Thế giới hưởng ứng Giờ Trái đất 2013
(VOV) - Ugandar có kế hoạch trồng khoảng 500.000 cây xanh - một phần của chiến dịch ủng hộ Giờ Trái đất.
Những địa danh nổi tiếng khắp thế giới từ Nhà hát Opera Sydney đến Tháp Petronas, Cổng Brandenburg và Tháp Tokyo... sẽ tắt điện trong giờ Trái đất năm nay. Hơn 150 quốc gia và vùng lãnh thổ cũng tham gia hưởng ứng Giờ Trái đất.
Không chỉ tham gia ủng hộ giờ Trái đất, nhiều quốc gia trên thế giới đã phát động các chiến dịch để hưởng ứng giờ Trái đất. Quỹ Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế tại Nga đã thu thập 120.000 chữ ký kiến nghị thông qua luật bảo vệ các vùng biển khỏi ô nhiễm dầu. Kiến nghị này là một phần trong chiến dịch “Tôi hành động, nếu bạn hành động” của Giờ Trái đất được trình lên Quốc hội Nga thông qua. Người đồng sáng lập chiến dịch, Giám đốc Điều hành Giờ Trái Đất Andy Ridley ca ngợi những đóng góp này của Nga trong các hoạt động hưởng ứng giờ Trái đất năm nay: “Tại Nga chỉ trong vòng 9 tháng, Quỹ Bảo tồn thiên nhiên quốc tế tại đây đã nhận được sự ủng hộ của hàng nghìn người trong các hoạt động bảo vệ môi trường. Đây có thể coi là một điểm sáng về các kết quả cụ thể trong các hoạt động bảo vệ môi trường, cũng như khẳng định sức mạnh của sự hợp tác và đoàn kết”.
Tại Ugandar, các chiến dịch hưởng Giờ trái đất được phát động bằng những hoạt động giúp bảo vệ diện tích rừng đang ngày càng bị thu hẹp. Quỹ Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế Ugandar có kế hoạch trồng ít nhất khoảng 500.000 cây xanh như một phần trong chiến dịch ủng hộ Giờ trái đất. Những chiến dịch này được người dân Ugandar ủng hộ cao: “Các bạn thấy đấy, rất nhiều loài động vật đã phải sơ tán khỏi rừng vì chúng mất môi trường sống. Khí hậu cũng đang diễn biến thất thường. Bất cứ khi nào chúng ta mong nắng thì lại mưa và ngược lại. Chính quyền đã đề nghị chúng tôi thành lập những nhóm tự quản rừng. Chúng tôi rất ủng hộ vì đây là một phần trong các hoạt động bảo vệ môi trường nơi mà chúng tôi đang sinh sống”.
Tại Botswana, Cựu Tổng thống Festus Mogae đã đưa ra cam kết thực hiện chiến dịch 4 năm để trồng một triệu cây xanh như một phần trong chiến dịch “Tôi hành động, nếu bạn hành động” của Giờ Trái đất. Một chiến dịch trồng 100.000 cây xanh khác tại những khu vực đất bạc màu cũng bắt đầu được phát động. Còn tại Mỹ, các hoạt động kêu gọi hưởng ứng Giờ Trái đất bằng việc sử dụng các loại đèn tiết kiệm năng lượng tiếp tục được đưa ra sau khi chiến dịch này được thực hiện khá hiệu quả năm ngoái. Các nhà tổ chức hoạt động Giờ Trái đất tại Argentina cũng đang vận động hàng nghìn người tham gia một kiến nghị, kêu gọi chính phủ thông qua luật bảo vệ khu bảo tồn hàng hải Banco Burwood lớn nhất đất nước.
Tại Palestin, Giờ Trái đất năm nay là sự kiện bảo vệ môi trường đầu tiên nước này tham gia kể từ khi được Liên Hợp Quốc công nhận. Dự kiến Giờ trái đất sẽ được thực hiện từ Dải Gaza đến Bờ Tây. Tunisia cũng chính thức tham dự Giờ Trái đất năm nay. 11 thành phố và thị trấn sẽ tham gia vào sự kiện tắt đèn Giờ Trái đất.
Giờ Trái đất là sáng kiến toàn cầu do Quỹ Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (WWF) khởi xướng, nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ môi trường và biến đổi khí hậu. Chiến dịch được thực hiện lần đầu tiên tại thành phố Sydney của Australia năm 2007. Đến nay, Giờ Trái đất đã lan rộng trên khắp các châu lục trên toàn thế giới. Là một chiến dịch mở, Giờ Trái Đất sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội để kết nối một cộng đồng toàn cầu, giúp thay đổi thế giới chúng ta đang sống một cách tốt đẹp hơn./.