Thế giới 24h:Ông Ban Ki-moon nhắc TQ giải quyết bất đồng bằng hòa bình
VOV.VN - Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon ngày 7/7, khẳng định với Trung Quốc sự cần thiết sử dụng giải pháp hòa bình cho các vấn đề trên Biển Đông.
1. Phát biểu tại cuộc họp báo chung với Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tại Bắc Kinh, ông Ban Ki-moon nhấn mạnh, cần giải quyết các bất đồng thông qua biện pháp hòa bình, tránh những bước đi làm leo thang căng thẳng hay hiểu nhầm có thể đẩy an ninh cũng như diễn biến khu vực vào nguy hiểm.
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon (phải) đang có chuyến thăm Trung Quốc. (ảnh: AP). |
Phát biểu của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon đưa ra ngay trước phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực Liên Hợp Quốc (PCA) tại La Haye (Hà Lan), về vụ Philippines kiện yêu sách chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông vào ngày 12/7 tới.
Trung Quốc trước đó khẳng định sẽ không tham gia vụ kiện hay chấp nhận phán quyết Tòa đưa ra. Tòa trọng tài “PCA” mà Trung Quốc ra sức đối phó là gì?
2. Ngày 6/7, Ủy ban Điều tra của Anh về cuộc chiến tại Iraq đã công bố báo kết quả điều tra về quyết định của Cựu Thủ tướng Anh Tony Blair đưa quân tham gia cuộc chiến tại Iraq, trong đó kết luận rằng Anh đã tham chiến trước khi toàn bộ những phương án hòa bình trở nên bất khả thi.
Cựu Thủ tướng Anh Tony Blair. (Ảnh: Reuters) |
Theo Ủy ban Điều tra độc lập của Anh, hành động quân sự không phải là phương án cuối cùng trong cuộc chiến tranh Iraq. Ủy ban này cũng nhấn mạnh cơ sở pháp lý cho hành động quân sự của Anh ở Iraq là “không thỏa đáng” và chính sách của Anh về Iraq được đưa ra dựa trên “những đánh giá và thông tin tình báo sai lầm”.
Ngay sau khi bản báo cáo được công bố, với vẻ mệt mỏi, cựu Thủ tướng Anh Tony Blair xuất hiện trong cuộc họp báo dài 109 phút và nói rằng, ông cảm nhận được một cách chân thành và sâu sắc nỗi đau của những gia đình đã mất đi người thân ở Iraq.
Tuy nhiên, khi được hỏi liệu cuộc chiến ở Iraq có phải là sai lầm, ông Blair vẫn khẳng định: “Tôi tin rằng, chúng tôi đã quyết định đúng và nó giúp thế giới tốt hơn, an toàn hơn”. Cựu Thủ tướng Anh không xin lỗi vì quyết định tham chiến ở Iraq
3. Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Mỹ Barack Obama hôm qua (6/7) có cuộc điện đàm thảo luận tình hình Syria.
Văn phòng chính phủ Mỹ cho biết, ông Obama đã nhấn mạnh rằng Nga cần phải tạo áp lực lên chính quyền của Tổng thống Syria Bashar Hafez al-Assad để hạn chế những vụ tấn công dân thường và tạo tiến bộ cho tiến trình chuyển giao chính trị chấm dứt chiến tranh ở Syria.
Tổng thống Mỹ Barack Obama và người đồng cấp Nga Vladimir Putin. (Ảnh:WorldBulletin). |
Trong khi đó, văn phòng chính phủ Nga cho biết, ông Putin đã tận dụng cơ hội từ cuộc điện đàm này để kêu gọi ông Obama ủng hộ việc tách biệt phe đối lập ôn hòa ở Syria với những nhóm khủng bố cực đoan như Mặt trận Nusra Front.
Hai nhà lãnh đạo khẳng định cam kết đánh bại tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và mặt trận Nusra, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc Liên hợp quốc đứng ra làm trung gian cho tiến trình đàm phán hòa bình tại Syria.
Bên cạnh đó, Tổng thống Nga và Mỹ cũng thảo luận về cuộc xung đột ở Ukraine, trong đó nhấn mạnh việc phải thực hiện nghiêm túc và đầy đủ thỏa thuận hòa bình Minsk. Khủng bố nã pháo Aleppo, vi phạm lệnh ngừng bắn ngày Eid al-Fitr
4. Cơn bão có tên quốc tế là Nepartak dự kiến sẽ đổ bộ lên lãnh thổ Trung Quốc vào ngày 8/7 với sức gió ở trung tâm bão giật lên cấp 17.
