Thế giới chuẩn bị như thế nào cho một “thời đại Trump”?
VOV.VN - Báo New York Times (Mỹ) cho rằng nhiều nước đang giận dữ, NATO thì lo lắng còn các đối tác EU ở trong tình trạng báo động khi ông Trump lên nắm quyền.
Chỉ vài ngày trước khi tuyên thệ nhậm chức, Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump một lần nữa tập trung sự chú ý của thế giới vào những phát ngôn gây tranh cãi của ông. Những tuyên bố của ông trong các bài phỏng vấn thời gian gần đây đã làm căng thẳng leo thang với Trung Quốc trong khi gây phẫn nộ đối với các đồng minh phương Tây.
Những phát ngôn "gây sốc" của ông Trump luôn dễ dàng tràn ngập các mặt báo. Ảnh: EPA. |
Bắc Kinh đứng ngồi không yên vì Trump lấp lửng với chính sách “Một Trung Quốc”
Ông Trump đã kích động chính quyền ở Bắc Kinh khi lấp lửng với chính sách “Một Trung Quốc” lâu nay của Mỹ trong một cuộc phỏng vấn với Wall Street Journal ngày 13/1 vừa qua.
Ngày 16/1, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Doanh (Hua Chunying) tuyên bố, bất cứ ai muốn lợi dụng vị thế của Đài Loan (Trung Quốc) để đàm phán thì chỉ như “tự nhấc đá đè lên chân mình” và sẽ phải đối mặt với sự phản đối mạnh mẽ, rộng rãi từ chính phủ, người dân Trung Quốc cũng như cộng đồng quốc tế. Bà Hoa Xuân Doanh nhấn mạnh “không phải mọi thứ trên thế giới này đều có thể thương lượng hay đánh đổi được”.
Trung Hoa Nhật Báo (China Daily) phiên bản tiếng Anh ngày 16/1 đăng bài bình luận cho rằng ông Trump đang “đùa với lửa”. Tờ báo này nêu rõ, nếu Đài Loan trở thành vấn đề có thể đàm phán như ông Trump chia sẻ với Wall Street Journal thì Bắc Kinh sẽ không còn sự lựa chọn nào khác là phải “hành xử thẳng tay” với Mỹ.
Báo Trung Quốc đe dọa Mỹ phải thực thi nguyên tắc “một Trung Quốc”
Gây hấn với Đức, gây hấn với cả phương Tây
Trong một cuộc phỏng vấn được báo Bild của Đức và Times of London của Anh xuất bản ngày 16/1, Tổng thống đắc cử Donald Trump cho biết, ông đặt lòng tin vào bà Merkel ngang với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ông Trump bắt đầu cuộc phỏng vấn chung với 2 tờ báo Anh và Đức bằng lời khẳng định rằng: “Tôi tin cả 2”. Nhưng ông cũng cho biết “để xem điều đó kéo dài được bao lâu, có thể nó không kéo dài được lâu”.
Ông Trump miêu tả EU “về cơ bản là cỗ xe của Đức” và dự đoán rằng khối này sẽ phải chứng kiến những nước khác nối gót Anh rời khỏi liên minh.
Ông Trump cũng cho rằng Thủ tướng Đức Angela Merkel đã phạm “một sai lầm thảm họa” khi cho phép người tị nạn đổ vào châu Âu. Bình luận của Tổng thống đắc cử Trump đặt ông vào trung tâm của một trong những vấn đề gây tranh cãi nhất ở châu Âu hiện nay.
Suy nghĩ của ông Trump về Đức cũng là suy nghĩ của một bộ phận người dân ở châu Âu. Nhưng điều đáng ngạc nhiên là lãnh đạo tương lai của nước Mỹ có thể đưa ra những bình luận như vậy đối với đồng minh chủ chốt. Với việc làm như vậy, ông Trump cũng đã “giúp đỡ” các đảng theo chủ nghĩa dân túy “xé nát” EU.
