IS đã tung ra một đoạn video đe dọa khủng bố người Pháp.
Đoạn video do tổ chức khủng bố khét tiếng Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đăng tải trên Internet cho thấy hình ảnh tay súng trẻ tuổi tuyên bố: “Tao đã nhận được mệnh lệnh trở thành một người tử vì đạo. Tao sẽ đến Pháp để bóc trần chúng và báo thù cho dòng máu của người Hồi giáo”.
Đoạn video kéo dài 14 phút, được đăng tải vào đầu tuần này. Tuy nhiên, sau khi chiếc máy bay mang số hiệu MS804 gặp nạn, IS vẫn chưa lên tiếng nhận trách nhiệm.
Nghi vấn an ninh tại các sân bay trong vụ mất tích máy bay Ai Cập
2. Phó cố vấn An ninh Quốc gia Hoa Kỳ Ben Rhodes đã tiết lộ lịch trình làm việc của Tổng thống Barack Obama ở Việt Nam tại cuộc họp báo sáng 20/5.
Theo ông Ben Rhodes, ông Obama sẽ đến sân bay Nội Bài đêm 22/5 và chương trình làm việc chính thức sẽ bắt đầu ở Hà Nội một ngày sau đó.
Tổng thống Mỹ Barack Obama. (ảnh: AP). |
Sau nghi lễ tiếp đón chính thức, Tổng thống Obama sẽ có cuộc hội đàm song phương với Chủ tịch nước Trần Đại Quang và hai bên sẽ chủ trì cuộc họp báo sau đó.
Kế đến, Tổng thống Obama sẽ có cuộc gặp với tân Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. Trưa cùng ngày, ông Obama sẽ tham dự buổi chiêu đãi trước khi có cuộc hội kiến song phương với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Tổng thống Obama thăm Việt Nam: Không để quá khứ ngăn cản tương lai
3. Ngay sau khi kết thúc Hội nghị ASEAN – Nga, ASEAN và Nga đã ra tuyên bố chung với chủ đề: Hướng tới Quan hệ Đối tác Chiến lược vì lợi ích chung.
Tuyên bố chung nêu rõ, ASEAN và Nga nhận thức được tầm quan trọng của việc triển khai Hiệp định liên Chính phủ ASEAN-Nga về Hợp tác kinh tế và phát triển năm 2005, Hiệp định liên Chính phủ ASEAN-Nga về Hợp tác văn hoá năm 2010 và Chương trình Hành động toàn diện thúc đẩy hợp tác ASEAN-Nga năm 2005-2015.
Phiên toàn thể Hội nghị Cấp cao ASEAN - Nga. |
ASEAN và Nga thống nhất xem xét tất cả các khía cạnh phát triển trong quan hệ đối thoại ASEAN-Nga, đồng thời nhất trí cam kết một số vấn đề lớn. Đó là tăng cường quan hệ đối thoại hơn nữa dựa trên các nguyên tắc bình đẳng, cùng có lợi và thịnh vượng chung nhằm thúc đẩy hoà bình, ổn định, an ninh, thịnh vượng, tăng trưởng kinh tế, phát triển bền vững và tiến bộ xã hội ở Khu vực Châu Á-Thái Bình Dương với mục tiêu hướng tới quan hệ đối tác chiến lược.
Hội nghị thượng đỉnh ASEAN – Nga: Hướng tới lợi ích chung
4. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby ngày 20/5 đã bác bỏ đề xuất của Nga về việc tiến hành không kích chung chống khủng bố tại Syria.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby nhấn mạnh sẽ không có thỏa thuận nào với Nga trong bất kỳ chiến dịch quân sự nào tại Syria. Cho đến nay, Mỹ vẫn cho rằng, Chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad chịu trách nhiệm cho phần lớn các hành vi vi phạm thỏa thuận ngừng bắn đạt được ngày 27/2 vừa qua.
Khói bốc lên tại thị trấn Syria sau một cuộc không kích. Ảnh: Reuters. |
Mỹ chỉ đang hợp tác với Nga trong nỗ lực duy trì thỏa thuận ngừng bắn, chấm dứt các hành động thù địch tại Syria. Trước đó cùng ngày, Văn phòng Tổng thống, Bộ Quốc phòng Mỹ cũng lên tiếng bác bỏ đề xuất hợp tác quân sự với Nga tại Syria.
Những tuyên bố vừa nêu đưa ra sau khi Nga lên tiếng đề xuất với Mỹ - quốc gia đứng đầu Nhóm Quốc tế ủng hộ Syria (ISSG)- tham gia các chiến dịch chung giữa Lực lượng không quân Nga và lực lượng không quân của liên minh chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng Syria do Mỹ đứng đầu.
Mỹ: Sức mạnh quân sự của Nga ở Syria không hề suy giảm
5. Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 20 /5 bày tỏ sẵn sàng cho các cuộc đối thoại với Nhật Bản về vấn đề tranh chấp lãnh thổ và Hiệp ước hòa bình.
Tổng thống Vladimir Putin. (ảnh: Reuters). |
Tổng thống Putin cho biết, ông sẽ có những cuộc thảo luận với quan chức Nhật Bản về nhiều chủ đề khác như kinh tế, văn hóa, thể thao và điều quan trọng nhất là hai nước sẽ cùng nỗ lực để đi tới việc ký kết một Hiệp ước hòa bình.
Tuy nhiên, một quan chức Nga trước đó cho biết, kế hoạch hợp tác kinh tế 8 điểm do Nhật Bản đề xuất không được nêu trong các cuộc đàm phán hòa bình Nga- Nhật Bản. Bởi kế hoạch này có liên quan đến sự phát triển của khu vực Viễn Đông thuộc Nga.
6. Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Junker ngày 20/5 cảnh báo, nước Anh sẽ phải đối mặt với những hậu quả nghiêm trọng quyết định rời khỏi EU.
Đây được xem là lời cảnh báo mạnh mẽ nhất từ Ủy ban châu Âu trước thềm cuộc trưng cầu ý dân ở Anh vào ngày 23/6 tới về tư cách thành viên của nước này trong EU.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Junker. (ảnh: Reuters). |
Trả lời phỏng vấn tờ Thế giới (Le monde) của Pháp, Chủ tịch EC Junker coi việc rời bỏ khối là “hành động của những kẻ đảo ngũ và sẽ không được EU chào đón với vòng tay rộng mở”. Nếu người Anh nói “Không” với Liên minh châu Âu thì nước này sẽ phải chấp nhận là một quốc gia đứng ngoài cuộc và mối quan hệ giữa Anh và EU sẽ không được như trước.
Anh chịu những hậu quả khôn lường nếu chọn phương án rời khỏi EU (Brexit). Chủ tịch Ủy ban châu Âu cũng cảnh báo rằng sẽ không dễ dàng cung cấp gói cải cách do Thủ tướng Anh David Cameron đưa ra trong cuộc trưng cầu ý dân sắp tới. Nếu kịch bản Brexit xảy ra sẽ đồng nghĩa với việc các lợi ích của công dân Anh tại EU sẽ bị đình chỉ ngay lập tức và đi cùng với đó là những hệ quả lâu dài về kinh tế, xã hội, chính trị, quốc phòng và ngoại giao đối với Anh./.