Thế giới chung tay đối phó với dịch Ebola
VOV.VN - Đại dịch sốt xuất huyết Ebola là mối đe dọa đối với nhân loại.
Đó là cảnh báo của Tổng thống Senegal Macky Sall tại Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Phi vừa diễn ra ở Washington, Mỹ.
Các nhà lãnh đạo châu Phi cũng chia sẻ mối quan ngại chung về loại virus chết người đang hoành hành ở Tây Phi này, đồng thời cho rằng, cần phải có một kế hoạch ứng phó toàn cầu trước nguy cơ virus có thể lan rộng.
Tổng thống Senegal Maki Sall cho rằng, virus gây sốt xuất huyết Ebola là căn bệnh không chỉ của châu Phi mà là mối đe dọa đối với cả nhân loại, vì thế, toàn bộ cộng đồng, các nhà khoa học và các nhà nghiên cứu trên thế giới cần phải tìm ra giải pháp chiến thắng đại dịch này.
Tổng thống Sall nhấn mạnh: “Chúng ta có những chuyến bay xuyên lục địa, đến Mỹ, đến châu Âu. Vì thế đây là một cuộc khủng hoảng toàn cầu. Chúng ta cần phải ứng phó với nó như đối với bệnh lao hay virus HIV/AIDS. Điều đó đòi hỏi cộng đồng quốc tế cần phải đoàn kết trong vấn đề này”.
Tổng thống Nam Phi Jacob Zuma và Tổng thống Tanzania Jakaya Mrisho Kikwete cũng chia sẻ quan điểm này. Tuy nhiên ông Kikwete cũng nhấn mạnh rằng, Ebola mới chỉ xuất hiện ở khu vực Tây Phi và không nên có nhận thức sai lầm rằng rằng cả châu Phi đang bị dịch bênh hoành hành, dẫn đến những nỗi sợ không đáng có khi đi đến châu lục này.
Kể từ khi bùng phát trở lại hồi 2 đến nay, virus Ebola đã cướp đi sinh mạng của gần 900 người ở Tây Phi, chủ yếu ở các nước Guinea, Sierra Leone và Liberia.
Tại Nigeria, trường hợp thứ hai nhiễm virus Ebola được phát hiện hôm 4/8 vừa qua là 1 bác sỹ điều trị cho bệnh nhân người Liberia tử vong khi đến Lagos bằng đường hàng không.
Sân bay quốc tế Murtala Muhammed ở thành phố lớn nhất của Nigeria tiếp tục phải tăng cường các biện pháp kiểm tra y tế. Hành khách đến và đi sân bay này đều phải đi qua máy quét thân nhiệt và điền vào tờ khai về tình trạng sức khỏe.
Trong khi đó, 2 bác sĩ người Mỹ bị nhiễm virus Ebola khi tham gia cứu chữa cho bệnh nhân ở thủ đô Monrovia của Liberia đều đã được đưa về nước để nghiên cứu điều trị.
Bác sỹ Nancy Writebol 59 tuổi và Kent Brantly 33 tuổi đang được các chuyên gia của bệnh viện đại học Emory điều trị trong khu vực cách li hoàn toàn của Bệnh viện Atlanta thuộc bang Georgia.
Quan chức y tế Mỹ cho biết, sức khỏe của 2 bác sỹ đã được cải thiện sau khi dùng thuốc điều trị Ebola đang trong giai đoạn thử nghiệm và đã được thử nghiệm trên khỉ.
Hỗn hợp kháng thể có tên ZMapp này được nghiên cứu và phát triển bởi Viện nghiên cứu Scripps ở California.
Trưởng nhóm nghiên cứu Erica Ollmann Saphire cho biết: “Chúng tôi thu thập tất cả các mẫu virus Ebola mà các nhà khoa học trên toàn thế giới đang nghiên cứu và đưa ra một mẫu số chung cho nghiên cứu này. Mọi người đang đóng góp những công cụ và tài nguyên để có thể đưa ra 1 phương pháp điều trị tốt nhất để nếu virus Ebola bùng phát lần tới thì các bác sỹ đã có những gì họ cần để điều trị cho bệnh nhân. Trong vòng 5 năm, chúng tôi có thể nói virus này sẽ có thuốc chữa”.
Hiện chưa rõ 2 bác sỹ Nancy và Kent có được tiếp tục dùng thuốc thử nghiệm khi về Mỹ hay không.
Tuy nhiên, Bác sỹ Anthoni Fauci thuộc Viện nghiên cứu y học quốc gia Mỹ (NIH) cho rằng, còn quá sớm để kết luận kháng thể mà 2 bác sỹ này dùng có thể trở thành thuốc chống virus Ebola, nghĩa là chưa có 1 pháp đồ điều trị chung được khuyến cáo cho tất cả các trường hợp nhiễm virus chết người này.
Ông Fauci cho biết: “Đây là lần đầu tiên thuốc thử nghiệm được dùng trên cơ thể người. Tính hiệu quả, liều lượng và pháp đồ điều trị vẫn còn nhiều hạn chế. Do đó, chúng tôi không có gì để so sánh”.
Theo ông Fauci, điều quan trọng nhất hiện nay là kiểm soát dịch bệnh đang bùng phát ở các nước Tây Phi, nơi hệ thống y tế còn nghèo nàn, lạc hậu.
Ông George Salloun, Phó chủ tịch phụ trách tài chính và hoạt động của tổ chức từ thiện Mỹ SIM đang hỗ trợ các nước Tây Phi đối phó với dịch Ebola cho rằng, đây là 1 thông tin đáng mừng. Đồng thời cam kết, nếu loại thuốc này có hiệu quả, SIM sẽ giúp đỡ các nhà nghiên cứu phát triển và đưa vào sử dụng để nhanh chóng dập tắt dịch Ebola./.