Bà Merkel có thể phản ứng bình tĩnh nhưng NATO thì không
Đáp lại những bình luận này, ngày 16/1, Thủ tướng Đức Angela Merkel cho rằng quan điểm của ông Trump không mới và quan điểm của bà cũng vẫn là “châu Âu phải nắm giữ vận mệnh của chính mình”.
Thủ tướng Đức Angela Merkel không "nao núng" vì bình luận của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump. Ảnh: EPA. |
Vốn là người theo chủ nghĩa thực dụng, bà Merkel cho rằng điều quan trọng là những gì ông Trump sẽ làm khi bắt đầu nhậm chức. Thủ tướng Đức cũng khẳng định sẽ hợp tác với Tổng thống đắc cử Trump sau khi ông tuyên thệ nhậm chức ngày 20/1 tới.
Đại sứ Mỹ tại Đức, một trong những người phải trở về nước trước lễ nhậm chức của ông Trump, ông John B. Emerson đã tận dụng mọi bài phỏng vấn trong những ngày gần đây để xoa dịu dư luận ở Đức, mong rằng họ không suy luận thái quá những dòng bình luận trên Twitter của ông Trump khiến quan hệ giữa nhân dân 2 nước xấu đi.
Tuy nhiên, Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier vẫn cho rằng những bình luận của ông Trump đã khiến giới chức châu Âu “kinh ngạc và chấn động”. Ông cho biết Tổng thư ký NATO Frank-Walter Steinmeier cũng bày tỏ những lo lắng trong liên minh này khi những tuyên bố của ông Trump trái ngược với phát biểu của ứng viên Bộ trưởng Quốc phòng vài ngày trước.
New York Times nhận định ông Trump “luôn biết cách đưa ra những cuộc phỏng vấn gây sốc”. Trả lời phỏng vấn 2 tờ báo Anh và Đức mới đây, ông Trump nhắc lại những chỉ trích rằng Tổ chức Hiệp ước Bắc đại Tây Dương (NATO) là quá “lỗi thời” để có thể chống khủng bố.
Dù ngay sau đó ông Trump cũng tái khẳng định rằng NATO rất quan trọng đối với Mỹ, cựu Đại sứ Mỹ tại NATO Nicholas Burns vẫn cho rằng bình luận của ông Trump là “sự xúc phạm trực tiếp vào trật tự tự do mà chúng ta xây dựng từ năm 1945 và nó đã bác bỏ ý nghĩ Mỹ nên dẫn đầu phương Tây”.
Theo ông Burns, Tổng thống đắc cử Trump đang quay lưng lại với chính sách và chiến lược suốt 70 năm qua của nước Mỹ. Cựu Đại sứ Mỹ tại NATO nhấn mạnh “NATO là sự khác biệt sức mạnh lớn giữa Mỹ và Nga cũng như các đồng minh ở châu Á là sự khác biệt sức mạnh lớn giữa Mỹ và Trung Quốc”.
Các nước khác án binh bất động trước những tuyên bố của ông Trump
Các nhà phân tích đang cố gắng lý giải những tuyên bố của ông Trump còn các quan chức thì tìm cách đáp lại những tuyên bố này. Theo một số nhà phân tích, lời nói của ông Trump là một chiến thuật để ngỏ mọi phương án. Vì thế nhiều nước cho rằng, ít nhất đến thời điểm này không nên hiểu lời nói của ông Trump theo nghĩa đen.
Tổng thống Mỹ Obama: Đừng đánh giá quá thấp Donald Trump
New York Times dẫn lời Giám đốc Viện Nghiên cứu Chatham House có trụ sở tại London, ông Robin Niblett cho rằng Tổng thống đắc cử của Mỹ để ngỏ mọi phương án để bản thân ông không phải chịu sức ép khi chỉ đơn giản ủng hộ chính sách hiện hành.
Theo New York Times, điều dễ đoán nhất ở ông Trump có lẽ là những động thái không thể lường trước được. Thế giới đang dần quen với những thông điệp “gây sốc” của ông trên mạng xã hội Twitter nhưng lại không rõ liệu những tuyên bố này có thể hiện cương lĩnh chính sách mới nào không, hay chỉ là sự đánh giá cá nhân hoặc là sự đánh giá ngẫu hứng./.