Thế giới 24h:Nguyên nhân nào gây ra vụ lở đất kinh hoàng ở Trung Quốc?
VOV.VN - Bãi phế thải xây dựng trong khu vực đã vi phạm quy định được xác định là nguyên nhân chính gây ra vụ lở đất kinh hoàng này.
1, Vụ lở đất xảy ra vào trưa ngày 20/12 tại thành phố Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) đã kéo đổ và làm hư hại 33 toà nhà, chôn vùi nhiều người trong đống đổ nát. Tính đến 12h trưa 21/12 (giờ địa phương), các lực lượng cứu hộ, cứu nạn của Trung Quốc đã cứu sống được 14 người từ đống đổ nát, 91 người được xác định còn mất tích, con số này nhiều khả năng còn thay đổi.
Hiện trường vụ lở đất ở Thâm Quyến. (ảnh: Reuters). |
Ngay sau khi sự cố xảy ra, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Khắc Cường đã ra chỉ thị yêu cầu dốc toàn lực cho công tác cứu hộ, cứu nạn. Bãi phế thải xây dựng trong khu vực đã vi phạm quy định được xác định là nguyên nhân chính gây ra vụ lở đất kinh hoàng này.
Trong suốt đêm 20/12 và sáng 21/12, hơn 2.000 người thuộc các lực lượng phòng cháy chữa cháy, công an, cảnh sát đặc nhiệm và y tế cùng hơn 200 phương tiện cứu hộ các loại... và 30 chó nghiệp vụ đã nỗ lực tìm kiếm các nạn còn mắc kẹt trong đống đổ nát. Cùng với đó là 20 điểm cấp cứu dã chiến đã được thiết lập.
Hiện tại chưa có thông báo chính thức về nguyên nhân vụ lở đất, tuy nhiên trang mạng Vi Bác của Bộ Tài nguyên đất đai của Trung Quốc đánh giá, phần đất bị lở là đất bồi đắp nhân tạo, trong khi phần đất núi gốc không hề bị suy chuyển.
Hiện trường vụ lở đất kinh hoàng làm đổ sập 10 tòa nhà ở Thâm Quyến
Phần đất đắp nhân tạo bị lở xuống thuộc về một khu tập kết phù sa, đất loại (đất thải ra trong quá trình thi công các công trình xây dựng), trong đó chủ yếu là đất thừa và rác kiến trúc. Do lượng đất loại tích lũy quá nhiều, độ dốc lớn dẫn đến phần đất này mất ổn định và bị lở, làm nhiều tòa nhà cao tầng bị sập.
Theo trang Quartz, một loạt những vụ tai nạn gần đây ở Trung Quốc bao gồm cả vụ lở đất đã đặt ra câu hỏi lớn cho đất nước này về quy chuẩn an toàn công nghiệp.
Trước đó, vào tháng 8/2015, Trung Quốc đã phải hứng chịu vụ nổ kép kinh hoàng tại nhà máy hóa chất ở thành phố cảng Thiên Tân khiến hơn 170 người chết và hàng trăm người khác bị thương.
Video: Tiếng la hét hỗn loạn, đất đá bụi mù trong vụ lở đất Trung Quốc
2, Kết quả cuộc bầu cử quốc hội Tây Ban Nha được công bố ngày 20/12, diễn ra đúng như dự đoán của dư luận, khi đảng Nhân dân cầm quyền của Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy giành chiến thắng nhưng không đủ đa số ghế để một mình đứng ra thành lập chính phủ.
Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy. (ảnh: Getty). |
Kết quả bầu cử này buộc ông Rajoy phải tiến hành đàm phán với các đảng phái khác để thành lập chính phủ liên minh, bắt đầu một giai đoạn đối thoại giữa các đảng trong bối cảnh quốc gia này đang gặp nhiều khó khăn về kinh tế.
Phát biểu sau khi có kết quả sơ bộ, Thủ tướng Tây Ban Nha cho biết sẽ cố gắng thành lập chính phủ sớm nhất. Ông Rajoy nói: “Bất cứ ai giành chiến thắng trong cuộc bầu cử cũng nên cố gắng thành lập chính phủ. Tôi tin rằng Tây Ban Nha cần một chính phủ ổn định. Trong 4 năm qua chúng ta đã nỗ lực rất nhiều và chúng ta phải kiên nhẫn với những điều đã thực hiện”.