Trong khi tình hình lũ lụt ở các tỉnh lưu vực sông Trường Giang diễn biến phức tạp khiến gần 200 người thiệt mạng và mất tích, Trung Quốc lại đang phải gồng mình để đối phó với cơn bão đầu tiên trong năm Nepartak.
Khách du lịch sơ tán khỏi một hòn đảo ngoài khơi để tránh bão Nepartak. (ảnh: EPA). |
Các địa phương thuộc lưu vực sông Trường Giang (Trung Quốc) đang phải gồng mình chống chọi với đợt mưa lũ nghiêm trọng nhất từ đầu năm tới nay. Đợt mưa lũ bắt đầu từ ngày 30/6 đến nay diễn ra trên diện rộng, bao phủ tới 81 thành phố với 370 huyện, thị, thuộc 11 tỉnh thành ven sông Trường Giang như Tứ Xuyên, Trùng Khánh, Hồ Bắc, An Huy... ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuộc sống hơn của 30 triệu người.
Theo thông kê chính thức, đến ngày 7/7, tại khu vực trên, đã có ít nhất 181 người thiệt mạng hoặc mất tích; 1,6 triệu người phải di chuyển khẩn cấp đến nơi trú ẩn an toàn, hơn 220.000 hecta hoa màu bị thiệt hại, tổn thất trực tiếp về kinh tế hoảng 48 tỷ Nhân dân tệ, tương đương 7,3 tỷ USD.
5. Ngày 6/7, người Hồi giáo trên khắp thế giới đang tưng bừng tổ chức lễ Eid al-Fitr, đánh dấu sự kết thúc của tháng ăn chay Ramadan- lễ hội lớn nhất trong năm của người Hồi giáo.
Người Hồi giáo khắp thế giới đang tưng bừng tổ chức lễ Eid al-Fitr. (ảnh: Getty). |
Ngay từ lúc mặt trời mọc, người Hồi giáo trên thế giới tham gia lễ cầu nguyện đại chúng Eid al-Fitr, sau đó thưởng thức bữa sáng gia đình thịnh soạn nhất sau 30 ngày ăn kiêng.
Tại thủ đô Tehran của Iran, trong buổi lễ cầu nguyện tại thánh đường Mosala, đại giáo chủ Ali Khamenei kêu gọi người dân không phân biệt tôn giáo, địa vị xã hội tiếp tục tôn trọng tinh thần tháng lễ linh thiêng Ramadan đoàn kết, tương trợ và giúp đỡ người nghèo khổ.
Còn ở thủ đô Baghdad của Iraq hay thành phố Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ thì ngày đầu tiên của lễ hội Eid al-Fitr là ngày để tang những nạn nhân thiệt mạng trong các vụ đánh bom khủng bố vừa qua.
Tại thánh địa Jerusalem, hàng nghìn người Palestine hôm qua ngày 6/7 cũng đã tới đền thờ al-Aqsa để cầu nguyện lễ Eid al-Fitr. Tại thành phố Ramallah ở Bờ Tây, những người cầu nguyện đã cùng Tổng thống Palestinee Mahmoud Abbas đến đặt vòng hoa tưởng niệm cố Tổng thống Yesser Arafat, và cầu mong về một nhà nước hòa bình cho người Palestine. Người Hồi giáo tổ chức Lễ Eid al-Fitr kết thúc tháng ăn chay Ramadan
6. Tòa sơ thẩm Phnom Penh ngày 7/7 thông báo kết thúc điều tra với ông Sam Rainsy, đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Đảng Cứu Quốc đối lập (CNRP).
Người phát ngôn Tòa sơ thẩm Phnom Penh, ông Ly Sophana cho biết, ông Sam Rainsy phạm tội thông đồng với ông Hong Sok Hua - thượng nghị sỹ của Đảng đối lập, để sửa và tung Hiệp Ước biên giới Việt Nam- Campuchia lên trang mạng xã hội.
Ông Hong Sok hou đang bắt tạm giam. |
Nội dung Hiệp ước đã bị sửa sai lệch và nếu không có đính chính kịp thời sẽ tạo dư luận xấu đối với Chính phủ Campuchia hiện nay.
Ông Hong Sok Hua đã bị bắt ngay sau đó để chờ xét xử, còn ông Sam Rainsy bỏ trốn ra nước ngoài. Ông Ly Sophana cho biết thêm, nếu ông Sam Rainsy không về nước đầu thú, Tòa sơ thẩm Phnom Penh sẽ xử vắng mặt trong thời gian tới./.