3, RT đưa tin, theo một nghiên cứu của Trung tâm Tôn giáo và Địa chính trị (CRG) - thuộc quỹ Tony Blair Faith Foundation do cựu Thủ tướng Anh Tony Blair sáng lập - mới được công bố, hiện có 15 nhóm thánh chiến đã sẵn sàng thay thế vị trí của IS tại Syria nếu tổ chức này bị đánh bại.
Các tay súng cực đoan tại Syria sẵn sàng thế chỗ nếu IS bị đánh bại. Ảnh: Zuma Press |
The Sunday Times dẫn báo cáo nghiên cứu trên cho biết, các nhóm thánh chiến có tổng cộng khoảng 65.000 tay súng đang chiến đấu ở Syria và sẵn sàng lấp đầy khoảng trống mà IS để lại.
Báo cáo này cho rằng, phương Tây đang mắc "sai lầm chiến lược" khi chỉ tập trung nỗ lực chống khủng bố của mình vào tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) mà bỏ qua các nhóm thánh chiến khác. 60% trong số các nhóm thánh chiến ở Syria có tư tưởng Hồi giáo cực đoan và có những mục tiêu tương tự như IS.
4, AP dẫn lời giới chức Israel nói rằng có 3 tên lửa bắn từ phía nam Lebanon tấn công vào miền Bắc Israel vào ngày 20/12 và quân đội Israel đã nã pháo ngược trở lại. Tuy nhiên, không có thương vong nào xảy ra sau vụ “đấu pháo” này.
|
Vụ bắn tên lửa diễn ra trong bối cảnh căng thẳng leo thang ở khu vực biên giới giữa 2 nước Lebanon và Israel. Trước đó, một tay súng của nhóm vũ trang Hezbollah tại Lebanon (nhóm này từng tổ chức một vụ tấn công khét tiếng vào Israel) tên là Samir Kantar đã thiệt mạng ở Syria trong một cuộc không kích.
Nhóm Hezbollah đổ lỗi cho Israel về vụ không kích nói trên và cho biết sẽ trả thù. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có xác nhận nào về việc vụ bắn tên lửa từ Lebanon có liên quan tới nhóm vũ trang Hezbollah hay không.
5, Ngày 21/12, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian đã tới thủ đô Moscow để thảo luận với người đồng cấp Nga Sergei Shoigu về cuộc chiến chống IS.
Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian. (Ảnh: AFP). |
Chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Drian tới Nga diễn ra trong bối cảnh Mỹ và các nước phương Tây gần đây đưa ra nhiều cáo buộc cho rằng Nga đang không kích cả IS và phe đối lập tại Syria, nhằm hỗ trợ quân đội chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad.
Trước khi lên đường tới thủ đô Moscow, Nga, ông Drian cho biết, ông sẽ trao đổi quan điểm của nước Pháp về cuộc chiến chống IS với Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu, đồng thời khẳng định vai trò quan trọng của Nga trong cuộc chiến này.
6, Truyền thông Nga ngày 21/12 đưa tin các biện pháp trừng phạt kinh tế của Liên minh châu Âu đối với Nga sẽ có hiệu lực kể từ ngày 22/12 tới.
Tuần trước, Đại diện thường trực các nước thành viên Liên minh châu Âu (COREPER) đã quyết định kéo dài các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Nga thêm 6 tháng, kéo dài đến cuối tháng 7/2016.
(Hình minh họa: KT). |
Trước đó, trong một đoạn phim tài liệu được đài RT của Nga phát sóng tối 20/12, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho rằng, lợi ích của các nước châu Âu nằm ở việc nỗ lực đoàn kết với Nga về mặt kinh tế, chính trị và trong cuộc chiến chống khủng bố cũng như cuộc chiến giải quyết những vấn đề môi trường và tội phạm có tổ chức.
Cũng trong đoạn phim tài liệu này, ông Putin khẳng định Nga sẵn sàng hợp tác với tất cả các bên mong muốn giải quyết cuộc khủng hoảng ở Syria.
Tổng thống Nga nhấn mạnh, các nước phương Tây không nên cố gắng áp đặt ràng buộc các nước khác phải chấp nhận một cách máy móc những ý tưởng của Washington về dân chủ, trong vấn đề này cần hành động thận trọng và đúng mực./.